Câu chuyện thi thăng hạng luôn được giáo viên đặc biệt quan tâm vì liên quan trực tiếp đến chính sách tiền lương của nhà giáo.
Lễ khai mạc Kỳ thi thăng hạng viên chức hành chính năm 2018 tại Kiên Giang (Ảnh kgc.edu.vn) |
Ví như, chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 (từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89);
Sau khi được xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II thì được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98).
Mặc dù hiện nay, không có bất cứ một quy định nào bắt buộc giáo viên phải tham gia học, đăng ký dự thi hay xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Thế nhưng, hầu như tất cả giáo viên đều khao khát được thăng hạng mỗi khi có cơ hội.
Hiện nay, việc thi hay xét thăng hạng phụ thuộc vào từng địa phương áp dụng. Có nơi tổ chức thi nhưng có nơi giáo viên chỉ việc làm hồ sơ để xét.
Nếu tổ chức xét thăng hạng là niềm vui vô bờ bến đối với các nhà giáo. Tổ chức thi thăng hạng lại vô cùng bất lợi vì áp lực đủ đường vây quanh.
Thầy cô giáo nào chẳng ước mong địa phương tổ chức xét thế nhưng phần đông những mong ước ấy không được chấp thuận.
Vì sao ư? Vì xét có lợi cho giáo viên nhưng thi lại có lợi cho nhiều cấp quản lý
Vì sao chúng tôi lại nói như vậy? Vì thực tế những gì đang diễn ra xung quanh việc tổ chức thi thăng hạng cho giáo viên ở nhiều địa phương vài năm trở lại đây.
Nếu xét thăng hạng
Xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ thông qua việc xét và chấm điểm hồ sơ theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên đã đăng ký dự xét.
Giáo viên mầm non, tiểu học hạng III dự xét thăng hạng lên hạng II; giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông hạng II dự xét thăng hạng lên hạng I khi điểm hồ sơ đạt 100 điểm thì được tham gia sát hạch.
Việc sát hạch được thực hiện thông qua các hình thức làm bài khảo sát hoặc phỏng vấn.
+ Bài khảo sát được thực hiện thông qua làm bài viết hoặc trắc nghiệm; thời lượng làm bài khảo sát không quá 45 phút; nội dung khảo sát liên quan đến nhiệm vụ của nhà giáo quy định tại tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp (theo từng hạng chức danh của mỗi cấp học);
+ Phỏng vấn: Việc phỏng vấn được thực hiện trực tiếp đối với từng người; thời lượng phỏng vấn 01 (một) người không quá 15 (mười lăm) phút; nội dung phỏng vấn liên quan đến nhiệm vụ của nhà giáo quy định tại tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên ở mỗi cấp học.
Nếu xét như thế, chắc chắn giáo viên sẽ không có người rớt vì ngoài điểm yếu về ngoại ngữ, nhiều thầy cô giáo rất chịu khó đầu tư cho việc tìm hiểu, việc học để nắm chắc nhiệm vụ của nhà giáo quy định tại tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên ở mỗi cấp học.
Nếu thi thăng hạng
|
Hàng ngàn giáo viên phải ôn thi và đương nhiên phải nộp tiền lệ phí thi, tiền mua tài liệu.
Chỉ tính riêng kỳ thi thăng hạng của một tỉnh với hàng ngàn giáo viên thì các khoản tiền thu về cho mỗi đợt gần cả tỉ đồng.
Đó là chưa nói đến việc giáo viên phải mất vài triệu học chứng chỉ thăng hạng trước đó.
Một cán bộ phòng giáo dục tại một tỉnh miền Tây tiết lộ, tiền hoa hồng các cơ sở tổ chức giảng dạy các chứng chỉ (để giáo viên đủ điều kiện dự thi thăng hạng) trích lại cho mỗi phòng giáo dục khoảng 25-30% (chỉ tiếc rằng đến phút chót, vì lý do gì đó vị cán bộ ấy đã không dám chuyển bằng chứng mà mình có cho chúng tôi như đã hứa).
Nói thế để thấy được, số tiền nhận được từ việc mở lớp, chiêu sinh học viên học và thi thăng hạng mà phòng hoặc sở giáo dục nhận lại là không hề nhỏ.
Món lợi béo bở thế, ai đủ can đảm từ bỏ? Phải chăng vì những lý do này mà nhiều địa phương cứ thích tổ chức thi thăng hạng cho giáo viên hơn là tổ chức xét?
Giáo viên sợ thi chỉ vì vốn Anh văn không có
|
Những giáo viên thế hệ 6x, 7x làm gì được học ngoại ngữ như bây giờ? Từ thời còn đi học, nhà trường không dạy, ra nghề cũng chẳng bao giờ cần tới nên không ai lo học để trang bị vốn ngoại ngữ cho mình.
Thầy cô mẫu giáo suốt ngày chỉ lo học trò ăn ngon, ăn đủ, ngủ đúng giấc, vui vẻ hát ca và khỏe mạnh.
Giáo viên tiểu học lại lo học sinh đọc thông viết thạo, biết tính toán phù hợp với trình độ mỗi khối lớp, biết một số kĩ năng sống để tự bảo vệ mình…
Giáo viên không biết Anh văn cũng thế, biết cũng chẳng để làm gì. Hơn nữa, người biết mà quanh năm không sử dụng đến cũng mai một dần đi. Nay buộc thi thăng hạng bằng môn Anh văn, thời lượng ôn thi 2 ngày cho 3 môn thi.
Nhiều giáo viên khẳng định: “Có tài thánh” hay “ba đầu sáu tay” cũng khó mà qua nổi”.
Sao không thể tập trung thi môn chuyên ngành?
Anh văn sẽ không cần đối với nhiều thầy cô giáo nhưng về chuyên môn nghiệp vụ sư phạm lại vô cùng cần thiết.
Bởi thế, có thể miễn giảm cho những giáo viên thời 6x, 7x không phải thi ngoại ngữ nhưng về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng đứng lớp cần tổ chức thi thật nghiêm túc.
Có thế, giáo viên đỗ cũng hoàn toàn xứng đáng mà rớt cũng chẳng thể ca thán gì.