Thầy giáo được xã hội tôn trọng bởi đức độ và sự uyên thâm. Ngày xưa “tầm sư học đạo” tức chọn thầy để theo học, nên “thầy nào trò nấy”. Người thầy vĩ đại, với những tư tưởng lớn thường tạo ra những lớp học-trò-hơn-thầy. Nhưng đúng hơn đó là tư tưởng của thầy tiếp tục được lan rộng và thấm sâu. Giá trị của sự học không chỉ có ở những kiến thức mà còn ở đức độ và tư tưởng, được truyền từ người thầy và tạo nên động lực để học trò không ngừng học và ngày càng sáng hơn.
Ngày nay, dân số tăng, thông tin nhiều, nhu cầu học tập của xã hội lớn và đội ngũ giáo viên cũng ngày càng đông. Nhìn chung, “chuẩn giáo viên” ngày càng đòi hỏi cao, nhất là yêu cầu về bằng cấp. Các trường đào tạo giáo viên chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện nghiệp vụ, tăng cường kĩ năng nghiên cứu … Nhưng giáo viên “thế hệ mới” không nhiều “năng lượng” như trước đây. Chính điều đó làm cho sức mạnh của giáo dục đã vơi đi phần nào.
Trước đây, người thầy được trọng vọng, bởi người thầy luôn thật sự mẫu mực. Ngược lại, chính vì được trọng vọng, nên người thầy có động lực dưỡng bồi đạo đức, tôi rèn nhân cách và kiến thức. Mặt khác, học trò trước đây được đi học là hãnh diện; bị thầy phê bình là hình phạt, nên nỗ lực không ngừng trong học tập và khi được truyền cảm hứng từ thầy thì kết quả chính là sự cộng hưởng.
Ngày nay, điều đáng mừng là xã hội đã nỗ lực để ai cũng được đến trường. Trường lớp cũng được quan tâm đầu tư ngày càng tốt hơn. Nhưng tiếc là chưa có sự đồng điệu nhận thức về giáo dục, nên rất khó có sự cộng hưởng. Và không nhiều giáo viên thật sự là người truyền cảm hứng, mà thậm chí đôi khi hoạt động dạy-học diễn ra nhưng không phải là giáo dục.
Quan niệm giáo dục là dịch vụ, nên quan hệ cung-cầu cũng xuất hiện. “Thành tích” học tập, kết quả thi cử đôi khi được “giao dịch” và thoả thuận... Và để đáp ứng sự hài lòng của “thượng đế” thì giáo dục cũng bị “biến dạng” theo.
Khi giáo dục không còn đặt trên nền của văn hoá và đạo đức, thì luật pháp, hành chính phải can thiệp bằng các tiêu chuẩn, quy định, quy trình, giấy phép, bằng cấp, chứng chỉ… Rồi đặt ra các thước đo để lượng hoá kết quả. Và tưởng như khi làm tốt công tác quản lí thì sẽ giải được “bài toán” giáo dục. Nhưng thực tiễn cho thấy, giáo dục và quản lí giáo dục cần hành lang pháp lí, chứ không thể trông cậy công cụ hành chính để đổi mới căn bản và toàn diện.
Càng nhiều quy định, tiêu chuẩn, thủ tục,… thì càng phải có sự chấp hành, tuân thủ, rập khuôn, đối phó,… đồng nghĩa với việc giết chết sự sáng tạo và tinh thần giáo dục.
Phó Giáo sư Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng. Ảnh: An Nguyên |
Ngay nay, công nghệ phát triển mạnh mẽ. Và nếu không cần sự sáng tạo và thấu cảm của người thầy, thì người máy sẽ thay thế thực hiện công việc “dạy-học” hiệu quả hơn. Bởi vì người máy với trí tuệ nhân tạo thực thi công việc theo quy trình, khuôn mẫu cũng như cung cấp thông tin, xử lí dữ liệu nhanh hơn!
Mặt khác, ngay trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID, dạy học online trở nên phổ biến, các diễn đàn online kết nối mạnh,… đã hình thành một trào lưu “khởi nghiệp giáo dục”. Bên cạnh những tín hiệu tích cực, sáng tạo và trách nhiệm thì cũng đã hình thành các “nhà đầu tư” với mô hình “đa cấp” trong giáo dục.
Những hiện tượng như thế đã diễn ra dù chưa phổ biến nhưng thật sự rất cần có hành lang pháp lí để điều chỉnh và cần có các công cụ hành chính và kể cả hình sự để can thiệp, để giáo dục thực thi đúng sứ mệnh. Nhưng ngược lại, các hoạt động dạy và học trong nhà trường thì rất cần sử dụng các công cụ giáo dục để làm giáo dục. Đừng hành chính hoá giáo dục để triệt tiêu tính sáng tạo và cảm hứng trong dạy-học!
Xã hội ngày nay có nhiều thay đổi đáng kể và tất nhiên giáo dục cũng không tránh khỏi bị tác động. Quan trọng là nên thay đổi cái gì và phải giữ lại cái gì? Rất cần nghiên cứu kĩ và tiếp cận vấn đề một cách khoa học.
Tuy nhiên, thiết nghĩ, mỗi khi giáo viên còn quá nhiều lo sợ và áp lực trong dạy-học thì không thể có một môi trường giáo dục đúng nghĩa của nó. Nếu dạy học trong sự lo lắng sợ thiếu tiết, sợ bị quay phim cắt-ghép, sợ bị phản ánh; lo thành tích không đạt và nhiều thứ khác,… và khi mọi gánh nặng đè lên vai thì giáo viên phải cố làm “tròn vai” với các gạch đầu dòng về chức trách và nhiệm vụ. Trong khi dạy học chỉ để làm tròn vai như vậy thì quả là đã sai với sứ mệnh làm thầy! Khi đó người “nghệ sĩ tâm hồn” sẽ không còn nữa mà thay vào đó là một người-máy-dạy!
Nguồn cảm hứng giúp cho nghệ thuật thăng hoa và khoa học phát triển. Và khi nói đến vai trò của người thầy, nhà văn William A. Warrd (Người Mỹ) cho rằng “Người thầy trung bình chỉ biết nói. Người thầy giỏi chỉ biết giải thích. Người thầy xuất chúng biết minh họa. Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”.
Xã hội không ngừng biến động và phát triển. Tương lai luôn bất định và khó lường. Giáo dục góp phần khai tâm và khai trí để xây dựng con người tự do. Khi người học được khai phóng sẽ thấu hiểu và biết cần làm gì để sống và cống hiến. Để giáo dục thực sự có sức mạnh, rất cần những người thầy truyền cảm hứng. Và để có được nhiều người thầy truyền cảm hứng thì xin đừng khuôn mẫu… để thầy cô thật sự hạnh phúc với nghề!