Vừa miễn học phí, vừa có học bổng, ngành Triết học vẫn khó thu hút sinh viên

05/06/2023 06:48
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Có trường SV ngành Triết học vừa được miễn 100% học phí, vừa được nhận học bổng nhưng tuyển sinh vẫn còn nhiều khó khăn

Triết học không trực tiếp cung cấp các giải pháp công nghệ, sản xuất ra của cải vật chất, không trực tiếp tham gia quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên việc làm thế nào để người học nhận thức đúng về vị trí, vai trò và theo học ngành Triết học đang được các cơ sở giáo dục đại học tìm giải pháp.

Thực tế cho thấy, tuyển sinh ngành Triết học đang là thách thức đối với các cơ sở đào tạo đại học khi những năm gần đây, tỷ lệ tuyển sinh của ngành học này thấp, điểm đầu vào không quá cao.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngành Triết học của Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) chính thức tuyển sinh từ năm 2019. Dù sinh viên theo học ngành này vừa được miễn 100% học phí, vừa được nhận học bổng nếu có thành tích học tập tốt nhưng công tác tuyển sinh của trường vẫn gặp nhiều khó khăn.

Chỉ tiêu ngành Triết học lấy 20 nhưng chỉ tuyển được hơn 50%

Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Lê Đăng Phương – Trưởng khoa Khoa Luật và Khoa học Chính trị - Trường Đại học An Giang cho biết, mỗi năm, ngành Triết học của trường lấy 20 chỉ tiêu. Nhưng trên thực tế, có năm tuyển sinh vượt chỉ tiêu, có năm chỉ tuyển được hơn 50% trong khi điểm trúng tuyển ngành Triết học không cao, chỉ trên dưới 18 điểm.

Sinh viên Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Fanpage nhà trường.

Sinh viên Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Fanpage nhà trường.

Theo thầy Phương, khó khăn trong tuyển sinh ngành Triết học của trường là do ngành mới mở, công tác quảng bá tuyển sinh chưa được đẩy mạnh, tuyên truyền rộng rãi nên chưa thu hút được nhiều sinh viên.

“Trong giáo dục và đào tạo đại học, Triết học có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với sinh viên trong việc hình thành thế giới quan, phương pháp luận, nhân sinh quan, hệ thống giá trị văn hóa nhân văn. Để thu hút sinh viên, Khoa đã xây dựng phương pháp đào tạo, giảng dạy ứng với từng bộ môn. Nhưng khi đứng lớp, giảng viên Triết học sẽ phải gắn với thực tiễn trình độ, tư duy của sinh viên để lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp, lôi cuốn", thầy Phương cho biết.

Về chiến lược tăng số lượng tuyển sinh ngành Triết học, theo thầy Phương, nhà trường có kế hoạch phân công bộ phận đối ngoại và phòng công tác sinh viên tiến hành tư vấn tuyển sinh.

“Bộ phận tuyển sinh của trường sẽ đi đến các trường trung học phổ thông để tư vấn tuyển sinh. Mỗi năm, trường tổ chức tư vấn 1 lần vào trước hoặc trong tháng 2. Những năm đầu, có nhiều cán bộ, giảng viên tham gia đi đến các trường để tư vấn. Sau này, số cán bộ, giảng viên có nguyện vọng đăng ký đi tuyển sinh ít dần.

Các trường phổ thông rất chào đón giảng viên đến tư vấn, nhưng số lượng học sinh mong muốn học ngành Triết học không nhiều do các em chưa mặn mà, hoặc lựa chọn các ngành mới, hoặc các ngành truyền thống như Kinh tế, Luật...”, thầy Phương chia sẻ.

Cũng theo thầy Phương, nếu không tuyển được sinh viên, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường sẽ không được tiếp tục mở ngành. Tuy nhiên, trường vẫn đang duy trì tuyển sinh (dù số lượng có năm không đạt 100% chỉ tiêu). Khóa học gần đây có 1-2 sinh viên xin thôi học vì hoàn cảnh gia đình, không có sinh viên thôi học vì "than" khó khi học ngành Triết học.

Tới đây, trường cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyển sinh ngành Triết học qua các kênh thông tin truyền thông đại chúng, đặc biệt là facebook và website nhà trường.

Để thu hút người học, những trường đào tạo ngành Triết học phải có hướng đi riêng

Cùng chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, Thạc sĩ Triết học Trịnh Đình Thanh – Tổ trưởng tổ bộ môn Khoa Lý luận Chính trị - Trường Đại học Duy Tân cho rằng, những chính sách đối với ngành Triết học chưa đủ mạnh để hấp dẫn sinh viên.

“Chính sách hỗ trợ chỉ giúp duy trì ngành học. Còn để tuyển sinh được nhân tài, người học có đam mê và khả năng phát triển trong lĩnh vực Triết học thì phải xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của sinh viên”, thầy Thanh chia sẻ.

Thầy Thanh cũng cho rằng, nước ta đang trên đà phát triển nên việc tập trung nhiều vào hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế là rất cần thiết. Tuy nhiên, điều này cũng một phần tác động đến lựa chọn ngành nghề của sinh viên nhằm mục đích sớm tạo ra công ăn việc làm, mang lại giá trị vật chất.

Những trường đào tạo ngành Triết học phải có hướng đi riêng để thu hút người học, vì nếu 3 năm không tuyển sinh được thì sẽ phải xóa ngành.

Theo thầy Thanh, thứ nhất, hiện nay tài liệu Triết học chưa đáp ứng được hết kỳ vọng.

“Để tuyển sinh ngành Triết học, bản thân các cơ sở giáo dục đại học phải đào tạo theo hướng hiện đại. Nghĩa là, đào tạo Triết học hướng tới khoa học lý luận, khoa học Triết học hiện đại và phải có đánh giá khách quan về lịch sử tư tưởng, lịch sử văn hóa, lịch sử triết học, không nên học theo lối người trước viết sách, người sau cứ thế học thuộc để truyền đạt lại cho những thế hệ sau”, thầy Thanh chia sẻ.

Thứ hai, xây dựng nguồn học liệu Triết học.

Những học liệu trên mạng internet hiện nay có phần đa dạng, phong phú nhưng rất cần định hướng và sàng lọc. Do đó, buộc các nhà nghiên cứu phải xây dựng và có bộ phận chủ trì đưa học liệu bài giảng, học liệu nghiên cứu Triết học lên hệ thống để tạo "môi trường mở" cho sinh viên tham khảo, tự học, tự nghiên cứu.

“Xây dựng chương trình học, kiểm tra đánh giá Triết học phải song hành với đặc điểm tâm lý, trình độ người học hiện nay, tránh để sinh viên “tự bơi” trong khi học liệu tràn lan trên mạng như “chợ thương mại”. Đôi khi, quá nhiều tài liệu trên mạng cũng khiến người học hoang mang, lựa chọn quay về sử dụng phương thức cũ là sao chép tri thức của người khác trong giáo trình, chắp ghép các đoạn trích vào bài, sau đó diễn giải theo cách hiểu của mình...

Thứ ba, gốc rễ tư tưởng của người giảng dạy Triết học phải thay đổi.

Thầy Thanh nhận xét: “Dạy Triết học, có bộ phận giảng viên chỉ giữ ở vị trí an toàn trong giảng dạy, nghiên cứu; không dám, không chịu và không theo kịp sự đổi mới trong tư tưởng, còn ăn sâu bám rễ những tư tưởng cũ kỹ, lạc hậu nên sẽ ảnh hưởng và rất khó được số đông người học chấp nhận, theo học Triết học”.

Ngọc Mai