Để làm rõ nội dung phụ huynh phản ánh về 18 khoản thu đầu năm học mới đối với học sinh bước vào lớp 1, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhiều lần liên hệ với ban giám hiệu nhà trường nhưng không liên hệ được.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: “Sở đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoài Đức kiểm tra và báo cáo ngay”.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Phan Minh – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoài Đức cho biết: “Tôi đã cho anh em kiểm tra, chưa có gì chính thức”.
Khi phóng viên đề nghị buổi làm việc về việc Trường tiểu học Sơn Đồng có dấu hiệu lạm thu, ông Nguyễn Phan Minh thông tin: “Chúng tôi đang chuẩn bị cho lễ khai giảng. Sau lễ khai giảng mới có thể làm việc”.
Trước đó, nhiều phụ huynh có con em chuẩn bị bước vào lớp 1 Trường tiểu học Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội) giật mình trước khoản đóng góp đầu năm lên đến 8 triệu đồng/học sinh.
Theo đó, không ít phụ huynh vô cùng bức xúc trước việc con em họ mới bước vào lớp 1 mà nhà trường đã tận thu đủ thứ tiền, toàn những khoản tiền trên trời rơi xuống.
Đáng chú ý, trong danh sách phụ huynh cung cấp cho phóng viên có nhiều khoản tiền vô lý có thể liệt kê như: Tiền đồng phục và sách giáo khoa 800.000 đồng; Tiền lớp chất lượng cao 600.000 đồng; Bảng tính thông minh 650.000 đồng;
18 khoản thu học sinh vào lớp 1 khiến phụ huynh Trường tiểu học Sơn Đồng choáng váng. Ảnh: NVCC. |
Đồng thời phụ huynh cũng phải đóng hàng loạt loại quỹ như Quỹ phụ huynh trường 250.000 đồng; Quỹ lớp 300.000 đồng; Quỹ học tập 150.000 đồng.
Tiền trông giữ ngoài giờ (7.000 đồng/tiết, tuần 4 tiết, ) là 1.008.000 đồng. Tiền học 2 buổi 900.000 đồng (100.000 đồng/tháng). Tiền vệ sinh 100.000 đồng.
Dù bước vào lớp 1 nhưng các con đã được nhà trường cho học tiếng Anh tăng cường thu 1.170.000 đồng và tiền sách tiếng Anh tăng cường 2 quyển là 130.000 đồng.
Ngoài ra, còn tiền vở ô ly, vở luyện chữ đẹp, vở chính tả, sách buổi chiều, bảo hiểm. Tổng số tiền mỗi học sinh lớp 1 phải đóng lên đến 18 mục, tổng 8.000.000 đồng.
Vào ngày 15/8, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố 31 số điện thoại đường dây nóng để để người học, cha mẹ người học và nhân dân kịp thời phản ánh các hiện tượng thu chi không đúng quy định (lạm thu) năm học 2018 - 2019 tại các trường trên địa bàn thành phố.
Trường tiểu học Sơn Đồng bị phụ huynh tố nhà trường thu nhiều khoản trái quy định. Ảnh: FB Sơn Đồng. |
Còn vào ngày 10/8, theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, hiện nay, tại một số địa phương vẫn còn để xảy ra tình trạng một số cơ sở giáo dục thực hiện một số khoản thu ngoài quy định của nhà nước, gây bức xúc trong dư luận.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ rõ, để xảy ra vấn đề “lạm thu”, nguyên nhân chủ yếu là một số cơ sở giáo dục cố tình thực hiện sai quy định của nhà nước nhiều hoạt động biến tướng để thu tiền học sinh, phụ huynh mượn danh nghĩa “tự nguyện” hay “thu các khoản thu ngoài quy định của nhà nước”;
Ban đại diện cha mẹ học sinh chưa làm hết trách nhiệm của mình.
Bên cạnh đó, một số địa phương chỉ đạo và phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục với tỷ lệ chi cho các hoạt động thấp, chưa đảm bảo mức tối thiểu cho chi hoạt động, chuyên môn nghiệp vụ là 18% theo Quyết định số số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Các địa phương chưa thực hiện tốt vai trò trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn, chưa thanh tra, kiểm tra kịp thời để xử lý các cơ sở giáo dục có sai phạm về thu chi tài chính, dẫn đến còn tình trạng các cơ sở giáo dục thực hiện một số khoản thu ngoài quy định.
Để khắc phục tình trạng lạm thu của các cơ sở giáo dục, trước khi năm học mới 2018-2019, Bộ đã có Công văn số 1029/BGDĐT-KHTC ngày 19/3/2018 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc báo cáo và cam kết thực hiện giá dịch vụ giáo dục và chống lạm thu năm học 2018-2019.