Địa phương kiến nghị sửa thông tư về chế độ tài chính đối với HS dân tộc nội trú

17/12/2022 06:48
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có những quy định đến nay đã hơn 10 năm khiến cho thầy và trò trường dân tộc nội trú rất vất vả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục.

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị, năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 150 cơ sở giáo dục đào tạo; trong đó có 4 trường phổ thông dân tộc nội trú huyện, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, 11 trường phổ thông dân tộc bán trú (3 trường tiểu học, 4 trường Trung học cơ sở và 4 trường Tiểu học & Trung học cơ sở).

Số học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học có 12.316 em; bậc trung học cơ sở có 8.182 em; bậc trung học phổ thông có 2.379 em.

Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện có 1.003 em; Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh có 368 em.

Tính đến nay, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ chi phí học tập, sinh hoạt cho học sinh. Phần lớn đã phát huy hiệu quả trong việc chăm sóc học sinh.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều những bất cập bởi có những chính sách đã tồn tại đến trên 10 năm nên thực tế đã không phù hợp với thực tế.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào Tạo Quảng Trị cho biết:

“Bên cạnh các chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển các trường dân tộc nội trú, Quảng Trị cũng có Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày 20/7/2019 của Hội đồng nhân nhân tỉnh về phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…

Tuy nhiên, qua làm trao đổi và nắm tâm tư nguyện vọng của các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh cho thấy vẫn còn một số quy định đang khiến nhiều nhà trường còn gặp khó khăn trong công tác chăm sóc nội trú cho học sinh.

Thứ nhất, hiện nay nhiều trường trung học cơ sở dân tộc nội trú đang phải loay hoay trong việc chi hỗ trợ cho học sinh.

Học sinh trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú Tỉnh Quảng Trị tham gia hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Học sinh trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú Tỉnh Quảng Trị tham gia hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Cụ thể, việc chi trả chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho học sinh các nhà trường này vẫn đang thực hiện theo Thông tư liên tịch số 109/TTLT/BTC-BGDĐT, ngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo về Hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc (Thông tư 109 - PV).

Theo đó, học sinh các trường này được hưởng mức học bổng hàng tháng bằng 80% mức lương cơ sở để chi trả cho tiền ăn và sinh hoạt.

So với mức lương hiện tại, mỗi em đang được nhận 1.192.000 đồng/tháng, không phân biệt học sinh lớp 6 hay lớp 9, dù chế độ dinh dưỡng có khác nhau. Cùng với đó, việc cấp sinh hoạt phí cho các em học sinh ở cùng 1 mức học bổng là không hợp lý.

Với mức chi tiền ăn 3 bữa/ngày cùng với sinh hoạt phí nên các em rất khó có thể đáp ứng được nhu cầu học tập, sinh hoạt tại trường. Đặc biệt là các em ở độ tuổi đang phát triển.

Bên cạnh đó, Thông tư 109 chỉ hỗ trợ tiền tàu xe cho học sinh theo giá vé thông thường của phương tiện vận tải công cộng, mỗi năm một lần để thăm gia đình vào dịp Tết hoặc nghỉ hè. Việc học sinh di chuyển xa khiến các em gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, trong Thông tư 109, cũng quy định chi trả chế độ trang cấp ban đầu cho học sinh trường trung học cơ sở dân tộc nội trú, gồm chăn bông, chiếu, màn, áo bông, quần áo đi mưa... Tuy nhiên, việc trang cấp này chỉ thực hiện một lần vào năm học đầu cấp.

Như vậy, học sinh chỉ được cấp 1 lần khi vào trường, (lớp 6, lớp 10) và dùng chung cho suốt những năm học tiếp theo.

Chính vì vậy, các em học sinh rất khó có thể sử dụng suốt một thời gian dài dẫn đến những thiếu hụt, khó khăn. Đặc biệt là trong giai đoạn này các em phát triển về thân thể rất nhiều…”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho biết.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Đakrông tham quan Triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: website nhà trường

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Đakrông tham quan Triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: website nhà trường

Cũng theo một lãnh đạo trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cho biết, vấn đề vị trí việc làm đối với nhân viên trong trường cũng là một bất cập khiến các trường nội trú gặp khó. Nhiều vị trí việc làm không được quy định trong thông tư nên nhà trường gặp khó.

Ví dụ như bảo vệ, quản sinh, nhân viên cấp dưỡng… các trường phải tự hợp đồng nên rất khó có kinh phí đảm bảo.

Theo vị lãnh đạo này cho biết, đặc thù ở trường nội trú, mọi việc ăn ở với học sinh phải được chăm sóc 100% ngày 3 bữa. Do vậy, nhân viên nấu ăn trong trường rất quan trọng.

Theo quy định, đối với nhân viên nấu ăn trong trường phổ thông dân tộc nội trú được ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp đã được chuyển sang ký hợp đồng theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/11/2018 về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Tuy nhiên, theo đó tại mục 4.2 của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP có quy định “kinh phí chi trả cho hợp đồng lao động làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập được lấy từ nguồn tài chính ngoài quỹ tiền lương của đơn vị”.

Thực tế tại trường phổ thông dân tộc nội trú, việc thực hiện chi trả rất khó khăn bởi nguồn tài chính ngoài quỹ tiền lương của đơn vị rất eo hẹp bởi các trường phổ thông dân tộc nội trú hoàn toàn được nhà nước cấp kinh phí để hoạt động và không được thu bất khoản phí của học sinh. Do vậy, nhà trường rất khó khăn trong việc sắp xếp vị trí việc làm.

Cùng với đó là phụ cấp cho nhân viên trường học trong trường nội trú không giống như giáo viên (giáo viên được thêm hệ số phụ cấp là 0,3) mặc dù công việc rất nhiều với đặc thù của trường nội trú khiến anh chị em tâm tư.

Hi vọng thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm sửa đổi Thông tư Liên tịch số 109/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 Hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Trần Phương