Mỗi tuần chỉ hỗ trợ được 2 bữa ăn bán trú
Từ Đồn Biên phòng Mỹ Lý chúng tôi phải ngược dòng sông Nậm Nơn hơn 1 tiếng đồng hồ bằng chiếc thuyền máy mới đến được Trường tiểu học Mỹ Lý 2.
Tiết trời cuối năm cùng với mưa phùn mùa đông càng khiến cho không khí thêm rét buốt. Đường từ trung tâm xã lên Trường Tiểu học Mỹ Lý có thể đi bằng cả đường bộ và đường thủy. Nhưng địa hình đồi núi hiểm trở nên đi lại bằng đường bộ rất khó khăn, chủ yếu chỉ đi bộ. Vì vậy đi thuyền là phương án nhanh nhất những cũng phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được điểm chính của Trường Tiểu học Mỹ Lý 2.
Hình ảnh những em học sinh Trường Tiểu học Mỹ Lý 2 đi học với cặp lồng nhựa đựng cơm trên tay đã quá quen thuộc với người dân nơi đây. Ảnh Xuân Hòa |
Trường Tiểu học Mỹ Lý 2 có 6 điểm trường gồm: 1 điểm trường chính và 5 điểm trường lẻ. Toàn trường này có 345 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Học sinh của trường chủ yếu là con em của đồng bào dân tộc Thái, Khơ – Mú và H’Mông. Điều kiện đồi núi hiểm trở nên nhiều bản làng nằm cách điểm trường chính gần 20km.
Địa hình hiểm trở đường đi lại khó khăn nên cuộc sống của người dân tại đây còn muôn vàn khó khăn. Do đó học sinh tại đây cũng đang thiếu thốn đủ bề. Nhờ sự giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm nên mấy năm trở lại đây học sinh nơi đây cũng đã có áo ấm mặc đến trường. Tuy nhiên, nhìn vào bữa ăn bán trú của các em chúng tôi không khỏi xót xa. Trong mỗi cặp lồng nhựa đựng cơm của các em chỉ thấy ít cơm đã nguội cứng và vài con cá suối, rau rừng.
Ngoài 2 bữa ăn bán trú được hỗ trợ từ Bộ GD&ĐT thì các bữa ăn khác của học sinh nơi đây chỉ có rau rừng, nhái rừng, cá suối mà bố mẹ các em đánh bắt được. Ảnh Xuân Hòa |
Theo thầy Nguyễn Văn Hải – Hiệu phó nhà trường cho biết:“Năm học vừa qua, được tài trợ từ Dự án hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số (Chương trình đảm bảo chất lượng trường học SEQAP-PV), cả trường có 102 em được thụ hưởng chương trình trên với mỗi bữa ăn như vậy mỗi em 1 suất cơm trị giá 15.000 đồng. Mỗi tuần mỗi em được hưởng thụ 2 bữa cơm trong chương trình. Ngoại trừ một số em gia đình có điều kiện hơn thì phần lớn các em còn phải ăn những bữa ăn bán trú nghèo nàn. Chỉ thỉnh thoảng bố mẹ bắt được cá suối hay dành dụm được vài quả trứng gà thì bữa ăn của các em có phần đầy đủ hơn…. Hầu hết gia đình các em là con em đồng bào còn khó khăn nên thức ăn chủ yếu là rau rừng hay nhái rừng, cá suối mà bố mẹ các em đánh bắt được”.
Để số tiền ít ỏi 15.000 đồng từ dự án nhưng các em vẫn có bữa ăn ngon, đủ chất các thầy, cô giáo ở tại Trường Tiểu học Mỹ Lý 2 lại phải tự cắt phiên đi chợ, mua và tự nấu cho các em không công. Thậm chí nhiều khi thầy, cô giáo còn phải hái rau mình tăng gia được để nấu cho các em ăn.
Thức ăn chủ yếu là rau rừng, nòng nọc
Nhìn vào cặp lồng nhựa của 1 em học sinh chúng tôi nhìn thấy một con nhái rừng (người dân nơi đây còn gọi là con nòng nọc - PV) và vài cọng rau rừng. Qua tìm hiểu được biết ngoài 2 bữa ăn được hỗ trợ thì hàng ngày thức ăn chủ yếu là cá khe suối, rau rừng và nhái rừng… Đó là những thực phẩm mà bố mẹ các em săn bắt, hái lượm được. Thậm chí những khi trời mưa gió không đi rừng được các em còn phải dùng rong suối để làm thức ăn trong những bữa ăn bán trú.
Món nhái rừng trong một cặp lồng cơm của một em học sinh Trường Tiểu học Mỹ Lý 2. Ảnh Xuân Hòa |
Em Lương Thị Thảo (học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Mỹ Lý 2) cho biết: “Bố em bị tai nạn lao động nằm một chỗ đã hơn 2 năm nay. Cả gia đình đều nhờ vào việc làm rẫy của mẹ. Nên hầu hết thức ăn của bọn em là nhái rừng, cá suối và rau mà mẹ làm được, bắt được thôi”.
Cũng hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn em Lương Minh Châu (học sinh lớp 4A) cũng thường xuyên phải ăn rau rừng và cá suối do bố mẹ đánh bắt được. Hình ảnh những em học sinh đi học với những chiếc cặp lồng nhựa đựng cơm trên tay đã quá quen thuộc với người dân và thầy, cô nơi đây.
“Cuộc sống còn thiếu thốn và khó khăn vậy nhưng hầu hết các em đều chăm học. Hầu hết các em rất ít nghỉ học trừ những lúc ốm đau, các em cũng không khi nào kêu ca về những bữa ăn đạm bạc của mình”, thầy Hải cho biết thêm.
Chia tay các em khi trời đã về chiều và cũng là lúc các em tan trường nhìn những em học sinh nhỏ tuổi với chiếc cặp lồng nhựa trên tay, nghĩ đến những bữa ăn bán trú của các em chúng tôi không khỏi xót xa. Đến khi nào các em mới có những bữa ăn bán trú đầy đủ dinh dưỡng luôn phảng phất trong suy nghĩ của chúng tôi.