LTS: Chuyện tiền trường luôn trở nên nóng mỗi dịp đầu năm học mới. Gần đây, tiền bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên đã gây xáo trộn xã hội.
Vấn đề này được thầy Nguyễn Văn Lự nhìn nhận như sau:
Ở Việt Nam, Y tế và Giáo dục luôn là đề tài luôn nóng nhất. Các tranh luận giữa hai bên: số ít người, đại diện cho tổ chức, cá nhân có quyền lực và số nhiều người, đại diện cho phía lợi ích bị ảnh hưởng. Đã bao giờ các vị quan chức đứng sang phía nhiều người để cảm nhận về mình từ bên ấy?
Nghìn lẻ một chuyện y tế -giáo dục
Đã đành, chuyện trời đất theo mùa và chuyện đời cũng theo mùa, giá cả theo mùa tăng mãi, nên chuyện học của các con cũng theo mùa.
Tháng mùa tựu trường, hàng chục triệu gia đình- phía nhiều người- sôi sục còn hơn "chứng khoán tuyển sinh 2015".
Người ta mừng bao nhiêu khi con khôn lớn vào lớp mới; người ta hạnh phúc bao nhiêu khi con trở về vui nhiều hơn lo bài vở thì lo ngay ngáy bấy nhiêu khi nghĩ đến tài chính đầu năm học.
Xã hội hóa giáo dục là chủ trương hợp lòng dân. Nhưng vì sao nhiều người không đồng tình và hoài nghi với chủ trương xét về lý luận và thực tiễn, về ích lợi trước mắt và lâu dài đều hấp dẫn đó?
Đành rằng Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng chi tiền cùng hưởng nhưng bây giờ có thứ Nhà nước chi rồi mà dân vẫn bỏ tiền lần nữa. Vấn đề là chỗ nhạy cảm đó.
Ngân sách Nhà nước hàng năm đầu tư rất lớn cho xây dựng cơ bản, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị nhưng nay nhiều trường, kể cả đạt chuẩn quốc gia (tiêu chí cơ sở vật chất đạt chuẩn thì mới được công nhận) vẫn thu khoản tiền hỗ trợ cơ sở vật chất hàng trăm ngàn.
Học sinh vào trường đầu cấp nộp khoản mua bàn ghế mới, đồ dùng mới trong khi cái cũ vẫn dùng tốt.
Có những trường cuối năm tài chính còn dư vài trăm triệu đồng không giải ngân được nhưng chưa có đơn vị nào, cơ quan chủ quản nào yêu cầu dừng thu tiền hỗ trợ cơ sở vật chất hàng năm (tất nhiên, ở đây không bàn đến đối tượng hưởng chính sách miễn, giảm).
Các mục khoản phục vụ học sinh hầu hết đều chính đáng, minh bạch: tiền nước, tiền điện, mua máy lạnh, tiền gửi xe (nếu có), tiền thuê lao công, bảo vệ...
Nhưng việc thiết yếu và phù hợp với nhu cầu và tài chính của phần đông gia đình (như trường tư thục, bán trú) nhưng có những hạng mục chưa thật cần thiết trong điều kiện vùng miền cũng được các nhà trường gợi ra để huy động tiền bạc mua sắm.
Người ta hạnh phúc bao nhiêu khi con trở về vui nhiều hơn lo bài vở thì lo ngay ngáy bấy nhiêu khi nghĩ đến tài chính đầu năm học (Ảnh: tuoitre.vn) |
Một số ít Sở giáo dục và đào tạo (tính đến ngày 17/9/2015) đã mạnh tay chống lạm thu, buộc Nhà trường trả lại phụ huynh là tin rất mừng.
Có người nêu vấn đề: họp phụ huynh chỉ để nộp tiền là hiểu và nói liều. Dân chủ thảo luận góp ý cho kế hoạch giáo dục và kể cả phản đối nếu khoản tiền nào vô lý là trách nhiệm và quyền của phụ huynh.
Nhưng các bậc phụ huynh Việt ta phần lớn rất ngại phản đối vì sợ "nhỡ ra có chuyện gì" nên nộp thì tấm tức không nộp thì con khóc. Ví như, tiền may đồng phục với giá cao hơn nhiều bên ngoài; tiền tin nhắn điện tử edu đắt gấp chục lần (20.000đ/ tháng/ học sinh), tiền mua bảo hiểm tự nguyện thành bắt buộc...
Người dân nộp cho con vài triệu đến chục triệu với phần đông phụ huynh thu nhập dưới 5 triệu/ tháng. Họ lấy gì cho gia đình sinh sống trong tháng 9 không thể ăn chay ngày nào?
Người Việt làm kinh doanh đã thừa nhận "không có thị trường nào tốt hơn nhà trường, dù có chi 1/3 hoa hồng nhưng thu về doanh số lớn và nhanh và kiểu gì cũng bán được. Mảnh đất màu mỡ là của bạn đấy!".
Nhà trường nào, người quản lý và chủ nhiệm lớp nào cũng mơ ước "thu gọn, thu róc, thu đủ" ngay trong tháng 10 để quyết toán dứt điểm.
Khi còn làm chủ nhiệm lớp, tôi thường hẹn rồi lỡ hẹn thu tiền nhưng chỉ gặp riêng, tuyệt đối không nhắc tên em nào trước lớp.
Học sinh chia sẻ: "Em quá nhục và xấu hổ vì bố mẹ không cho tiền nộp", có khi cô cho về nhà lấy khi cha mẹ đang đi làm, em ngồi quán cho đến hết giờ về"... Yêu cầu nộp xong vào 1-2 ngày cũng là chuyện buồn về các thầy cô khi chưa đứng về phía nhiều gia đình khó khăn thật.
Ngày 15/9/2015, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 4660 có thể làm mất lòng người khác nhưng giúp cho nhiều gia đình giữ lại cho con hàng tháng tiền ăn.
Điều phụ huynh nghĩ: tiền bảo hiểm tự nguyện nộp xong rồi có lấy lại được không khi Bộ GD&ĐT ghi rõ trong mục 3: “Các cơ sở giáo dục, đào tạo không tổ chức thu các khoản bảo hiểm tự nguyện của học sinh?”
Xin hãy đứng sang bên nhiều người
Người Việt quen nhận thông tin và hiểu thông tin theo cách: "biết rồi, nói mãi", theo công thức đối chiếu và so sánh với xung quanh và với chính mình. Rồi mọi thứ cứ trôi vào im lặng và thế là buông xuôi chấp nhận.
Giá sữa nguyên liệu nước ngoài rẻ quá nhưng chúng ta vẫn tăng giá đều; giá xăng lên, giá cước lên nhưng xăng giảm mà cước "chưa thể giảm kịp"; giá thực phẩm nhập khẩu hạ gục giá trong nước...
Chúng ta quen tính hết các loại chi phí vào giá thành sản phẩm và đặt lên vai người tiêu dùng. Điều nghịch lý lại chính là ông lớn, ông chủ- số ít, đã thò vào nặn hầu bao người bé - số nhiều - để rồi mang phần nhỏ làm từ thiện theo cách "hỗ trợ".
Lĩnh vực Giáo dục và Y tế cũng không ngoài cái lợi ích nhóm, lợi ích của số ít người. Vận động và qua Hội phụ huynh để các tổ chức, cá nhân đưa dịch vụ vào trường học vừa giúp học sinh, vừa đôi bên cùng "hoàn thành nhiệm vụ".
Mua bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc mỗi ngày chỉ 2.000đ/học sinh sẽ giúp bao nhiêu người lớn chữa bệnh nhưng ngay người lớn đến khám chữa bệnh cũng thấy tiếc cho đồng tiền mình bỏ ra mua.
Đâu chỉ phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm cũng khó mở lời với bao khoản phí(GDVN) - Nhiều thầy cô cứ đắn đo suy nghĩ khi phải nói thế nào để phụ huynh đồng tình ủng hộ khoản tiền mang tên phí tự nguyện mà trước đây gọi là hội phí? |
Chuyện thờ ơ với bệnh nhân BHYT, chuyện thuốc BHYT không thể rẻ hơn nữa, không thể ít hơn, ai cũng hiểu.
Bệnh gì cũng chiếu chụp, soi và xét nghiệm (nhiều mục không cần thiết và lần trước xét nghiệm rồi).
"Một thực tế đang tồn tại là có nhiều bệnh viện thực hiện xã hội hóa còn tình trạng chỉ định xét nghiệm quá mức và có đến 80% xã hội hóa y tế chi cho dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán" (theo ông Phạm Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, báo Tiềnphong.online, ngày 17/9/2015).
Vậy số còn lại, chưa tính rơi rụng, làm sao người mua BHYTđược chăm sóc và chữa trị hiệu quả và có thuốc đúng với bệnh? (Thuốc tốt, giá cao ra quầy bên ngoài theo đơn).
Nếu theo lý giải của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Nguyễn Thị Minh, mức thu 4,5% là còn thấp so với khu vực và chưa đủ để làm thay đổi chất lượng phục vụ...Và do thầy cô và nhà trường chưa làm tốt việc tuyên truyền để "dân phải đóng một đồng cũng kêu" là chưa thỏa đáng.
Tới đây, dù phí dịch vụ có tăng lên mấy lần, nếu các quan chức ngành không có biện pháp hiệu quả thì cũng giống như giáo dục, sẽ "không thấy thay đổi gì lắm".
Phụ huynh sẽ đồng tình nhưng sự lãng phí và tham nhũng vặt kiểu "nhân bản xét nghiệm" có lẽ đã làm mất niềm tin của số đông người dân vào những dịch vụ được nhà nước bảo hộ.
Nhiều người có thẻ BHYT đã khám tư mà không dám vào bệnh viện công hoặc cho con học trường tư thục là vì những lý do chính đáng chứ chưa chắc họ không hiểu biết gì.
Và nếu các vị vi hành xuống bệnh viện không ai biết mình có chức sắc để được phục vụ; nếu các vị đến trường học mà mấy năm con mình học vẫn không thấy khác mấy; nếu các vị phải rút tiền lương tháng từ ATM cho con nộp học: nếu các vị gọi thương lái tới chở thứ gì trong nhà ra cổng để sớm mai con vui vẻ tới viện, tới trường.
Bước đứng sang bên nhiều người, các quý vị, xin mời?