Dạy học trực tuyến, hay tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá là chủ trương của Bộ giáo dục và Đào tạo trong nhiều năm qua.
Cụ thể, với giáo dục đại học, Thông tư số 12/2016/TT-BGDĐT ban hành năm 2016 quy định cụ thể các điều kiện đảm bảo để tổ chức đào tạo trực tuyến trên cơ sở các trường tự chủ về chương trình, nội dung thực hiện.
Đào tạo trực tuyến ở các trường đại học có thể được áp dụng thay thế một phần nội dung của đào tạo truyền thống do nhà trường quyết định, trên cơ sở đảm bảo chất lượng..
Còn với giáo dục phổ thông, Bộ chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá ở các nhà trường; giáo viên có thể thiết kế học liệu số, bài giảng E-learning giúp học sinh tự học…
Nhưng cách tổ chức học tập này được ứng dụng mạnh mẽ và quy mô nhất khi học sinh phổ thông cả nước nghỉ đến trường để phòng chống dịch Covid-19, giúp học sinh không gián đoạn kiến thức, đồng thời tăng cường mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, học qua trực tuyến hay truyền hình thì không đơn thuần chỉ là đưa 1 bài giảng dựng sẵn rồi phát lại. (Ảnh minh họa: Thùy Linh) |
Để việc triển khai dạy và học từ xa đồng bộ và hiệu quả, tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tăng cường hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục gắn với hoạt động dạy học theo hình thức từ xa đảm bảo nền nếp và chất lượng.
Trong đó, cần làm rõ những nội dung có thể dạy học từ xa, phương thức triển khai cho từng nhóm đối tượng, đặc biệt phải tính đến học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để các em không bị thiệt thòi.
Trong quá trình triển khai dạy học trực tuyến, dạy qua truyền hình, theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo nhiều trường phổ thông cho rằng, Bộ nên có nguồn cơ sở dữ liệu là hệ thống các bài giảng chung để các trường được sử dụng miễn phí chứ nếu để mỗi trường tự xây dựng một nguồn cơ sở dữ liệu thì vừa tốn thời gian lại tốn nhiều về tiền bạc.
Xây dựng chủ đề dạy học online thế nào cho hiệu quả? |
Tuy nhiên, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đặt vấn đề này với ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) rằng về lâu dài, để dự phòng cho các tình huống học sinh phải nghỉ học kéo dài, Bộ có kế hoạch nào về việc xây dựng hệ thống các bài giảng dựng sẵn, phù hợp với chương trình giáo dục quốc gia cho các cấp học, loại hình đào tạo để giảng dạy không thì được ông Thành cho biết:
“Bộ không làm thay việc của các nhà trường bởi lẽ học qua trực tuyến hay truyền hình thì không đơn thuần chỉ là đưa 1 bài giảng dựng sẵn rồi phát lại, do đó Bộ chỉ đạo địa phương, nhà trường chủ động xây dựng bài giảng.”
Ông Thành nói thêm, quan điểm phát triển học sinh là phải tổ chức cho học sinh hoạt động và tự lực chiếm lĩnh kiến thức chứ không phải học thuộc lòng do đó việc yêu cầu nhà trường, địa phương tự xây dựng nguồn học liệu phong phú rồi điện tử hóa được sẽ trở thành phương tiện hỗ trợ việc học cho các em tốt nhất cùng với sách giáo khoa mà học trò có trong tay.
Và khi có nguồn học liệu phong phú rồi thì việc tổ chức dạy học trên mạng, truyền hình đòi hòi người giáo viên vẫn phải tổ chức kịch bản dạy học cho học sinh và sử dụng các nguồn tư liệu đó một cách linh hoạt.
Ngoài ra, ông Thành cũng nhấn mạnh, nếu chọn 1 giáo sư giỏi dạy rồi phát sóng cho toàn quốc thì cần gì đến hệ thống thầy cô do đó giáo viên, nhà trường phải tự chuẩn bị nguồn học liệu để tổ chức dạy học và để các em có tư liệu tham khảo trong quá trình học tập và chiếm lĩnh kiến thức.