Xóm Đại học

24/08/2011 09:36
Cái tên ấy xuất xứ từ việc số lượng con, em trong xóm đỗ đại học, cao đẳng ngày càng nhiều.

 Từ nhiều năm nay, người ta quen gọi cái xóm Giữa, thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây này là "xóm đại học". Cái tên"xóm đại học"cũng trở thành niềm tự hào của người dân xóm Giữa.

Bơm, vá xe nuôi 4 con học đại học

Ông Kiều Văn Quang, Bí thư chi bộ thôn Đông Sàng - thương binh hạng 2/4 đi trước dẫn đường. Cái chân bị thương thẳng đơ như khúc gỗ làm cho bước chân người cựu chiến binh vô cùng khó nhọc. Trên khuôn mặt ông, mồ hôi tuôn đầm đìa.

Bản thân gia đình ông Quang cũng có 2 con đang học đại học. Đến một quán nhỏ bên đường, treo lủng lẳng mấy chiếc lốp xe đạp, chúng tôi gặp người đàn ông nhỏ thó, chân đất tay cầm chiếc quạt nan dõi theo một bé gái đang chạy đùa cùng bạn. "Ông Lê Thanh Bồng có 4 con học đại học đấy", ông Quang nói nhỏ.

Thấy khách, ông Bồng nhỏ nhẹ: "Mời hai chú vào nhà". Khoác vội chiếc áo, ông bê khay ấm chén đi vào nhà trong pha trà. Vừa tráng chén ông vừa phân trần, mất điện, nhà nóng quá đang đứng trông hai đứa cháu ngoại chạy ra đường cho đỡ nóng. Thế rồi câu chuyện đưa ông trở lại những năm tháng nhọc nhằn chạy ăn từng bữa vẫn quyết tâm cho con được đến giảng đường đại học.

Ngày ấy, ở quân ngũ trở về, ông tham gia vào tổ thương binh sửa chữa xe đạp trên mặt đường quốc lộ 32. Được một thời gian, do công việc ít, tổ sửa chữa giải tán, "mỗi người một gốc cây" tự kiếm sống. Đường 32 rải đá cấp phối, mỗi khi có xe chạy qua, cát bụi mù mịt.

Có người bạn cấp tướng trong quân đội một lần đi qua thấy ông sửa xe, có nhã ý sắp xếp một công việc ổn định hơn. Tuy nhiên, ông thấy việc phải xa nhà sẽ ảnh hưởng đến dạy dỗ con cái nên ông đành từ chối và lại tiếp tục với công việc bơm, vá hằng ngày. Cũng thời điểm này, bố ông đổ bệnh.

Thế là để tiện việc chăm sóc bố, cửa hàng sửa xe của ông được dịch chuyển từ mặt đường 32 về nhà sát với cổng xóm Giữa. Để động viên con và rèn luyện tính kiên trì, ông đặt chỉ tiêu mỗi ngày, sau giờ học, cậu cả Lê Anh Tuyến phải đóng 50 viên gạch xỉ bán lấy tiền cho việc học sau này.

Mục tiêu trên được Tuyến thực hiện ròng rã mấy năm trời, bất kể trời nắng, mưa. Số gạch sau đó được bán cho hàng xóm xây đủ một ngôi nhà.

Bởi ông cho rằng, đồng tiền phải do bàn tay, mồ hôi công sức các con bỏ ra thì mới biết quý trọng. Năm 1994, Tuyến thi đại học và đỗ cả 3 trường Bách khoa - Xây dựng và Luật. Việc cho con theo học đại học ở thành phố là một gánh nặng quá sức đối với một gia đình nông thôn với năm, sáu miệng ăn.

Ông bảo, đã có lúc tưởng không thể cho con theo học tiếp được bởi sức thì yếu mà việc học tốn quá nhiều. Một kỷ niệm ông không thể quên là lần xuống thăm con, trong túi cậu cả chỉ còn đúng hai ngàn đồng. Nếu bố không xuống, buổi tối không biết lấy gì ăn. Gặp nhau, hai bố con nước mắt vỡ òa.

Đi thuê trọ, do ít tiền nên các con ông chỉ dám thuê dưới đất chỉ hết một trăm ngàn đồng còn các tầng trên phải từ hai trăm ngàn trở lên. Tầng thấp thường ẩm thấp nhiều muỗi, dĩn nên có lần Quân, cậu con út của ông bị sốt xuất huyết.

Do không biết nên vẫn đi tắm. Cũng may ông Bồng chỉ lấy lá nhọ nồi giã lấy nước cho uống mà khỏi, hôm sau vẫn đi học được. Cứ như vậy, hết anh đến em, trong vòng 14 - 15 năm liên tục ông nuôi 4 con lần lượt học xong đại học.

Đến nay, cả 4 đều đã trưởng thành và có công việc ổn định. Khi được hỏi, nguyên nhân nào giúp ông trong hoàn cảnh khó khăn như vậy vẫn quyết tâm cho các con theo học đại học? Ông cười buồn, đôi mắt xa xăm, ông bảo nhờ một câu nói.

Ấy là thời điểm khi cùng trại an dưỡng, trong một lần tranh cãi, người bạn nói ông là "đồ vô học". Ông lặng người, ngỡ ngàng và tự nhủ phải quyết tâm cho các con học hành đến nơi đến chốn. Kể xong, ông vung chiếc quạt nan như muốn xua hết không khí oi bức của một ngày hè không có điện.

 Ảnh minh họa
Ông Kiều Văn Quang (trái) Bí thư chi bộ thôn Đông Sàng và ông Lê Văn Thảo,thương binh hạng 4/4, có 3 con học hết đại học.Ảnh: Đàm Quân

Làm giàu gia tài tri thức cho con

Cái ngõ nhỏ chạy thẳng vào xóm Giữa, hai bên, tường gạch, đá ong xây lâu năm bị mưa, nắng bào mòn. Nhiều đoạn tường như chỉ còn lõi của viên gạch mum múp như những viên sỏi cuội. Cuối ngõ, một ngôi nhà ngói, phía trước có vườn cây, cánh cổng khép hờ. "Nhà ông Lê Văn Thảo, Trưởng xóm Giữa đấy!", ông Quang giới thiệu.

Ông Thảo là thương binh hạng 4/4, cựu tù Côn Đảo có 3 con học đại học Quân sự và Tài chính. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Thảo kể, xóm Giữa có 22 hộ gia đìnhthì có 20 hộ có con em học đại học, đa số là các gia đình cán bộ, đảng viên, thương binh, hộ nghèo…

Đặc biệt có hộ gia đình bà Quách Thị Chúc hoàn cảnh rất khó khăn, chồng mất chỉ có hai mẹ con nhưng cháu Kiều Thị Hương vẫn đỗ Đại học Văn hóa. Trong xóm chỉ tính riêng số các cháu học cao đẳng và đại học là 47 không kể trung cấp. Hai con số 22 và 47 chẳng hề ăn nhập gì với nhau, nhưng lại là niềm tự hào của người dân xóm Giữa.

Ấy là việc cả xóm có 22 hộ dân thì có tới 47 cháu có trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học. Một con số không thể ấn tượng hơn! Trong số 4 người con của ông Thảo, ngoài một người chịu di chứng chất độc da cam từ ông nên sức khỏe yếu, không theo học được, 3 người còn lại đều học hết đại học.

Nhắc lại chuyện lo cho con đi học, giọng ông chợt chùng xuống. Rồi, những giọt nước mắt cứ tuôn dài trên đôi má đã nhuốm màu thời gian của người thương binh, cựu chiến binh, cựu tù Côn Đảo.

Ông bảo, sẽ chẳng bao giờ quên được cảnh khi các con đi học, mỗi tháng chỉ có thể chu cấp cho con được hai trăm ngàn tiền ăn, ngoài tiền đóng học phí. Thương con, nhưng nhà nghèo biết làm sao được.

Trong nhà, nhiều lúc thậm chí chỉ có tương ăn. Bản thân ông không thể ngờ là có thể vượt qua được khó khăn. Trong ông, chỉ đau đáu một điều bằng mọi cách phải để lại cho con một gia tài tri thức.

Theo ông, của cải cũng chỉ là con số không nếu người ta không có tri thức. Vì lẽ đó năm 1979 đang làm Chủ tịch công đoàn một Xí nghiệp Gạch ông nhất quyết xin về để có điều kiện dạy dỗ các con…

Về quê, ngoài làm ruộng, ông nhận nuôi thêm một con trâu để có thêm công điểm, nhưng thu nhập chính của ông là cắt tóc. Trước đây trong quân ngũ, trong tù do khéo tay, ông vẫn thường cắt tóc cho đồng đội. Khi trở lại cuộc sống đời thường, ông tiếp tục mang tài lẻ của mình làm kế sinh nhai.

Một bộ đồ nghề với tông đơ, kéo, gương, lược và chiếc ghế gấp, ông ngồi ngay đầu ngõ cắt tóc cho dân làng. Năm 1994, con trai đầu Lê Đức Thọ thi đại học đỗ hai trường.

Để giảm gánh nặng kinh tế, ông khuyên con chọn trường quân đội. Thương bố mẹ, Thọ chọn trường quân đội dù trong lòng không thật thoải mái. Liên tục trong 9 năm nuôi ba con học đại học lúc nào gia đình cũng trong cảnh thiếu ăn.

Để đủ trang trải, hai ông bà phải vay mượn anh em, nội ngoại. Quần áo của các con, ông nhớ là "không có khái niệm may mặc" mà chỉ tận dụng quần áo cũ của các cô, các chú cho. Ông bảo, việc mua sắm đối với các con là hoàn toàn loại trừ rồi.

Bởi cả nhà lo đủ ăn đã rất vất vả, lấy đâu ra tiền để đi mua sắm? Hầu như chẳng bao giờ các con ông bà được may quần áo mới. Để tránh cho con khỏi mặc cảm, mỗi khi các cô, các chú, các bác cho quần áo cũ, ông đều kín đáo cất đi rồi đưa cho các con sau.

Ông Thảo chiêm nghiệm một điều, con người ta cuối cùng còn lại chỉ là sợi dây tình cảm vàmột vốn tri thức. Trong ngục tù Côn Đảo, ông và các đồng đội thay thế nhau ai cũng là thầy và ai cũng là trò. Họ có đủ mọi thành phần công nhân, bộ đội, giáo viên, nhạc sĩ…

Mặc dù kẻ thù ra sức cấm đoán, nhưng những người bạn tù bằng mọi cách vẫn truyền thụ kiến thức cho nhau. Bản thân ông cũng đã học xong lớp Trung cấp Triết học trong môi trường nhà tù. Có lẽ sự quyết tâm học tập của ông trong điều kiện gian khổ như vậy chính là động lực để các con ông phấn đấu noi theo!