Nói đến rùa, người Việt ai chẳng nghĩ ngay đến rùa Hồ Gươm. Một số ý kiến còn cho rằng nên công nhận rùa Hồ Gươm là bảo vật quốc gia. Hình tượng rùa không chỉ gắn với lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc như chuyện nỏ thần của An Dương Vương Thục Phán, chuyện vua Lê Lợi trả lại gươm thần cho rùa trên hồ Lục Thủy mà còn gắn với truyền thống khoa bảng, truyền thống hiếu học như rùa đội bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Có lẽ vì thế mà ở thời hiện đại, “truyền thống Rùa” càng ngày càng trở nên sâu sắc và lan tỏa khiến cho không ít người hài hước cho rằng: “Có lẽ chúng ta đang sống trong “Vương quốc của Rùa”? Vậy thì đâu là những nét đặc trưng của “Vương quốc” mà những người không thích đùa này muốn mọi người cùng xuy ngẫm?
Tư duy “rùa”
Loài rùa có một đặc điểm sinh học mà các nhà khoa học chưa thể giải thích, đó là sinh ra ở đâu thì hàng chục, vài chục năm sau nó vẫn quay trở lại nơi đó để sinh sản, duy trì nòi giống.
Gần 70 năm kể từ khi cách mạng thành công, sau ba lần cải cách giáo dục (1950, 1956, 1981), đến hôm nay, trong dự thảo đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…” trình Hội nghị TW 10 vẫn buộc phải nhận định: “Giáo dục vẫn chưa thực sự là quốc sách hàng đầu, chưa được ưu tiên nhất trong các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, chưa được coi là nhân tố quyết định của phát triển đất nước”.
Nhận định như vậy có nghĩa là mấy chục năm qua, giáo dục tuy có đạt được những thành tựu nhất định nhưng rồi vẫn chỉ quanh đi quẩn lại vẫn trở về điểm xuất phát của năm 1945, chủ yếu là xóa nạn mù chữ? Vì sao dù đã tốn quá nhiều giấy mực cho các văn bản, nghị quyết kể cả phải ghi trong Hiến pháp mà giáo dục vẫn “chưa thực sự là quốc sách hàng đầu”? Rõ ràng không phải lỗi của người dân, đó là lỗi của kiểu “tư duy Rùa”, “dù có đi bốn phương trời” thì lòng vẫn hướng về “bao cấp”. Chẳng lẽ cắt bao cấp thì giáo dục sẽ “còi xương chậm nhớn?”
Lối sống “rùa”
Rùa không sống theo bầy đàn, chúng là những sinh vật đơn độc giữa đại dương, chúng chỉ biết sống cho bản thân mình, chính “lối sống rùa” đang ngự trị trong mỗi con người chúng ta mà không ít người chỉ biết vun vén lợi ích cho bản thân, gia đình mình, cao hơn một chút là lợi ích của nhóm mình mặc kệ xã hội tiến hay lùi.
Có một phát biểu rất hay được nhiều người tâm đắc: “những đỉnh cao muôn trượng, chỉ có chim ưng và loài bò sát là có thể vươn tới”. Rùa tuy đẻ trứng như loài chim nhưng không phải là chim, tuy có chân để bò như bò sát nhưng lại không phải là bò sát vì chủ yếu bơi trong nước. Không thể vươn tới những đỉnh cao muôn trượng nhưng đổi lại rùa lại sống rất lâu, chẳng thế mà rùa là một trong những loài vật tồn tại lâu nhất trong quá trình tiến hóa trên hành tinh này?. Với “lối sống rùa” sẽ là rất khó để “Vương quốc” vươn tới “tầm thường” của Đông Nam Á chứ chưa nói “tầm cao” của Âu, Mỹ. Có chăng chỉ là sự tồn tại cùng với sự tồn tại của muôn loài.
Tốc độ “rùa”
Tại Hà Nội, Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết: “Nhân Lễ Quốc khánh của Việt Nam, lãnh đạo thành phố Viêng Chăn (Lào) gửi thư chúc mừng tới Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, thư đến chậm một tháng, hỏi ra mới biết thư đến chậm vì Văn phòng UBND thành phố chậm 22 ngày, Sở Ngoại vụ chậm 8 ngày! “ [1].
Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg về chính sách cho trẻ em, giáo viên và chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non được Chính phủ ban và chính thức có hiệu lực vào ngày 15/12/2012. Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ nỗ lực để sớm ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Quyết định. Tuy nhiên 14 tháng sau vẫn chưa có thông tư hướng dẫn thi hành [2]. Hai sự kiện, một ở Thủ đô, một ở cơ quan thuộc Chính phủ cho thấy bức tranh toàn cảnh, trung thực không chỉ các cư dân mà cả các quan chức cấp cao nhất của “Vương quốc” đang hàng ngày chứng kiến, chịu đựng.
Hãy nghe ý kiến của Quốc hội: Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của QH, hiện nay, còn gần 67% số văn bản cần quy định chi tiết nhưng chưa được ban hành. Tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành quá lớn, làm cho nhiều quy định của luật, pháp lệnh chưa được thực thi. Ðoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ QH kiến nghị Chính phủ tiến hành rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết [3].
Tốc độ ban hành các văn bản pháp luật chậm như rùa, bên cạnh đó tốc độ bãi bỏ các thủ tục lỗi thời lại “rùa” không kém. Thượng tầng là như thế, hạ tầng còn khốn khổ gấp nhiều lần, vnexpress.net ngày 4/12/2012 đưa tin: “cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 50 Km được đầu tư gần 9.000 tỷ đồng theo hình thức BOT… Để kịp thông xe toàn tuyến, khu vực này đã được khai thác và cắm biển tối đa 40 km/h”.
Di chuyển chậm chạp, ăn tạp và sống lâu, đặc điểm sinh học của rùa đã thể hiện rõ nét trong đội ngũ “đầy tớ nhân dân” hiện tại. Đến cơ quan công quyền, việc người dân phải chờ đợi là nét đặc trưng phổ biến, muốn nhanh thì phong bì và “chưa có bằng chứng cụ thể” nào cho thấy các công bộc chê phong bì là “bẩn”, là không thể “ăn” được.
Tốc độ “rùa” có thể thấy ở bất kỳ ngõ ngách nào của cuộc sống xã hội, từ giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân đến các dự án cấp quốc gia. Chẳng thế mà báo Người lao động ngày 17/5/2012 phải chạy cái tít: “Sau 30 năm triển khai chương trình thực nghiệm, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có đánh giá khoa học cụ thể về chất lượng chương trình này”. Nói tóm lại sau 30 năm, chương trình thực nghiệm vẫn tiếp tục… thực nghiệm. Nếu biết rằng 30 năm là gần trọn “một đời nghề” của người thầy giáo thì mới thấy không đâu trên thế giới này “tốc độ rùa” lại “rùa” như ở nước ta.
Thần tượng rùa
Tìm hiểu kho tàng văn học dân gian chẳng thấy chỗ nào người ta gọi rùa là “cụ”, thế mà ngày nay khối người, khối bài báo thần tượng hóa rùa, gọi một cách kính cẩn là “Cụ Rùa”. Rùa hồ Gươm có lẽ thọ vài trăm tuổi, so với cây Chò ngàn năm ở rừng Cúc Phương thì chẳng bõ bèn gì nhưng lại chẳng thấy ai gọi “Cụ Chò” cả. Bên cạnh “thần tượng rùa” có thể thấy nhan nhản các loại thần tượng khác, ví dụ điển hình cho loại thần tượng này ca sĩ nọ, sau khi ngửa mặt phun lên trời một mớ hỗn xược với người bằng tuổi bố mình thì lại mang hoa đến xin lỗi, hoặc như mấy hoa khôi, người mẫu chỉ nhăm nhe “tụt, cởi” khoe chỗ nhạy cảm.
Một “nhóm thần tượng” khác có thể thấy rất rõ trong những hội nghị, hội đồng, hội…, ở đó nếu không cùng “nhóm” thì dù có cao siêu đến mấy cũng chỉ là dân dự thính, còn lâu mới được ngồi ở vị trí danh dự. Tài giỏi, sống “xưa nay hiếm” như cố nghệ sĩ Văn Hiệp, đến lúc chết cũng chỉ là nghệ sĩ “của nhân dân”, không biết vong linh ông có biết bây giờ ông đã là nghệ sĩ ưu tú?
Điểm mặt các loại thần tượng sẽ thấy một điều “thú vị”, ấy là gần như vắng bóng các “thần tượng trí tuệ”, “thần tượng liêm khiết” song lại đầy rẫy các thần tượng kiểu như “thần tượng bóng đá”, “thần tượng dao kéo”, “thần tượng nhí”… thậm chí gần đây còn có cả một loạt truyện tranh cho thiếu nhi với cái tên “ Thần tượng … mua bán”.
Phong cách rùa
Vào đình, vào chùa thế nào cũng thấy rùa. Một vài cư dân, trong nhà ở vị trí trang trọng nhất, dễ đập vào mắt khách nhất là những bức ảnh chụp chung với ông X, ông Y nào đó, dẫu phải đứng cách xa một chút cũng chả sao. Nhìn một cái đã thấy phong thái ấy thật ‘kiêu hãnh”, thật xứng để lưu truyền cho con cháu mai sau.
Không chỉ dáng đứng, dáng ngồi cũng rất đặc biệt, hễ có cánh phóng viên phỏng vấn thì chéo bên chỗ ngồi thể nào cũng có cái màn hình máy tính mở sẵn, biết sử dụng máy tính (bất kể để làm gì) là thuộc đẳng cấp cao, đâu có như mấy anh giáo “nhà quê” chẳng bao giờ sờ đến cái bàn phím, mà dù có muốn “sờ” thì tiết kiệm mấy năm chưa chắc mua nổi cái máy “secondhand”.
Trong quá trình tiến hóa, loài rùa vừa chậm chạp lại không có nọc độc, vuốt nhọn để chiến đấu nhưng vẫn không bị tuyệt chủng vì chúng có cái mai dầy che chắn, nhưng quan trọng hơn là chúng biết rụt đầu. Giữ được cái đầu là điều kiện tiên quyết để bảo vệ mạng sống. Nếu để ý trên truyền hình, mười cuộc trả lời phỏng vấn liên quan đến các vụ tiêu cực, tham nhũng thì bảy tám là do cấp phó thực hiện, còn cấp trưởng, tội gì mà “thò đầu” ra. Mai rùa giống như cái ô, cài dù che nắng che mưa, và một khi đã trở thành ô dù thì nó cũng trở thành “công cụ hỗ trợ”.
Chuyện đến trẻ con cũng biết, hễ vi phạm luật giao thông là mở di động gọi cho ai đó. Ở Tiền Giang “thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của giám đốc công an tỉnh, lực lượng CSGT công an tỉnh khi làm nhiệm vụ không được nghe điện thoại di động” (Tuổi trẻ Online 16/4/2013). Nghe điện thoại thể nào cũng nhận được “một khúc tâm tình” từ cái “mai này”, “mai khác”, thôi thì xin bác, xin chú em quên máy ở nhà.
Chuyện đến trẻ con cũng biết, hễ vi phạm luật giao thông là mở di động gọi cho ai đó. Ở Tiền Giang “thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của giám đốc công an tỉnh, lực lượng CSGT công an tỉnh khi làm nhiệm vụ không được nghe điện thoại di động” (Tuổi trẻ Online 16/4/2013). Nghe điện thoại thể nào cũng nhận được “một khúc tâm tình” từ cái “mai này”, “mai khác”, thôi thì xin bác, xin chú em quên máy ở nhà.
Kết cục rùa
Dân gian có câu ca dao:
Thương thay thân phận con rùa,
Lên đình cõng hạc, xuống chùa đội bia.
Kể ra thì các cụ ngày xưa cũng thật hóm, rùa được đặt vào hàng thứ ba trong tứ quý: long ly, quy, phượng. Thế nhưng các loại rùa đều được tận dụng để kê chân, đỡ cột, phổ biến là chân cột đình, chân bia, để ngày nay lũ trẻ đi thi tranh thủ sờ đầu một tí, may mắn chả thấy đâu nhưng được cái yên dạ, thêm chút tự tin. Dẫu sao văn hóa “sờ đầu rùa” cũng cho thấy cái sự “phi văn hóa” của người “sờ” và sự khinh bạc đối với rùa chỉ có ở Việt Nam.
Không biết mai sau, cái loại “Rùa ca vát” hôm nay có được chọn để làm chân bàn, chân ghế chứ cầm chắc không thể đội bia trong đình, trong chùa, có chăng chỉ là “bia miệng”.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://www.tienphong.vn/xa-hoi/619932/Qua-ba-so-nha-thu-di-mot-thang-tpp.html
[2]http://dantri.com.vn/dien-dan/cham-ban-hanh-thong-tu-huong-dan-bo-gddt-can-thang-than-nhan-trach-nhiem-702029.htm
[3] http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/21257802-.html
Tác giả: TS Dương Xuân Thành