Nhận hơn 2,7 triệu đồng lương hỗ trợ, đóng bảo hiểm mức tiền công 3,6 triệu
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, giáo viên mầm non trên địa bàn thành phố Thanh Hóa có người đã nghỉ việc và có ý định nghỉ việc vì mức hỗ trợ cho người lao động quá thấp (hơn 2,7 triệu đồng/tháng).
Không những thế, sau khi được nhận số tiền hỗ trợ nói trên, người lao động bị yêu cầu trích một phần để đóng các loại bảo hiểm.
Người lao động phải nộp 100% tiền đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm thất nghiệp...
Theo chia sẻ của nhiều giáo viên mầm non, sau khi có ý kiến từ các cơ quan chức năng, từ tháng 1/2022 đến tháng 6/2022, các giáo viên bị chậm lương ở thành phố Thanh Hóa được nhận lương gần 14 triệu đồng.
Tuy nhiên, không lâu sau đó người lao động có nhận được yêu cầu về việc nộp lại một phần tiền lương để đóng bảo hiểm với số tiền hơn 7 triệu đồng.
Mặc dù nhận được số tiền hỗ trợ ít ỏi sau nhiều tháng làm việc, nhưng nhiều giáo viên vẫn phải “cắn răng” trích lương để nộp bảo hiểm theo yêu cầu, số lao động còn lại tỏ ra phân vân vì mức truy thu này có phần chưa hợp lý.
Một giáo viên mầm non trên địa bàn thành phố Thanh Hóa chia sẻ: “Theo quy định của luật, người lao động chỉ phải đóng mức 10,5%, còn người sử dụng lao động phải đóng 21,5%.
Sau 6 tháng mòn mỏi chờ lương, các giáo viên nhận được "tin vui" hỗ trợ...hơn 2,7 triệu đồng/tháng. Ảnh chụp màn hình |
Như vậy, nếu người lao động bị truy nộp 100% tiền bảo hiểm các loại là không phù hợp với quy định hiện hành.
Chúng tôi nhiều tháng bị nợ lương, đến khi nhận được vài đồng hỗ trợ lại bị truy thu thì làm sao đủ trang trải cho cuộc sống.
Số tiền ít ỏi không đủ trả nợ, không đủ trang trải cuộc sống, lại còn phải trích đến 7 triệu đồng đóng bảo hiểm”.
Một số giáo viên khác cho biết, từ tháng 1 đến tháng 6/2022, họ chưa được ký hợp đồng mới (do hợp đồng cũ hết hạn), các trường vẫn sử dụng lao động bình thường. Trước đó, các bên tham gia trong quan hệ lao động (người sử dụng lao động và người lao động) cũng không có thỏa thuận gì về tiền lương, mức đóng bảo hiểm hay các chế độ khác. Việc nhà trường đơn phương đưa ra yêu cầu buộc giáo viên nộp 100% tiền bảo hiểm, khiến người lao động hết sức bất ngờ.
“Gần nửa năm chúng tôi không có lương. Đến khi lên hỏi Ban giám hiệu nhà trường thì nhận được trả lời, thành phố chưa có nguồn.
Tới lúc trả lương thì số tiền được nhận là hơn 2,7 triệu đồng. Càng bất ngờ hơn khi chúng tôi phải đóng 100% tiền bảo hiểm mà không hề có thông báo trước”, một giáo viên chia sẻ.
Nhận 2,7 triệu tiền hỗ trợ thực nhận, các cô phải đóng hơn 7 triệu tiền bảo hiểm cho 6 tháng với mức lương là 3.670.000 đồng?. Ảnh: Giáo viên cung cấp |
Đến ngày 5/7/2022, nhiều cô giáo cho biết đã lên trường nhận tiền hỗ trợ hơn 2,7 triệu đồng nhưng chưa được ký hợp đồng mới hay bất kỳ hình thức giao kèo lao động nào.
Liên quan đến phản ánh trên của giáo viên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đặt câu hỏi về việc giáo viên phải nộp 100% tiền bảo hiểm có vi phạm luật lao động hay không, bà Phạm Thị Việt Nga, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Thanh Hóa cho biết:
"Việc này còn tùy vào hình thức vào nội dung hợp đồng. Giáo viên đóng bao nhiêu bảo hiểm là do nội dung hợp đồng với trường, thành phố hỗ trợ cho nhà trường hơn 2,7 triệu. Vì mầm non có thu học phí nên các Hiệu trưởng cân đối nguồn tiết kiệm chi để hỗ trợ cho giáo viên.
Việc hỗ trợ này được xác định cụ thể đến từng cô, từng trường. Chúng tôi cũng rất thương giáo viên bởi mức hơn 2,7 triệu này cầm hơi cũng khó. Hi vọng thời gian tới sẽ sớm giải quyết được tình hình biên chế".
Bà Phạm Thị Việt Nga cũng cho biết thêm: "Mầm non là cấp học được quan tâm muộn và vẫn là cấp học giáo viên vất vả nhất".
Luật sư nói gì về việc giáo viên phải tự đóng bảo hiểm?
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư tỉnh Thanh Hóa) cho rằng: Theo Điều 2 Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 ban hành Điều lệ trường mầm non có ghi, trường mầm non là cơ sở giáo dục mầm non trong hệ thống giáo dục quốc dân, có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng.
Tuy nhiên, với trường công lập do Nhà nước đầu tư nhưng cách quản lý, ứng xử với các giáo viên mầm non của địa phương như trên là không phù hợp Luật Giáo dục năm 2019.
Dù không ký kết hợp đồng nhưng trường hợp này các giáo viên vẫn được xác định là người lao động theo khoản 2 Điều 22 Bộ luật Lao động.
Việc không tiếp tục ký kết hợp đồng với giáo viên là trái quy định với Luật Giáo dục và chính sách của địa phương đã đề ra.
Về việc trả mức lương, trong đó Thành phố Thanh Hóa thuộc Vùng III, theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP, từ ngày 01/7/2022, mức lương tối thiểu theo tháng của vùng III là 3.640.000 đồng/tháng (trước ngày 01/7/2022, Vùng III: 3.430.000 đồng/tháng) nên việc trả thấp hơn quy định, không trả lương, chỉ chi hỗ trợ là kiểu né tránh không đúng Bộ luật lao động, không nên có và không nên xảy ra đối với ngành giáo dục, giáo viên.
Đối với việc buộc các giáo viên đang phải lĩnh mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu, chậm trả lương nay còn buộc giáo viên phải tự đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp... cao hơn mức lương nhận là trái quy định Bộ luật lao động, các giáo viên này chỉ phải trích nộp 10,5% mức lương.
Do đó, nếu các cô là công đoàn viên, tổ chức công đoàn cần phải lên tiếng, đứng ra bảo vệ người lao động.
Giáo viên đã hết hợp đồng từ 31/12/2021 nhưng không được giải quyết chế độ kịp thời. |
Với trường hợp trên, các giáo viên có thể yêu cầu cần phải trả lương với mức đúng theo quy định, bên sử dụng lao động phải thực hiện trách nhiệm của mình theo Bộ luật lao động. Trường hợp không giải quyết có thể gửi đơn đến tỉnh Thanh Hóa hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 22. Loại hợp đồng lao động - Bộ luật Lao động 2019
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;
Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.