Sáng ngày 12/3 các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận được Công văn số 434/SGDĐT về việc lấy ý kiến học sinh, phụ huynh và giáo viên đối với việc dạy thêm học thêm buổi chiều cho học sinh lớp 12.
Công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bị hủy sau một ngày ban hành (Ảnh: CTV) |
Công văn nêu rõ: Thông qua phần mềm Vnedu, Zalo, điện thoại, sinh hoạt tại lớp …tiến hành lấy ý kiến học sinh, phụ huynh, giáo viên dạy khối 12, giáo viên chủ nhiệm lớp, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh về việc dạy thêm học thêm buổi chiều đối với học sinh lớp 12 nhằm giúp các em chuẩn bị tốt cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học năm học 2020.
Tổng hợp ý kiến phản hồi báo cáo bằng văn bản gửi về Sở Giáo dục trước 10 giờ ngày 13/3.
Thu hồi công văn gấp trong sáng ngày 13/3
Công văn vừa mới phổ biến ngày 12/3 thì sáng 13/3 đã bị Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thu hồi gấp.
Trả lời việc này một đại diện của sở cho chúng tôi biết:
“Sở đang xin với Ủy ban nhân dân tỉnh tuần sau cho học sinh, sinh viên nghỉ hết cho nên không lấy ý kiến nữa. Chúng tôi đã điện cho hiệu trưởng dừng việc này rồi”.
May đã hủy công văn kịp thời
Cũng may, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã kịp thời chỉ đạo các trường hủy bỏ công văn hướng dẫn lấy ý kiến để tổ chức dạy thêm cho học sinh lớp 12, nếu không sẽ gây ra bất bình trong dư luận.
Bởi, vào giai đoạn này, học sinh đến trường học chính khóa còn không an toàn, việc học bình thường còn phải đình lại thì cớ gì lại tổ chức dạy thêm?
Dư luận sẽ không cho rằng, ngành giáo dục nơi đây đang vì việc học của các em mà lại nghĩ nhiều đến khía cạnh “giải đói” cho một bộ phận thầy cô lâu nay lấy dạy thêm làm thu nhập chính.Thế thì thật xấu hổ cho cả ngành giáo dục của chúng ta.
Việc lấy ý kiến để tổ chức dạy thêm có nên không?
|
Chẳng riêng gì Vũng Tàu, không ít địa phương thường lấy ý kiến phụ huynh để tổ chức dạy thêm.
Những ý kiến đồng ý của cha mẹ học sinh chính là bảo bối để khẳng định rằng nhà trường hoặc giáo viên ấy đang dạy thêm một cách hợp pháp.
Nhưng mấy ai biết được đằng sau những ý kiến đồng ý ấy là gì?
Tiếp xúc với nhiều phụ huynh được chính họ chia sẻ, từ xưa đến nay nếu tổ chức lấy ý kiến phụ huynh về việc có đồng ý cho con đi học thêm hay không, cho dù không muốn thì không ít phụ huynh vẫn gật đầu đồng ý.
Lý do vì không muốn con bị làm khó trong lớp, không muốn phật lòng thầy cô đang dạy con mình.
Bởi thế, đôi khi đồng ý cho con đi học thêm nhưng vẫn trong tình trạng gần như bị ép buộc vì không thật sự thoải mái.
Bên cạnh đó, mang tiếng là lấy ý kiến tất cả phụ huynh nhưng chỉ cần đại diện vài người trong ban chấp hành lên tiếng đồng ý là biên bản sẽ được ghi “Phụ huynh hoàn toàn đồng ý với việc tổ chức dạy thêm của nhà trường (của giáo viên)”.
Học thêm là nhu cầu của học sinh, thế nên hãy để các em tự quyết định việc học cho mình. Không nên bày ra việc lấy ý kiến để rồi ép buộc cả những ai không có nhu cầu mà vẫn phải theo học như không ít địa phương vẫn đang làm.