Luật sư Lưu Văn Tám – Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ký thông báo số 43 về việc giải quyết khiếu nại của gia đình ông Châu Văn Sáu (quận 9, TP.Hồ Chí Minh, gia đình có 4 liệt sỹ) về những vi phạm đạo đức nghề nghiệp của luật sư Lê Văn Hiền.
Theo đó, vào ngày 2/4/2016, ban chủ nhiệm Đoàn luật sư của tỉnh đã họp để xem xét, giải quyết các khiếu nại của gia đình ông Sáu về những sai phạm của luật sư Hiền.
Sau khi xem xét các tài liệu, hồ sơ khiếu nại, báo cáo kết quả giải quyết đơn khiếu nại của hội đồng khen thưởng kỷ luật trực thuộc Đoàn, ban chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh đã khẳng định, luật sư Lê Văn Hiền đã có nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý với gia đình ông Sáu.
Trong đó, văn phòng và chi nhánh văn phòng luật sư Sài Gòn Phạm Duy đã chấm dứt hoạt động kể từ ngày 31/12/2014. Vì vậy. mọi hoạt động của luật sư Lê Văn Hiền nhân danh tổ chức hành nghề luật sư (văn phòng và chi nhánh văn phòng luật sư Sài Gòn Phạm Duy) là trái với các quy định của pháp luật.
Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong một lần tiếp khách (ảnh minh họa: website Bộ Tư Pháp) |
Tuy nhiên, xét thấy luật sư Lê Văn Hiền vẫn lấy danh nghĩa, tư cách là Trưởng văn phòng và Trưởng chi nhánh văn phòng luật sư Sài Gòn Phạm Duy để trao đổi, thỏa thuận, cam kết, giải quyết công việc với khách hàng là có dấu hiệu vi phạm các quy định về tổ chức hành nghề luật sư của luật Luật sư 2012.
Nhận xong trăm triệu tiền dịch vụ, luật sư bỏ rơi gia đình liệt sỹ |
Theo đúng quy định, trước khi chấm dứt hoạt động, chi nhánh văn phòng luật sư Sài Gòn Phạm Duy phải nộp đủ số thuế còn nợ, trong đó có cả số thuế khi ký các hợp đồng dịch vụ pháp lý với ông Châu Văn Sáu.
Hồ sơ thể hiện, khi ông Châu Văn Sáu thanh toán các khoản thù lao cho chi nhánh văn phòng luật sư Sài Gòn Phạm Duy là 250 triệu đồng, nhưng luật sư Hiền lại viết bằng 4 phiếu thu nội bộ, chứ không phải là hóa đơn tài chính, hay hóa đơn giá trị gia tăng tự in.
Cho đến nay, chi nhánh văn phòng luật sư Sài Gòn Phạm Duy chưa cung cấp được hồ sơ, tài liệu thể hiện đã nộp số thuế phát sinh từ khoản thu này, trước khi chấm dứt hoạt động, có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 2 – điều 47 của luật Luật sư năm 2012.
Theo đúng quy định, trước khi chấm dứt hoạt động, chi nhánh văn phòng luật sư Sài Gòn Phạm Duy phải thực hiện xong các hợp động dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng.
Trong trường hợp không thể thực hiện xong các hợp đồng dịch vụ này, thì cần phải thỏa thuận với khách hàng về việc thực hiện các hợp đồng dịch vụ pháp lý đó. Cả 3 hợp đồng dịch vụ pháp lý mà chi nhánh này ký với gia đình ông Sáu, trước khi chấm dứt hoạt động thì các hợp đồng này vẫn còn giá trị hiệu lực.
Thế nhưng, luật sư Lê Văn Hiền lại không thỏa thuận với gia đình ông Sáu về việc thực hiện các hợp đồng dịch vụ pháp lý đó, trước khi làm thủ tục chấm dứt hoạt động chi nhánh văn phòng luật sư Sài Gòn Phạm Duy.
Trong quá trình thực hiện các hợp đồng dịch vụ này, luật sư Hiền không chủ động, tích cực giải quyết vụ việc cho khách hàng, không thông báo tiến trình giải quyết vụ việc để khách hàng biết là đã vi phạm vào quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam, để thực hiện vụ việc của khách hàng.
Khi thực hiện hợp đồng thì đã xảy ra tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, luật sư Lê Văn Hiền khi tiếp nhận yêu cầu của khách hàng, chưa có thái độ ôn hòa, nhã nhặn, chưa chủ động gặp khách hàng để thương lượng, hòa giải.
Thể hiện trong việc này là luật sư Hiền đã tìm đủ mọi lý do để không phải gặp khách hàng, không nghe điện thoại, không trả lời tin nhắn, hay cũng không trả lời các khiếu nại của khách hàng bằng văn bản, là đã vi phạm vào quy tắc số 13 của quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp.
Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã quyết định, sẽ tiến hành các thủ tục để xem xét, kỷ luật đối với luật sư Lê Văn Hiền, do đã có những hành vi sai phạm dựa theo quy định của luật Luật sư, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp.