Vụ 6.400 thí sinh phải thi lại môn Văn: Con mà được điểm thấp sẽ khiếu nại

06/06/2019 06:06
NGUYÊN PHONG
(GDVN) - Nhiều phụ huynh cho rằng, nếu con cái họ có kết quả không tốt trong kỳ thi lần này là do áp lực và thiếu sót từ Ban chỉ đạo thi nên sẽ khiếu nại.

Ngày 5/6, hơn 6.400 thí sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã hoàn tất việc thi lại môn Ngữ văn bằng đề dự bị trong kỳ thi tuyển lớp 10 trung học phổ thông và trung học phổ chuyên Võ Nguyên Giáp.

“Con điểm thấp sẽ khiếu nại”

Trước đó, kỳ thi này đã xảy ra hai sự cố bất thường là đề thi môn Ngữ văn trùng với đề kiểm tra học kỳ của phòng Giáo dục và Đào tạo Đồng Hới và sự việc hai giám thị ký nhầm khiến 24 học sinh bị mất một nửa thời gian làm bài.

Hơn 6.400 học sinh Quảng Bình phải thi lại môn Ngữ văn gây nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: NP
Hơn 6.400 học sinh Quảng Bình phải thi lại môn Ngữ văn gây nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: NP

Phía ngành Giáo dục tỉnh Quảng Bình cũng thừa nhận những thiếu sót nói trên và đứng ra nhận trách nhiệm trước phụ huynh, học sinh.

Phương án “sửa sai” của địa phương là tổ chức thi lại môn Ngữ văn cho toàn bộ 6.400 học sinh thi tuyển vào lớp 10 trên địa bàn.

Sau khi phương án này được thống nhất triển khai đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ phụ huynh, học sinh. 

Cách ly giáo viên ra trùng đề thi khiến 6.400 thí sinh phải thi lại

Trong đó, có nhiều ý kiến phản đối việc thi lại này bởi nó gây áp lực rất lớn lên tâm lý của học sinh.

Có mặt tại điểm thi trường trung học phổ thông chuyên Võ Nguyên Giáp (Đồng Hới, Quảng Bình), em NVH. (quê huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) cho biết, ngay khi nhận được thông báo phải đi thi lại môn Văn khiến em rất hoang mang, lo lắng.

Bởi trước đó, em đã hoàn thành bài thi khá tốt, giờ phải chấp nhận hủy.

“Do tâm lý đi thi lại lần 2 nên em làm bài không được tốt. Ngoài ra thì việc phải thi 5 môn liên tục trong một thời gian ngắn cũng khiến em và các bạn khá mệt mỏi. Em nghĩ, bài làm Văn của em lần hai sẽ không tốt bằng lần 1”.

H. cũng bày tỏ kỳ vọng lần thi sẽ đạt được điểm cao để đậu vào trường chuyên Võ Nguyên Giáp, bởi đây là ngôi trường “mơ ước” của nhiều thế hệ học sinh Quảng Bình.

Hoàn thành bài thi với tâm trạng không tốt, em TTHQ. (thí sinh quê Đồng Hới) khá buồn khi nói về đề thi. “Bài trước em làm tốt hơn. Lần này, tâm lý không tốt nên nhiều ý văn chưa diễn đạt hết”.

Chị Lan (phụ huynh em Q.) cũng bức xúc khi đón con ở cổng trường thi. Vừa thấy con bước ra khỏi cổng trường, chị vội vàng chạy đến dìu con vào bóng mát đứng nghỉ để hỏi han bài vở.

“Khi có ý kiến phải thi lại, chúng tôi đã phản đối nhưng không được. Kỳ thi này, các cháu đã chịu nhiều áp lực, nay thi lại thêm lần nữa thì tâm trạng đâu để làm bài.

“Giao công an làm rõ vì sao ra đề thi giống nhau, có động cơ gì khác không?

Với môn Văn, ngoài kiến thức thì thí sinh phải có nhiều cảm xúc, tâm trạng tốt mới biểu đạt hết. Đàng này, nhìn các cháu ai cũng mệt mỏi, uể oải thì làm sao làm bài tốt được”, chị Lan bức xúc.

Chị Lan cũng cho biết, nếu kết quả thi của em TTHQ. không được tốt thì gia đình sẽ không chấp nhận kết quả đó mà sẽ khiếu nại đến cùng.

Còn tại Hội đồng thi Lệ Thủy, em LQD. cũng bày tỏ sự bức xúc trước quyết định phải làm lại bài thi môn Ngữ văn của sở Giáo dục Quảng Bình.

“Em không có ý định thi vào trường chuyên Võ Nguyên Giáp và cũng không ở địa bàn thành phố Đồng Hới (nơi có đề thi trùng với đề thi lớp 10 toàn tỉnh), vậy tại sao phải bắt em thi lại.

Nếu với đề thi môn Ngữ văn lần đầu như vậy, em nghĩ mình đã làm khá tốt. Còn giờ thì rất mệt mỏi, không thể làm tốt hơn mấy ngày trước được”, em D. tâm sự.

Thi lại là phương án hợp lý nhất (!?)

Trước đó, tại buổi làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang, đại diện Công an tỉnh Quảng Bình cho rằng;

Việc ra đề thi trùng với đề thi kiểm tra cuối năm của phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đồng Hới và đề thi thử của phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lệ Thủy là việc làm thiếu thuyết phục, trên 80% là có vấn đề.

Giám đốc sở Giáo dục Quảng Bình nói gì về 6.400 thí sinh phải thi lại môn Văn?

Đề thi các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa trùng dạng, trùng câu chữ đã khó xảy ra, còn đề thi môn Văn lại giống gần như đúc thì hiếm có, không thể có chuyện ngẫu nhiên được.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình cũng nhận định, Ban ra đề thi đã tắc trách, thiếu tầm bao quát, thiếu tham khảo các đề thi có liên quan. Các giáo viên phản biện đề thi cũng thiếu trách nhiệm, cần phải điều tra, xử lý nghiêm túc…

Trong khi đó, ông Trần Đình Nhân - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình cho biết, sau khi xảy ra hai sự cố nói trên, Ban chỉ đạo đã siết chặt khâu quản lý coi thi tại các điểm thi.

Trong đó, yêu cầu các giáo viên coi thi nghiêm túc, thực hiện đúng các thao tác nghiệp vụ nhằm không lặp lại sai sót.

Về phương án cho 6.400 học sinh trên toàn tỉnh thi lại môn Văn thì ông Nhân cho rằng, nó là phương án hợp lý nhất để đảm bảo công bằng, khách quan cho tất cả học sinh.

Bởi theo ông Nhân, việc cho thi lại lần này là áp dụng theo quy chế thi trung học phổ thông quốc gia.

Cụ thể, trong quy chế này có quy định rõ các trường hợp nếu có sự cố bất thường như thiên tai, hỏa hoạn và sự cố bất thường khác thì Ban chỉ đạo thi có thể dùng đề thi dự bị tổ chức thi. Sự cố nói trên nằm trong quy định này.

NGUYÊN PHONG