Vụ cán bộ thi trượt, mua bằng giả: Nhiều người đã học lên cấp cao hơn

22/03/2014 06:44
Xuân Hòa
(GDVN) - Thi trượt tốt nghiệp, mua bằng giả, đến nay, nhiều cán bộ ở Thanh Chương, Nghệ An vẫn bình an vô sự, nhiều người còn tiến lên, học cấp cao hơn.
Hàng loạt cán bộ lọt “sàng” đi học trung cấp
Như tin đã đưa, theo Trung tâm Chính trị huyện Thanh Chương thì ông Nguyễn Đình Kỷ - Cán bộ khuyến nông xã Thanh Ngọc hiện đang học tại đây, và ông Kỷ có bằng trung cấp nông lâm là bằng thật. Nhưng để có tấm bằng trung cấp nông lâm trên thì ông Kỷ lại thừa nhận dùng bằng tốt nghiệp THPT giả. Hiện ông Kỷ còn đang tiếp tục học lớp trung cấp chính trị K12.   
UBND xã Thanh Mỹ nơi có 2 cán bộ xã không đậu tốt nghiệp THPT nhưng hiện tại vẫn chưa bị xử lý và làm việc với chức danh cũ như bình thường
UBND xã Thanh Mỹ nơi có 2 cán bộ xã không đậu tốt nghiệp THPT nhưng hiện tại vẫn chưa bị xử lý và làm việc với chức danh cũ như bình thường

Qua tìm hiểu của phóng viên thì không chỉ có ông Kỷ đã lọt qua việc xét duyệt hồ sơ để có thể học và có bằng trung cấp mà không ít số cán bộ xã không đậu tốt nghiệp THPT và sử dụng bằng giả tại huyện Thanh Chương vẫn nghiễm nhiên lọt “sàng” để học các lớp trung cấp khác nhau. 

Như trường hợp của ông Ngô Trí Khoa – Phó trưởng công an xã Hạnh Lâm, người thừa nhận nhờ cháu làm giúp bằng tốt nghiệp THPT. Nhưng năm 2011 ông vẫn qua xét tuyển và được đi học lớp trung cấp bồi dưỡng công an cơ sở. Đến năm 2013 thì ông Khoa học xong. 

Ông Võ Văn Tịnh – Trưởng công an xã Thanh Mỹ cũng không đậu tốt nghiệp THPT năm 2009 nhưng ông Tịnh đã được cử đi học lớp trung cấp bồi dưỡng công an như ông Khoa.

Quy định của Trường Chính trị tỉnh Nghệ An ghi rõ người được học các lớp trung cấp tại đây trong hồ sơ đầu vào phải có bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương photo công chứng
Quy định của Trường Chính trị tỉnh Nghệ An ghi rõ người được học các lớp trung cấp tại đây trong hồ sơ đầu vào phải có bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương photo công chứng

Còn bà Đậu Thị Oanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Đức và bà Lê Thị Tuyết - Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Mỹ  cũng đã được cử đi học xong lớp trung cấp chính trị K10 tại Trường Chính trị tỉnh Nghệ An. Đây là hai trường hợp cán bộ xã cũng không thi đậu tốt nghiệp THPT nhưng vẫn trình được bằng tốt nghiệp THPT khi đi học tại Trường Chính trị tỉnh Nghệ An.

Trong khi đó những điều kiện để được theo học các lớp tại Trường Chính trị tỉnh Nghệ An quy định rõ những người theo học phải có trình độ văn hóa tốt nghiệp PTTH hoặc tương đương trở lên. Và trong hồ sơ đầu vào các loại bằng cấp này phải có bản sao công chứng.

Việc cán bộ công an các xã được cử đi học thì theo một cán bộ Công an huyện Thanh Chương là được chính quyền đề cử. Còn công an huyện chỉ là nơi tiếp nhận hồ sơ, việc xét các điều kiện và bằng cấp thì do cấp trên.

Sử dụng bằng giả vì không thi đậu tốt nghiệp THPT nhưng ông Ngô Trí Khoa - Phó trưởng công an xã Hạnh Lâm vẫn nghiễm nhiên học xong một lớp trung cấp
Sử dụng bằng giả vì không thi đậu tốt nghiệp THPT nhưng ông Ngô Trí Khoa - Phó trưởng công an xã Hạnh Lâm vẫn nghiễm nhiên học xong một lớp trung cấp

Những cán bộ lọt qua việc kiểm tra hồ sơ đầu vào học tại Trường Chính trị tỉnh Nghệ An thì theo bà Trần Thị Hương - cán bộ Phòng Đào tạo - Trường Chính trị tỉnh Nghệ An thì ông Lê Quang Đạt - Bí thư Huyện ủy Thanh Chương, ông Đặng Xuân Huệ, Giám đốc Trung tâm Chính trị Thanh Chương có xin tạo “điều kiện” cho một số trường hợp tại huyện này khi được cử đi học.

Tuy nhiên, ông Đặng Xuân Huệ khi trả lời câu hỏi của phóng viên, cho biết “Tôi thừa nhận một số khóa học có người vì điều kiện quá tuổi quy định vãn được học vì lớp đang thiếu học viên. trong khi cơ sở vật chất thì đầy đủ, không sử dụng thì lãng phí nên tôi tạo điều kiện nói giúp. Nhưng việc nợ đầu vào thì tôi không xin giúp cho bất cứ ai. Bởi trung tâm cũng không có quyền xét duyệt đầu vào mà cái này là do Trường Chính trị tỉnh Nghệ An và Ban tổ chức huyện ủy Thanh Chương xét duyệt. Trung tâm của huyện chỉ là nơi trung gian tiếp nhận hồ sơ”.

Nói vấn đề này ông Lê Quang Đạt – Bí thư huyện ủy Thanh Chương cũng khẳng định: “Không hề có chuyện tôi gọi điện xuống cho Trường chính trị tỉnh Nghệ An để xin cho người đi học. Không bao giờ có chuyện chính quyền bao che cho việc này (cán bộ sử dụng bằng giả - PV)”. 

Các cán bộ dùng bằng giả vẫn tại vị
Cho đến nay, mặc dù dã bị phát hiện dùng bằng giả, nhưng các cán bộ này vẫn được giữ nguyên chức vụ, chưa bị kỷ luật gì.

Theo ông Trần Đình Sơn – Chủ tịch xã Hạnh Lâm nơi có hai trường hợp là ông Ngô Trí Khoa và bà Nguyễn Thị Oanh bị phát giác sử dụng bằng giả thì nay cả hai cán bộ này vẫn đang làm việc bình thường. 

“Việc này đang chờ phía huyện có ý kiến chỉ đạo, còn nay cả ông Khoa và bà Oanh vẫn làm việc bình thường với chức vụ như trước đây. Nếu xử lý các cán bộ này cũng ảnh hưởng đến tập thể. Bởi các cán bộ này có năng lực và kinh nghiệm”, ông Sơn cho biết.

Tại xã Thanh Mỹ nơi cũng có hai cán bộ xã gồm một trưởng công an và một chủ tịch hội phụ nữ nằm trong danh sách cán bộ không thi đậu tốt nghiệp THPT thì nay cũng đang đương chức mà chưa bị xử lý. 

Tại xã Thanh Đức, Thanh Ngọc nơi đều có các cán bộ xã trong diện phát hiện không thi đậu tốt nghiệp này việc xử lý cũng chưa có và các cán bộ này vẫn làm việc như chưa hề có chuyện gì.

Về vấn đề này, ông Võ Văn Tiến – Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: “Sau khi có phản ánh của báo chí về việc một số cán bộ xã của huyện sử dụng bằng giả thì UBND tỉnh đã có công văn giao cho UBND huyện xác minh. Hiện UBND huyện đã giao cho Phòng nội vụ phối hợp Phòng Giáo dục và đào tạo huyện xác minh những vấn đề báo chí nêu để báo cáo, làm việc với Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An. Nhưng việc quản lý cán bộ, công chức tại xã là của ban tổ chức huyện ủy. Hiện nay số cán bộ này vẫn đang làm việc bình thường để chờ kiểm tra. Và cán bộ của Phòng nội vụ huyện đang bận đi tham quan nên phải đợi về mới kiểm tra, sai đến đâu sẽ xử lý đến đó”.
Xuân Hòa