Vụ ngộ độc Pate Minh Chay và phát ngôn của bà Phạm Khánh Phong Lan

07/09/2020 09:24
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sự việc Pate Minh Chay xảy ra cần những phát ngôn có trách nhiệm, chứ không phải chỉ nói cho sướng miệng.

Những ngày qua đã xảy ra sự việc đáng tiếc, đó là chuyện một số người tiêu dùng phải nhập viện điều trị sau khi sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hai Thành viên Lối Sống Mới (địa chỉ tại tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội).

Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, 15h ngày 19/8 nhận được thông tin báo cáo từ Bệnh viện Bạch Mai có bệnh nhân điều trị ngộ độc, khai báo có ăn Pate Minh Chay. Cục ngay lập tức có Công văn hỏa tốc số 1907/ATTP-NĐTT đề nghị Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương điều tra, xác minh thông tin.

Ngày 20/8/2020, thực hiện chỉ đạo của Cục An toàn thực phẩm, đoàn kiểm tra của Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới tại Thị trấn Đông Anh, Hà Nội.

Theo ghi nhận: Đây là cơ sở sản xuất do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Chi Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội) quản lý và cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm từ ngày 03/01/2020.

Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra công ty không duy trì điều kiện vệ sinh như: vệ sinh nhà xưởng, vệ sinh dụng cụ, cống rãnh thoát nước…

Đoàn kiểm tra đã giao phòng Y tế huyện Đông Anh đình chỉ hoạt động sản xuất của Công ty, yêu cầu khắc phục điều kiện vệ sinh, đồng thời đoàn kiểm tra lấy mẫu sản phẩm tại công ty gửi Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia xét nghiệm tìm vi khuẩn Clostridium Botulinum.

Cũng trong thời gian này, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia nhận mẫu bệnh phẩm và mẫu pate dùng dở dang của bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai.

Ngày 25/8/2020, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia thông báo kết quả ban đầu mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân và hộp pate dùng dở dương tính với vi khuẩn Clostridium Botulinum nhưng không điển hình.

Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đề nghị thêm thời gian nuôi cấy để có kết quả chính xác.

Với kết quả ban đầu này cả các đơn vị kỹ thuật, điều trị và cơ quan quản lý đều khẳng định chưa đủ cơ sở để kết luận việc nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum trong sản phẩm pate Minh Chay là do quá trình sản xuất hay quá trình sử dụng.

Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia khẩn trương tiến hành xét nghiệm và trả kết quả trong thời gian sớm nhất đối với sản phẩm pate Minh Chay nguyên hộp.

17h (Thứ 6) ngày 28/8/2020, Cục An toàn thực phẩm nhận được kết quả kiểm nghiệm của Viện Y tế Công cộng TP Hồ Chí Minh đã phát hiện vi khuẩn Clostridium Botulinum trong sản phẩm Pate Minh Chay.

Đồng thời vào lúc 18h cùng ngày Cục An toàn thực phẩm cũng nhận được thông báo kết quả kiểm nghiệm sản phẩm pate Minh Chay nguyên hộp của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cũng phát hiện vi khuẩn Clostridium Botulinum.

Bệnh viện Bạch Mai sau khi kiểm tra thông tin tháng 7,8 tại một số bệnh viện khác có thêm 7 trường hợp điều trị với biểu hiện ngộ độc tương tự.

Ngay lập tức, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã điện thoại tới Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị có cuộc họp gấp ngay trong đêm với Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, Lãnh đạo Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố Hà Nội, Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm.

Phát hiện có vi khuẩn Clostridium Botulinum trong sản phẩm pate Minh Chay. Ảnh: Cục An toàn thực phẩm.

Phát hiện có vi khuẩn Clostridium Botulinum trong sản phẩm pate Minh Chay. Ảnh: Cục An toàn thực phẩm.

Sau khi nghe báo cáo và phân tích kết quả xét nghiệm của 2 Viện, đại diện các đơn vị đã thống nhất khẳng định sản phẩm Pate Minh Chay bị nhiễm khuẩn trong quá trình sản xuất, lưu thông và là nguồn lây nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum gây ngộ độc cho người bệnh (cuộc họp kết thúc vào 22h ngày 28/8/2020).

Sáng 29/8/2020, Cục An toàn thực phẩm đã đăng thông tin cảnh báo trên website Cục (www.vfa.gov.vn) yêu cầu thu hồi khẩn cấp các sản phẩm của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới, đồng thời thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về thông tin này; ban hành Công văn số 1995/ATTP-NĐTT gửi Sở Y tế, Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị rà soát, giám sát. Thu hồi sản phẩm và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân không sử dụng sản phẩm nêu trên.

Khuyến cáo người tiêu dùng nếu đã sử dụng sản phẩm mà có dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra.

Trưa ngày 29/8/2020, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm đã phát ngôn chính thức trên Kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam để cảnh báo về việc thu hồi và dừng sử dụng các sản phẩm của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới.

Cũng trong ngày 29/8, Cục An toàn thực phẩm ban hành Công văn số 1996/ATTP-NĐTT gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội (đơn vị quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới). Bộ Y tế cũng đã gửi hồ sơ tới cơ quan công an đề nghị điều tra, xử lý.

Trong khi dư luận đang quan tâm về sức khỏe các nạn nhân, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì lại xuất hiện phát biểu của bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng quá trình xử lý vụ việc chậm chạp.

Cụ thể ngày 1/9/2020 tờ Tuổi trẻ đăng phát biểu của bà Phạm Khánh Phong Lan như sau: “Sau khi tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên vào ngày 17/7, cơ quan y tế Thành phố Hồ Chí Minh hội chẩn và nghi ngờ khả năng ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, theo quy trình, Thành phố Hồ Chí Minh phải gửi báo cáo ra Bộ Y tế - cơ quan có thẩm quyền, và đơn vị này phải tập hợp ý kiến, chờ các địa phương khác.

Sau đó cục chuyên trách của bộ phải tiến hành thử để xem chủng nào, loài vi khuẩn nào thì phải tốn ít nhất 2-3 ngày. Đây được coi ví dụ điển hình cho sự "đúng quy trình", thậm chí hơi quan liêu.

Có thể những trường hợp như pate Minh Chay không nhiều nhưng không phải là không có. Do đó cơ quan quản lý cần phải có quy định cụ thể như trong vòng bao lâu phải báo cáo, phải trả lời. Bởi với trường hợp này cơ quan chức năng hoàn toàn có thể đưa ra kết luận và cảnh báo sớm hơn, sẽ giúp hạn chế sự thiệt hại.

Nếu công ty có sản phẩm nhiễm độc trên ở Thành phố Hồ Chí Minh và người dân Thành phố Hồ Chí Minh là nạn nhân thì Ban quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh sẽ khoanh vùng mạnh tay hơn, hiệu quả việc xử lý có thể sẽ tốt hơn”.(1)

Điều bà Lan thông tin đang khác hoàn toàn so với thông tin Cục An toàn thực phẩm đưa ra. Cụ thể, 15h ngày 19/8/2020 là lần đầu tiên Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận được thông báo của Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai về việc bệnh nhân đang điều trị có nghi ngờ do Clostridium Botulinum.

Thế nhưng, tờ Tuổi trẻ lại đăng thông tin bà Phong Lan nói: “Bệnh nhân đầu tiên được tiếp nhận vào ngày 17/7, cơ quan y tế Thành phố Hồ Chí Minh hội chẩn và nghi ngờ khả năng ngộ độc thực phẩm”.

Vậy, nếu đúng có bệnh nhân bị ngộ độc được tiếp nhận ngày 17/7 và các cơ quan y tế Thành phố Hồ Chí Minh hội chẩn có xác định nghi ngờ do vi khuẩn Clostridium Botulinum không? Bà Lan có biết thông tin này tại thời điểm đó không và Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã làm gì? Các đơn vị liên quan có báo cáo với thành phố và báo cáo Bộ Y tế không? Thời gian báo cáo cụ thể là thời điểm nào? Và nội dung báo cáo là gì?

Phải đặt ra câu hỏi như vậy để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và đơn vị liên quan nhằm rút kinh nghiệm triệt để trong công tác quản lý, chăm sóc bảo vệ sức khỏe người dân tốt hơn.

Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh - bà Phạm Khánh Phong Lan trong buổi họp báo ngày 1/9. Ảnh: Trung tâm báo chí Thành phố Hồ Chí Minh.

Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh - bà Phạm Khánh Phong Lan trong buổi họp báo ngày 1/9. Ảnh: Trung tâm báo chí Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo công văn số 1613/BVCR-KHTH ngày 03/9/2020 của Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy: “Ngày 24/8/2020, bệnh viện Chợ Rẫy đã tổ chức hội chẩn gồm các bác sĩ đầu ngành về chuyên khoa hồi sức-chống độc bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, bệnh viện Quân Y 175, Phó Giáo sư Trần Quang Bính và đại diện Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh.

Qua buổi hội chẩn được biết bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới có tiếp nhận điều trị 03 bệnh nhân cùng 01 gia đình tại Long An với đặc điểm lâm sàng cũng giống như 05 trường hợp bệnh nhân tại bệnh viện Chợ Rẫy”.

Như vậy, ngày 24/8, trong cuộc hội chẩn của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã có đại diện của Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Chí Minh.

Nội dung này có được Ban quản lý An toàn thực phẩm báo cáo với thành phố không? Có báo cáo nào của địa phương gửi tới Bộ Y tế không?

Bài viết này cũng nêu phát biểu của bà Lan: “Đây được coi ví dụ điển hình cho sự đúng quy trình, thậm chí hơi quan liêu”; “Nếu như tôi được lựa chọn giữa cảnh báo nhầm gây thiệt hại về kinh tế và người dân nhập viện sau đó nguy hiểm tính mạng vì ngộ độc thì tôi thà chọn cảnh báo nhầm - nghĩa là nếu có dấu hiệu thì cảnh báo, phản ứng ngay”. (2)

Nếu đúng đây là những phát biểu của bà Phạm Khánh Phong Lan thì không rõ có dụng ý gì? Phải chăng vụ việc này phải quy trách nhiệm cho Bộ Y tế?

Theo những thông báo đã phát ra của Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cho thấy, Cục An toàn thực phẩm khẳng định: Liên tục từ ngày 19/8, khi nhận được báo cáo đầu tiên, các cơ quan ngành y tế vẫn đang tích cực vào cuộc xử lý vụ việc.

Vậy, việc bà Lan thà “cảnh báo nhầm gây thiệt hại về kinh tế” để phát biểu lúc này liệu có hợp lý? Hậu quả của những lần cảnh báo nhầm ấy, bà Lan có lường hết được? Nếu cứ có sự cố cảnh báo nhầm thì việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm sẽ như thế nào? Cảnh báo nhầm mà gây ra thiệt hại thì ai chịu trách nhiệm đền bù cho những thiệt hại ấy?

Là một người có trình độ, có tri thức hẳn bà Phạm Khánh Phong Lan sẽ ý thức được việc đó!

Trong công việc, mỗi người đều giữ một vị trí, vai trò nhất định ở cơ quan, đơn vị, tổ chức mà mình tham gia và là thành viên; do vậy, phải có trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức đó.

Trách nhiệm chính là phần việc được giao, là điều phải làm, phải gánh vác hoặc nhận lấy về mình theo cương vị, chức trách.

Nó được hình thành trên cơ sở những quy định của luật pháp, quy định, quy chế, thỏa thuận, điều lệ của tổ chức, đơn vị mà mình là thành viên.

Bên cạnh trách nhiệm với cơ quan, tổ chức, mỗi người đều là công dân của một quốc gia, dân tộc; do vậy phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp, xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Đối với người cán bộ, đảng viên, yêu cầu, đòi hỏi về tinh thần trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ còn cao hơn nhiều.

Vì vậy, phát ngôn phải chính xác và có tinh thần xây dựng, chứ không thể chỉ nói cho sướng miệng.

Tài liệu tham khảo:

(1)(2): https://tuoitre.vn/vu-pate-minh-chay-ba-pham-khanh-phong-lan-toi-tha-chon-canh-bao-nham-de-phan-ung-ngay-2020090121515029.htm

Trần Phương