Thủ trưởng phải chịu trách nhiệm nếu giáo viên vi phạm dạy thêm
Ngày 11/3/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Phước đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị trực thuộc Sở về việc nghiêm túc thực hiện không tổ chức dạy thêm, học thêm trong thời gian dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra.
Theo đó, trước đó Sở đã ban hành các công văn về việc không tổ chức các hoạt động dạy thêm, học thêm trong thời gian dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra, nhưng hiện vẫn còn tình trạng một số cá nhân, tổ chức chưa thực hiện nghiêm túc nội dung này.
Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Phước sẽ xử lí nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm dạy thêm, học thêm trong thời gian dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra. |
Vì vậy, Sở đề nghị các đơn vị trực thuộc thực hiện một số yêu cầu sau:
Thứ nhất, các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trực thuộc Sở quán triệt đến từng cán bộ quản lí, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh việc không tổ chức dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường trong thời gian dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra.
Các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm việc triển khai ôn tập kiến thức cho học sinh thông qua các hệ thống học trực tuyến theo chỉ đạo của Sở trước đó.
Thứ hai, đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các địa phương phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trực thuộc, Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra việc thực hiện không tổ chức dạy thêm, học thêm trong thời gian dịch Covid-19 đang diễn ra tại địa phương.
Thứ ba, Sở sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất việc thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và hoạt động dạy thêm, học thêm trong thời gian dịch bệnh đang diễn ra.
Thứ tư, đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm đề nghị xử lí nghiêm theo quy định. Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm nếu cán bộ quản lí, giáo viên vi phạm.
Dạy thêm trong mùa dịch là bất chấp
Phải cấm hoàn toàn việc dạy thêm, học thêm khi học sinh đi học trở lại |
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu và Việt Nam vẫn còn rất phức tạp.
Vì vậy, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã cho học sinh nghỉ học dài ngày nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho các em.
Tuy vậy, khi một số địa phương cho học sinh đi học trở lại thì còn những cá nhân, tổ chức liền lao vào tổ chức dạy thêm, học thêm khiến nguy cơ lây nhiễm xảy ra rất cao nếu như một học sinh nào đó chẳng may nhiễm bệnh.
Việc dạy thêm phần lớn xuất phát từ nhu cầu của cả hai phía, người học và người dạy, phần còn lại cũng không ngoại trừ do giáo viên “gợi ý”, hay ép buộc.
Dễ nhận thấy là học sinh cuối cấp – lớp 9 và lớp 12, đi học thêm rất đông nhằm mục đích thi tuyển sinh vào 10 và xét tuyển vào đại học sau kì thi quốc gia.
Học sinh các khối lớp còn lại đi học thêm với nhiều lí do khác nhau. Các em tham gia học thêm vì cha mẹ không thể dạy cho con, vì mong muốn có thêm kiến thức, muốn đạt điểm cao…
Thế nhưng, ở thời điểm khi mà dịch bệnh đang xảy ra phức tạp thì việc giáo viên tổ chức dạy thêm, học thêm là bất chấp, coi thường sức khỏe của học sinh, bản thân và cộng đồng.
Bởi học sinh đi học thêm ở nhà giáo viên hay trung tâm thì vệ sinh môi trường không được thực hiện nghiêm cẩn như ở trường học.
Nếu khối trường tư thục phá sản, chúng tôi lo cho học trò |
Đó là, phòng học thêm thường chật chội (phòng rộng thì phải chi phí thuê mướn đắt đỏ), được trang bị máy điều hòa nhiệt độ cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở.
Bên cạnh đó, phòng học không được sát khuẩn cẩn thận như ở lớp học, học sinh thì đông và đến từ nhiều nơi khác nhau nên không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Vậy nên, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh phải nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn lây lan dịch bệnh để chấm dứt ngay việc dạy thêm, học thêm trong gian đoạn này.
Học sinh các cấp, kể cả các em lớp 9 và 12 có thể học online (trực tuyến) theo hướng dẫn của thầy cô ở trường. Bên cạnh đó, học sinh có thể học thêm từ một kênh rất hiệu quả qua truyền hình địa phương.
Ngoài ra, học sinh muốn khá, giỏi thì nhất thiết các em phải biết cách tự học, tự nghiên cứu không những ở sách vở mà còn ở một nguồn tài nguyên vô hạn đó là mạng Internet.
Thực tế cho thấy, rất nhiều năm, những học sinh thi thủ khoa, á khoa hay đạt các giải ở khu vực, quốc tế thì phần đông trong số ấy là tự học, không học thêm.
Ngoài ra, việc thi tuyển sinh vào 10 hay thi trung học phổ thông quốc gia thì phạm vi kiến thức chủ yếu nằm ở sách giáo khoa.
Chỉ có một một ít câu hỏi ở mức độ vận dụng cao nhằm phân loại học sinh vào các trường phổ thông tốp đầu hoặc phục vụ cho việc xét tuyển đại học.
Hơn nữa, rất nhiều trường đại học hiện nay (cả công lập và tư thục) đều xét tuyển theo phương thức học bạ nên học sinh có rất nhiều cơ hội để vào đại học, cao đẳng.
Thiết nghĩ, các tỉnh thành trên cả nước nên có văn bản chính thức cấm tổ chức dạy thêm, học thêm cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.
Đó cũng là điều mà phụ huynh và xã hội mong muốn, vì đảm sức khỏe cho học sinh phải được đặt lên trên hết.