Đâu chỉ phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm cũng khó mở lời với bao khoản phí

13/09/2015 05:00
Phan Tuyết
(GDVN) - Nhiều thầy cô cứ đắn đo suy nghĩ khi phải nói thế nào để phụ huynh đồng tình ủng hộ khoản tiền mang tên phí tự nguyện mà trước đây gọi là hội phí?

LTS: Những câu chuyện thường kỳ phản ánh về mối quan hệ phụ huynh - nhà trường trong dịp đầu năm học mới, nay Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của cô giáo Phan Tuyết nói về nỗi lòng của giáo viên trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học.

Hóa ra, nhiệm vụ của cô, đâu chỉ có phổ biến việc dạy và học, việc kết hợp giữa nhà trường và gia đình...

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 


Từ phòng họp hội đồng chuẩn bị nội dung cho cuộc họp cha mẹ học sinh lớp vào ngày mai, tất cả các thầy cô giáo trường tôi đều mang tâm trạng nặng trĩu, buồn và ưu tư. 

Ai cũng băn khoăn việc phụ huynh phải đóng quá nhiều tiền vào đầu mỗi năm học.

Ngoài các khoản tiền phụ huynh bắt buộc phải đóng cho  các em theo quy định như tiền bảo hiểm y tế và tai nạn, tiền ấn phẩm, ghế ngồi chào cờ (với học sinh đầu cấp), có trường thu thêm tiền nước uống, tiền vệ sinh…

Đâu chỉ phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm cũng khó mở lời với bao khoản phí ảnh 1
Nỗi lòng của giáo viên trong cuộc họp phụ huynh đầu năm (Ảnh: Giaoducthoidai.vn)

Nhiều thầy cô cứ đắn đo suy nghĩ khi phải nói thế nào để phụ huynh đồng tình ủng hộ khoản tiền mang tên phí tự nguyện mà trước đây gọi là hội phí?

Ủng hộ việc tu bổ cơ sở vật chất như phòng Tin học hay ủng hộ việc làm lồng đèn dự thi cấp phường sắp tới? 

Đang miên man trong dòng cảm xúc, cô Hiệu trưởng xuất hiện nói: “Để tránh gánh nặng cho phụ huynh đầu năm, đừng triển khai việc xin ủng hộ phòng Tin học cho học sinh khối 3,4,5”. 

Mặc dù chúng tôi biết, phần lớn máy móc phòng Tin học của nhà trường đã xuống cấp trầm trọng, để duy trì việc học tập cho các em học sinh nhà trường đã phải cố gắng rất nhiều. Nhưng kinh phí nhà trường có hạn, máy móc lại hư hỏng nhiều, vì thế việc tu sửa cũng chỉ cầm chừng.

Nghe Hiệu trưởng chỉ đạo, thế là bớt được một khoản lo, nhưng gánh nặng về việc vận động phụ huynh đóng tiền làm lồng đèn Trung thu dự thi theo kế hoạch của phường quả là mệt mỏi và áp lực. 

Hầu như tất cả các thầy cô ở các trường học đều không có hứng thú với hội thi lồng đèn khi phải bắt phụ huynh móc hầu bao trong lúc này.

Bởi ngay đầu năm học, phụ huynh đang phải gồng gánh biết bao thứ tiền cho con vào học, từ quần áo, giày dép, sách vở, bút viết đến tiền học phí, bảo hiểm, các khoản tiền ủng hộ…nay lại thêm tiền ủng hộ làm lồng đèn do phường tổ chức.

Chúng tôi không biết mình sẽ phải mở lời thế nào cho phụ huynh hiểu và thông cảm cho.
 
Để làm được chiếc lồng đèn đúng quy định của ban tổ chức, số tiền bỏ ra không phải là ít. Nếu tiết kiệm cũng phải mất vài triệu đồng một số tiền rất lớn khi hiệu quả mang lại chẳng đáng là bao. 

Nói là Trung thu cho các em, lễ hội rước đèn tổ chức cho các em vui chơi nhưng Công văn của phường đưa về mỗi trường chỉ được chọn 30 em đi rước đèn quanh phố. 30 em so với gần một ngàn học sinh của mỗi trường, con số chẳng cân xứng chút nào.

Một lễ hội rước đèn của một phường với 10 khu phố và 6 đơn vị trường học chí ít cũng tốn hơn 100 triệu đồng. Một số tiền quá lớn để đổi lấy vài tiếng đồng hồ dạo phố liệu có đáng không? 

Đâu chỉ phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm cũng khó mở lời với bao khoản phí ảnh 2

Muôn kiểu chèo đò, mấy ai hiểu nỗi nhọc nhằn của giáo viên chủ nhiệm

(GDVN) - “Trăm dâu đổ đầu tằm” là câu nói rất đúng khi liên hệ với vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp.


Trong khi đó, hàng năm nơi này, tỉ lệ học sinh THCS và THPT bỏ học do điều kiện kinh tế khó khăn không phải là ít. Số tiền này nếu được tiết kiệm để chi cho những trường hợp ấy có lẻ sẽ ý nghĩa hơn nhiều. 

Trẻ em đâu cần những lễ hội hoành tráng như thế mới vui.

Một chiếc đèn ông sao, một bị bánh kẹo, được xem hát, xem múa lân, nghe kể chuyện, có vẻ sẽ thú vị hơn nhiều việc phải đứng từ xa xem người lớn điều khiển lồng đèn chạy quanh, xem người lớn hoa chân múa tay thuyết trình mà những ngôn từ thường ở trên mây, rồi phải nghe người này phát biểu, người kia tung hô…

Trung thu ngày nay đang mất dần ý nghĩa bởi sự lãng phí, phô trương của người lớn.

Phan Tuyết