Ngày 13/12, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có phát biểu kết luận tại Hội nghị đánh giá triển khai việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022 – 2023.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ban hành; năm 2019 chuẩn bị; bắt đầu thực hiện chương trình, thay sách giáo khoa từ năm 2020 đối với lớp 1, và những gì khó khăn nhất, bỡ ngỡ nhất đã rơi vào những năm vừa rồi.
Cho tới nay, chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng, như đúng với tiến độ và kế hoạch đề ra từ trước. Các tỉnh, thành phố trong cả nước đã được triển khai tương đối đồng bộ, tiến độ đồng loạt tạm ổn.
Ngành giáo dục trong 3 năm qua đã làm được rất nhiều việc, sáng tạo, bền bỉ, âm thầm đóng góp với khối lượng công việc rất lớn cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện của ngành. Trong thời gian vừa qua, hơn 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý vừa phải vật lộn với dịch bệnh, vừa phải thực hiện chương trình mới.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. (Ảnh: P.L) |
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đi được giai đoạn đầu gian khổ, nhưng trước mắt sẽ vẫn còn nhiều vướng mắc. Dù chưa hài lòng, nhưng vẫn phải nhìn nhận rằng chương trình đã đạt được những mục tiêu rất căn bản.
Trong dịch bệnh nhưng việc thực hiện chương trình mới không bị vỡ trận. Bộ trưởng đề nghị từ nay đến khi tổng kết chương trình mới phải tiếp tục có những điều chỉnh những điều cần điều chỉnh, chứ không phải triển khai thụ động.
Sắp tới, trong nửa chặng đường tiếp theo, Bộ trưởng đề nghị toàn ngành cần xác định rằng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn ngành, của đất nước.
“Không có chuyện giữa đường đứt gánh, không có đường lui, chỉ có tiến về phía trước. Không có chuyện khó lắm hay là thôi” – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.
Về vấn đề chuyên môn của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ trưởng nói rằng, có 2 nội dung lớn là các môn dạy tích hợp, tài liệu Giáo dục địa phương.
Bộ trưởng đề nghị, tùy theo điều kiện của từng địa phương có thể, nơi nào có điều kiện thì dạy môn tích hợp, nếu chưa thì phân công giáo viên dạy từng môn thành phần. Các địa phương cần bình tĩnh đi từng bước tùy theo điều kiện, giải thích cho phụ huynh hiểu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất của người học, nhưng đề phòng trạng thái cực đoan.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích, cần phải hiểu phát triển năng lực là như thế nào, rất dễ có hiểu lầm cực đoan là bỏ bớt việc dạy kiến thức. Cơ sở vật chất cần xây dựng từng bước, chứ không thể “một sớm, một chiều”.
Cần thực hiện việc chăm lo cho thư viện, chọn sách giáo khoa bộ nào thì nên chọn ổn định qua các năm. Lớp 1 đã chọn bộ này, thì lớp 2 cũng nên chọn bộ đó.
Trang thiết bị trường lớp, các Sở Giáo dục và Đào tạo cần kiên trì tham mưu cho lãnh đạo địa phương. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cùng đồng hành với các tỉnh, thành phố.
Đối với tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ trưởng cho biết đây là một cụm vấn đề, nên có thể tạm thời tuyển giáo viên theo chuẩn cũ, sẽ chuẩn hóa vào năm 2030.