Vì sao tỉ lệ thí sinh đăng ký vào học khoa Triết ngày càng thấp?

21/07/2022 06:49
Ngô Hiển
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: “Chương trình học bổng của Đại học Quốc gia Hà Nội vừa là áp lực và cũng chính là động lực để sinh viên phấn đấu”.

Theo Quyết định số 2278/QĐ-ĐHQGHN ngày 7/7/2022 của Đại học Quốc gia Hà Nội, năm học 2022 -2023, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ bắt đầu triển khai thí điểm chương trình học bổng cho sinh viên 9 ngành Khoa học cơ bản gồm: Văn học, Lịch sử, Triết học, Tôn giáo học, Chính trị học, Nhân học, Việt Nam học, Ngôn ngữ học, Hán Nôm.

Việc ban hành chương trình học bổng được nhà trường và lãnh đạo các khoa Khoa học cơ bản đặt kỳ vọng sẽ tuyển được nhiều hơn sinh viên đầu vào với chất lượng cao, tạo động lực cho sinh viên phấn đấu.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Khoảng 10 năm gần đây, việc tuyển sinh vào các ngành khoa học cơ bản nói chung và ngành Triết học nói riêng gặp nhiều khó khăn. Nhất là mùa tuyển sinh năm 2021 khóa do ảnh hưởng dịch covid – 19 nên càng khó khăn”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn (ảnh: Ngân Chi)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn (ảnh: Ngân Chi)

Thầy Tuấn thông tin, điểm đầu vào khoa Triết học dù ở mức thấp nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều sinh viên đăng ký vào học. Theo chỉ tiêu tuyển sinh của Khoa mỗi năm dao động từ 50 đến 60 sinh viên, nhưng số lượng đăng ký nguyện vọng 1 chỉ đạt khoảng 30 sinh viên, tức là tầm 50%.

Hàng năm, nhà trường cùng các khoa tổ chức chương trình Đại sứ sinh viên về các trường trung học phổ thông để giới thiệu và định hướng cho học sinh chuẩn bị thi đại học về các ngành học, trong đó có ngành Triết học.

Khi sinh viên vào nhập học, khoa tiếp tục tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi về phương pháp học tập và nghiên cứu khoa học, truyền thụ kinh nghiệm để các em có thêm tình yêu với ngành học.

Hơn nữa, các hoạt động thực tập, thực tế dành cho sinh viên ngành Triết học rất đa dạng gồm ngoại khóa thực tế môn học, sinh viên thực tập tại các các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp ở cả khu vực công và khu vực tư.

Câu lạc bộ Amap của khoa có sự tham gia của nhiều thầy cô và sinh viên nhằm hỗ trợ cho sinh viên trong học tập và nghiên cứu khoa học. Những hoạt động của Đoàn, Hội sinh viên khoa Triết được tổ chức hàng năm rất đa dạng: Festival triết học, Chuyển trạm – chia tay mùa hạ, Chuyến đi thanh xuân, Chào sinh viên khóa mới… Dù đã có nhiều cách thức thu hút người học, nhưng tỉ lệ đăng ký nhập học không được như kỳ vọng.

Theo nhận định của Tiến sĩ Phạm Hoàng Giang - Phó Trưởng khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội): “Những năm gần đây tỉ lệ đăng ký nhập học vào khoa Triết thấp có nhiều nguyên nhân vì đây là một ngành học khó, tính hàn lâm cao kén người học; chỉ tiêu tuyển dụng vào các cơ quan công quyền nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học (vốn là nguồn đầu ra thế mạnh của khoa Triết) rất thấp, cộng với sự cạnh tranh ngày càng tăng của các cơ sở đào tạo Triết học khác trong hệ thống giáo dục đại học khiến sinh viên ra trường xin việc vào các lĩnh vực này ngày càng khó khăn. Do đó, đòi hỏi phải có tổng thể những giải pháp nhằm giải quyết tình trạng khó khăn trong công tác tuyển sinh”.

Với những chủ trương mới của Quyết định số 2278/QĐ-ĐHQGHN ngày 7/7/2022 của Đại học Quốc gia Hà Nội về việc phê duyệt Chương trình học bổng cho các ngành khoa học cơ bản, Phó Giáo sư Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: “Trong một khóa học, ít nhất có 5 sinh viên được hỗ trợ, từ đó tạo ra áp lực và cũng chính là động lực để sinh viên phấn đấu”.

Do học bổng sẽ đi suốt 4 năm học đại học nên từng năm học cần đạt các tiêu chí khác nhau để được nhận học bổng này. Đối với sinh viên năm nhất, khi tuyển đầu vào sẽ căn cứ vào kết quả thi tuyển, học tập qua các năm học ở bậc trung học phổ thông, tham gia các kỳ thi và đạt giải quốc gia, khu vực hoặc quốc tế, gia đình diện chính sách, vùng miền núi gặp nhiều khó khăn…

Nhưng các năm sau, ngoài các kết quả học tập tốt sẽ cần thêm các tiêu chí về tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia phong trào Đoàn, Hội của khoa, trường. Quan trọng nhất là việc quan sát, đánh giá con người cụ thể từ tập thể lớp, các cố vấn vấn học tập, giáo viên chủ nhiệm, giảng viên và Ban Chủ nhiệm khoa.

Do đây là chủ trương mới của Đại học Quốc gia Hà Nội nên Ban Chủ nhiệm khoa sẽ xây dựng tiêu chí cụ thể hơn để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho sinh viên, tạo điều kiện cho các em có thêm niềm đam mê, tình yêu với ngành Triết học.

Tiến sĩ Phạm Hoàng Giang (ảnh: Ngân Chi)

Tiến sĩ Phạm Hoàng Giang (ảnh: Ngân Chi)

Cũng theo Tiến sĩ Phạm Hoàng Giang: “Từ chương trình học bổng của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ góp phần ươm mầm nâng đỡ những sinh viên giỏi, lựa chọn ra những sinh viên ưu tú giúp các em tiếp tục theo đuổi niềm đam mê Triết học. Sau khi tốt nghiệp, các em có thể tiếp tục học lên cao hơn hoặc tìm kiếm những suất học bổng để du học nhằm phát triển bản thân. Có sinh viên trở thành cán bộ nguồn của khoa, hoặc công tác tại các viện nghiên cứu để thúc đẩy phát triển các ngành khoa học cơ bản của đất nước”.

Tiến sĩ Giang cho biết thêm, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn là một cơ sở dẫn đầu trong số các trường có nhiều học bổng sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Bên cạnh chương trình học bổng ngành Khoa học cơ bản, sinh viên nhà trường còn được tài trợ bởi các Quỹ Chung-Soo (Hàn Quốc), Quỹ AEON (Nhật Bản), Ngân hàng Shinhan (Hàn Quốc), Ngân hàng BIDV (Việt Nam), Tập đoàn Danko (Việt Nam), Quỹ Thắp sáng niềm tin, Quỹ Đào Minh Quang (Cộng hoà liên bang Đức)... Nhờ đó, sinh viên khoa Triết sẽ có cơ hội nhận thêm các học bổng hỗ trợ khác với mức từ 200 đến 500 USD/1 năm.

Để chọn ra các sinh viên giỏi, đam mê nghiên cứu khoa học, khoa Triết học cũng sử dụng ngân sách nhà trường hỗ trợ nghiên cứu khoa học cơ bản với hai hình thức: 50% (khoảng 40 đến 45 triệu đồng) kinh phí được dành cho các hoạt động điền dã, thực tập thực tế môn học của sinh viên, 50% còn lại được ưu tiên cho sinh viên có bài đăng báo, tạp chí chuyên ngành. Mỗi bài viết dưới sự hướng dẫn của giảng viên được đăng trên tạp chí chuyên ngành, sinh viên sẽ được một suất học bổng trị giá từ 8 đến 10 triệu đồng. Đó là những khuyến khích vật chất quan trọng để sinh viên phấn đấu và yêu thích nghiên cứu.

Trong bối cảnh hội nhập xã hội ngày càng cởi mở và sâu rộng như hiện nay, bên cạnh việc đẩy mạnh đào tạo các sinh viên giỏi phục vụ nghiên cứu trong các ngành khoa học cơ bản mang tính hàn lâm và xương sống của khoa học xã hội đất nước, Ban Chủ nhiệm khoa cũng đang đổi mới tư duy, làm mới chương trình đào tạo nhằm thu hút sinh viên vào học cũng như đảm bảo đầu ra đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Giảng viên và sinh viên khoa Triết học tham dự Hội thảo khoa học "Giải pháp xây dựng các điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo ngành Triết học" (ảnh: Tiến sĩ Phạm Hoàng Giang cung cấp)

Giảng viên và sinh viên khoa Triết học tham dự Hội thảo khoa học "Giải pháp xây dựng các điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo ngành Triết học" (ảnh: Tiến sĩ Phạm Hoàng Giang cung cấp)

Hàng năm, khoa Triết học thường tổ chức đi thực tế cho sinh viên theo môn học. Từ đó, tạo sự yêu thích và gắn bó cho sinh viên với ngành học này. Bên cạnh đó, sinh viên cũng coi khoa Triết học như mái nhà thứ hai của mình, gắn kết với nhau cùng phấn đấu và thúc đẩy ngành phát triển.

Tiến sĩ Phạm Hoàng Giang cũng trao đổi: “Năm học mới này, khoa mở thêm hướng chuyên ngành Triết học và quản trị nhằm đa dạng hóa đầu ra về việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, nhất là trong bối cảnh ngày càng có nhiều sinh viên ngành Triết học tham gia vào thị trường lao động ở khu vực doanh nghiệp.

Đồng thời, khoa tiến tới mở thêm chương trình đào tạo cử nhân mới mang tính liên ngành cao. Ban Chủ nhiệm khoa rất kỳ vọng bằng các chính sách cho các ngành khoa học cơ bản, đặc biệt là chương trình học bổng của Đại học Quốc gia Hà Nội, khoa sẽ thu hút được nhiều thí sinh giỏi, đam mê với khoa học. Từ đó đảm bảo được nguồn nhân lực cho phát triển các ngành trụ cột của khoa học xã hội nói chung và ngành Triết học nói riêng”.

Ngô Hiển