Vụ GV mầm non ở Thanh Hóa: TP đưa hướng giải quyết, các cô còn nhiều thắc mắc

13/07/2022 06:32
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thành phố Thanh Hóa sẽ tiếp tục ký với các giáo viên hợp đồng lao động theo Nghị quyết 102/NQ-CP, thế nhưng giáo viên thắc mắc nhiều vấn đề tồn đọng.

Ngày 11/7, Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa có văn bản số: 3903 /UBND-NV về phương án giải quyết hợp đồng lao động đối với giáo viên mầm non theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP và Nghị quyết 102/NQ-CP

Theo văn bản do bà Phạm Thị Việt Nga – Phó chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa ký nêu rõ, Thường trực Thành ủy đã thống nhất và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa có ý kiến cụ thể.

Theo đó, hiện nay số giáo viên mầm non trong biên chế của thành phố hiện có cao hơn 01 người so với biên chế giáo viên mầm non được tỉnh giao năm 2022 (do năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh giao biên chế giáo viên mầm non thấp hơn 53 người so với năm 2021) do đó, trước mắt thành phố chưa tổ chức tuyển dụng giáo viên mầm non đối với số hợp đồng lao động theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP và Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ.

Cũng theo ý kiến của Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa, căn cứ Mục 2, Công văn 240/BGDĐT-NGCBQLGD, ngày 20/01/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc rà soát biên chế ngành Giáo dục:

"Trước mắt, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, các địa phương cần linh hoạt, chủ động bố trí biên chế để tuyển dụng hoặc trường hợp không còn biên chế thì bố trí nguồn lực để hợp đồng lao động theo Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ".

Tin nhắn của một Hiệu trưởng gửi cho giáo viên diện hợp đồng 102. Ảnh: Giáo viên cung cấp

Tin nhắn của một Hiệu trưởng gửi cho giáo viên diện hợp đồng 102. Ảnh: Giáo viên cung cấp

Vì vậy, Ủy ban nhân dân thành phố giao Hiệu trưởng nhà trường, căn cứ việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn từng tháng để chủ động bố trí nhân lực đảm bảo có đủ giáo viên thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, có thể hợp đồng có thời hạn đối với số giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị quyết 102/NQ-CP mà thành phố đã thống nhất hợp đồng năm 2021.

Phần kinh phí thực hiện sẽ giao phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu kinh phí cụ thể đối với từng trường để thực hiện hỗ trợ theo hướng: Uỷ ban nhân dân thành phố hỗ trợ một phần kinh phí; kinh phí còn lại do thủ trưởng đơn vị sự nghiệp tự cân đối chi trả từ các nguồn thu hợp pháp của đơn vị, đảm bảo mức thu nhập cho người lao động không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các phòng có liên quan; Hiệu trưởng các trường mầm non triển khai thực hiện.

Ngày 12/7, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đặt câu hỏi với bà Phạm Thị Việt Nga - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa rằng, về việc giải quyết hợp đồng lao động cho giáo viên mầm non theo diện Nghị quyết 102 trên địa bàn Thành phố Thanh Hóa sẽ được giải quyết từ ngày 1/1/2022 đến nay hay bắt đầu thực hiện từ năm học mới?

Bà Phạm Thị Việt Nga – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa cho biết: “Học kỳ 2 các năm học trước các trường cũng đã giải quyết hết rồi. Cơ bản cho năm học mới”.

Khi được hỏi về việc các cô hiện chỉ nhận được 2,7 triệu đồng tiền hỗ trợ, số tiền còn lại và việc đóng bảo hiểm sẽ được giải quyết như thế nào?

Bà Nga cho biết: “Sẽ do từng trường hỗ trợ thêm và sẽ không thấp hơn mức lương tối thiểu. (Tối thiểu vùng- Phóng viên”). Hiệu trưởng phải chủ động chăm lo về việc này".

Nhận 2,7 triệu hỗ trợ, các cô phải tự đóng bảo hiểm xã hội100%. Ảnh: Giáo viên cung cấp

Nhận 2,7 triệu hỗ trợ, các cô phải tự đóng bảo hiểm xã hội100%. Ảnh: Giáo viên cung cấp

Trong khi đó nhiều giáo viên cho biết, hợp đồng của họ kết thúc từ ngày 31/12/2021.

Từ ngày 1/1/2022 đến thời điểm hiện tại, dù đã đi làm hết học kỳ 2 năm học 2021 – 2022 nhưng họ chưa được ký hợp đồng mới.

Đến trước ngày 12/7, các cô giáo mới nhận được 2,7 triệu đồng tiền hỗ trợ/tháng, tuy vậy, nhiều giáo viên đã phải trích 1 phần tiền hỗ trợ này để tự đóng các khoản bảo hiểm.

Các giáo viên thắc mắc từ ngày 1/1/2022 đến trước ngày 30/6, liệu họ có được giải quyết hợp đồng và đóng bảo hiểm hay không hay hợp đồng theo phương án giải quyết của Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa sẽ được ký vào đầu năm học mới.

Từ ngày 1/1/2020, các giáo viên làm việc không có hợp đồng, chế độ bảo hiểm, lương của giáo viên sẽ được giải quyết như thế nào chưa được Thành phố Thanh Hóa nêu cụ thể trong văn bản phát đi. Ảnh minh họa: Giáo viên cung cấp

Từ ngày 1/1/2020, các giáo viên làm việc không có hợp đồng, chế độ bảo hiểm, lương của giáo viên sẽ được giải quyết như thế nào chưa được Thành phố Thanh Hóa nêu cụ thể trong văn bản phát đi. Ảnh minh họa: Giáo viên cung cấp

Các giáo viên cũng thắc mắc, văn bản của Thành phố chưa nêu cụ thể việc giải quyết cho các giáo viên chưa được ký hợp đồng nhưng vẫn làm việc từ ngày 1/1/2022 đến nay. Việc họ ký hợp đồng mới như thế nào, thời hạn ra sao cũng chưa được nêu cụ thể? Đặc biệt các chế độ cho người lao động sẽ được thực hiện như thế nào? Nếu Hiệu trưởng kêu khó khăn không hỗ trợ được cho giáo viên thì giáo viên biết kêu ai?

Như trước đó Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải, giáo viên mầm non trên địa bàn thành phố Thanh Hóa có người đã nghỉ việc và có ý định nghỉ việc vì không được ký hợp đồng lao động và chỉ được nhận mức hỗ trợ hơn 2,7 triệu đồng/tháng.

Không những thế, sau khi được nhận số tiền hỗ trợ nói trên, người lao động bị yêu cầu trích một phần để đóng các loại bảo hiểm.

Người lao động phải nộp 100% tiền đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm thất nghiệp...

Đến nay, việc giải quyết chế độ cho các cô như thế nào vẫn chưa được giải thích rõ ràng nên giáo viên rất lo lắng.

Trần Phương