Dự án chung cư FLC Landmark Tower ở khu đất số 9 đường Lê Đức Thọ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư đã nhanh chóng "hết hàng".
Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, nguyên nhân chính khiến chung cư FLC Landmark Tower "sốt" hàng là do chiến dịch "đánh bóng" của FLC đã gặt hái được thành công.
Chủ đầu tư là Tập đoàn ELC tự ý cơ nới thêm căn hộ tầng thứ 31, các cư dân ở đây đối diện với nguy cơ sẽ không được Nhà nước cấp giấy chứng nhận. |
Theo giấy phép xây dựng tòa nhà này có 2 hầm để xe; 5 tầng văn phòng và 25 tầng căn hộ. Tuy nhiên, hiện cư dân ở đây phát hiện những điều bất thường khi chủ đầu tư tự ý thay đổi công năng, chia thêm nhiều căn hộ để bán.
Theo bảng danh sách được công khai dán ở Tòa nhà A, khác với tất cả các tầng khác được ký hiệu bằng số tầng cùng với mã số căn thì hai tầng trên cùng lại có ký hiệu là tầng 30 và tầng 30A.
Các căn hộ tầng thứ 31 tại Chung cư FLC Landmark Tower. |
Đi theo hệ thống thang máy, thang dừng lại ở tầng 30, còn các cư dân tầng 30A (tầng 31-PV) thì phải đi thang bộ. Theo tìm hiểu tại hiện trường của PV thì tầng 31 chính là khu vực cơi nới không nằm trong giấy phép xây dựng (hiện có 18 căn hộ với diện tích mỗi căn từ 50 đến 83m2).
Các căn hộ không có ban công nhưng ở giữa ngay lối cầu thang có sảnh khá rộng vẫn được dùng làm sân chơi. Hiện nay, rất nhiều căn hộ đã có cư dân dọn đến ở. Một khách hàng ở đây tiết lộ, mặc dù xây dựng trái phép nhưng họ phải mua với giá bình quân từ 18 - 20 triệu đồng/m2.
Tầng 31 nhưng Chủ đầu tư "lách" bằng cách ghi là 30A. |
“Ngoài giá rẻ hơn so căn hộ thông thường, các hộ dân sống tại tầng 31 cũng được hưởng mức phí thấp. Mức phí đang được chủ đầu tư áp dụng tại các tầng 31 là 5.000 đồng/m2 thay vì 7.000 đồng/m2 như các tầng khác”, một cư dân cho biết.
Không chỉ cơi nới căn hộ mà ngay cả khu vực khối văn phòng cho thuê chủ đầu tư cũng tự ý "đẻ" thêm tầng.
Theo giấy phép khu nhà có 5 tầng văn phòng nhưng điều lạ là thang máy không chỉ dừng lại ở tầng 5 mà còn cho phép lên đến tầng 6, nhưng được gọi là tầng 5B.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tầng 5B này có cơ sở vật chất, chiều cao cũng như các chỉ số không khác gì so với các tầng khác.
Theo bảng sơ đồ chú thích, tầng này gồm 6 phòng được sử dụng làm nhà hàng, quán café và hơn một nửa diện tích được sử dụng làm văn phòng của Cty HANIC, FLC Travel, FLC Property Trading Center, FLC cung ứng nhân lực và XKLĐ…
Mặc dù có không gian thoáng đãng nhưng các cư dân ở tầng 31 phải đối diện với việc cơ quan chức năng sẽ tổ chức "cắt gọt". |
Theo giấy phép xây dựng FLC Landmark Tower chỉ có 5 tầng dùng để làm văn phòng cho thuê. Vậy việc xuất hiện và tồn tại tầng 6 này cơ quan chức năng có biết không?
Phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 2 thì được biết, ông vẫn chưa nhận được thông tin về sự việc này và sẽ liên hệ cùng chủ đầu tư để nắm tình hình, đồng thời yêu cầu Tổ TTXD lập hồ sơ vụ việc.
Liên hệ cùng đại diện Thanh tra Sở Xây dựng TP. Hà Nội thì phóng viên cũng nhận được thông tin là cơ quan này cũng đang tiếp cận hồ sơ và sẽ trả lời báo chí sau.
Tuy nhiên, điều ít được đề cập nhất trong các thương vụ này là mọi "rủi ro" về mặt pháp lý (cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu) sẽ đổ lên đầu người đang sở hữu căn hộ.
Bởi, theo các chuyên gia bất động sản thì chắc chắn các giao dịch tại những tầng không phép sẽ không được Nhà nước công nhận.
Đề nghị UBND TP.Hà Nội sớm chỉ đạo cơ quan chức năng thanh kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh vấn đề trên.