Trong công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024-2025, Bộ yêu cầu các trường đảm bảo sĩ số học sinh/lớp theo quy định Điều lệ trường tiểu học 35 em/lớp, đồng thời có đủ thiết bị dạy học tối thiểu. Trường đảm bảo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên đủ dạy các môn học, hoạt động giáo dục để dạy 2 buổi/ngày...
Việc đảm bảo sĩ số ở bậc tiểu học là 35 học sinh/lớp khiến nhiều phụ huynh khu vực thành thị, đặt ra câu hỏi về việc lớp của con họ hiện sĩ số đều từ 40 - 50 học sinh/lớp học.
"Sĩ số lớp đảm bảo theo quy định, giáo viên đỡ mệt, trò được quan tâm hơn dẫn đến tiếp thu tốt và hiệu quả dạy học tốt hơn. Nhưng giới hạn 35 học sinh/lớp học, liệu có đủ trường lớp không, khi mà có trường với lớp 60 cháu còn bốc thăm mới được vào học, giờ 35 cháu thì sao?
Một phường, xã, thị trấn có 1 trường nhưng phường đó có số học sinh lớn hơn số chỉ tiêu tuyển sinh, vậy nếu đảm bảo sĩ số là 35 học sinh/lớp, các cháu còn lại sẽ học ở đâu?
Trường tiểu học Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội các con đang học quá đông, lớp 4 mà đến 48 học sinh/lớp. Một lớp đông như thế tạo áp lực cho cô giáo và các con khó tập trung", ý kiến của một số phụ huynh băn khoăn.
Liên quan đến nội dung trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với lãnh đạo một số Phòng Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Xây dựng thêm đơn nguyên, chuyển đổi quỹ đất phục vụ giáo dục
Cô Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo là các lớp tiểu học đảm bảo quy mô sĩ số 35 học sinh/lớp. Đây cũng là mong mỏi chung của ngành, của các địa phương, đặc biệt các quận, huyện tại Hà Nội.
Đối với quận Hà Đông, đơn vị có kế hoạch là ưu tiên dành quỹ đất cho giáo dục, tiếp tục xây dựng thêm đơn nguyên và các trường mới. Bên cạnh đó, với những nơi còn quỹ đất sẽ xin chuyển đổi mục đích sang phục vụ cho giáo dục.
"Địa phương cũng đề xuất với thành phố về việc xây dựng mở rộng thêm cao tầng tại những trường không còn quỹ đất. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường tư thục hoạt động", cô Hằng chia sẻ.
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông, hiện tại, địa bàn đang có 40 trường tiểu học tư thục ở các bậc học. Các trường này đã giảm tải sĩ số cho các trường tiểu học công lập và phân tuyến hợp lí trên địa bàn.
Địa bàn quận có 98 trường công lập, trong đó là 36 trường tiểu học (30 trường tiểu học công lập, 6 trường tiểu học tư thục). Sĩ số của học sinh khối lớp 1 hiện tại là 42 học sinh/lớp.
Trong năm 2024, có 7 trường xây thêm đơn nguyên và 1 trường được thành lập mới.
"Tôi rất mong muốn và mơ ước bậc tiểu học có thể đảm bảo sĩ số 35 học sinh/lớp, đây cũng là mong mỏi chung của ngành giáo dục. Điều này, giúp đảm bảo chất lượng việc giảng dạy, giảm áp lực cho giáo viên", cô Hằng chia sẻ.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông mong muốn các quận, huyện và thành phố có những chỉ đạo để giúp đỡ ngành giáo dục đạt được điều này.
Huyện Thanh Trì có đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp hằng năm
Là huyện giáp khu vực trung tâm thành phố, huyện Thanh Trì là địa phương tập trung nhiều khu chung cư cao tầng, đông dân cư. Vậy địa phương nơi đây có những biện pháp nào để đảm bảo sĩ số theo Điều lệ trường tiểu học?
Theo thầy Phạm Văn Ngát - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì, Hà Nội, nếu tính mặt bằng chung về sĩ số học sinh tiểu học trên địa bàn huyện có quy mô là 35 học sinh/lớp, còn với bậc trung học cơ sở là 42 học sinh/lớp.
Trước câu hỏi với những trường tiểu học có lớp trên 35 học sinh/lớp, địa phương có kế hoạch phát triển cơ sở vật chất ra sao, thầy Ngát cho biết, hằng năm địa phương có đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp.
Trong năm học 2024-2025, có hai trường tiểu học được xây dựng mới là Trường Tiểu học Vạn Phúc và Trường Tiểu học Ngọc Hồi.
Đối với tỷ lệ giáo viên/lớp học, địa phương đảm bảo được tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp.
Từ nay đến năm 2026, địa phương dự kiến đầu tư xây dựng 4 trường tiểu học, 2 trường trung học phổ thông, ngoài ra, còn có 6 trường mầm non.
Với các cơ sở giáo dục tư thục, đặc biệt giáo dục mầm non phát triển mạnh với hơn 125 nhóm lớp mầm non tư thục độc lập.
Cần có sự phối hợp với phụ huynh
Thầy Lê Đức Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Ba Đình (Hà Nội) cho hay, năm học 2024-2025, trên địa bàn quận Ba Đình có 20 trường tiểu học, trong đó có 17 trường tiểu học công lập và 3 trường ngoài công lập. Tổng số lớp là 110 lớp hiện đã tuyển sinh được 3.310 học sinh vào lớp 1.
Chia sẻ về đề xuất để các trường tiểu học đảm bảo quy mô sĩ số 35 học sinh/lớp, thầy Thuận cho rằng, cần tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng giáo dục.
Cụ thể, là xây dựng thêm trường và nâng cấp phòng học mới. Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu tăng sĩ số.
Đồng thời, cần nâng cấp cơ sở vật chất hiện có. Ví dụ như cải tạo các phòng học cũ, nâng cấp hệ thống chiếu sáng, quạt, điều hòa, bàn ghế để đảm bảo môi trường học tập thoải mái và an toàn.
Đầu tư trang bị thiết bị dạy học hiện đại như bảng thông minh, máy chiếu, máy tính và các tài liệu học tập điện tử. Đảm bảo các tiện nghi cơ bản, như nhà vệ sinh sạch sẽ, khu vui chơi an toàn, và các cơ sở thể thao.
Tiếp đó là tăng cường tuyển dụng và đào tạo giáo viên.
Trong việc tuyển dụng giáo viên, cần tăng cường các đợt tuyển dụng giáo viên mới, đặc biệt chú trọng đến các khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa.
Song song với đó, là cần có chính sách thu hút giáo viên như, ưu đãi về lương, thưởng, chỗ ở và điều kiện làm việc để thu hút và giữ chân giáo viên.
Một yếu tố cũng không kém phần quan trọng nữa là tuyên truyền và nâng cao nhận thức từ cộng đồng, phụ huynh về quy định sĩ số không quá 35 học sinh/lớp.
"Có thể nói, để quy định sĩ số học sinh không quá 35 em/lớp được thực hiện hiệu quả trong tương lai, cần có sự đầu tư đúng mức, kế hoạch triển khai cụ thể và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan. Việc này đòi hỏi nỗ lực không chỉ từ các đơn vị giáo dục mà còn từ chính quyền, phụ huynh và toàn thể cộng đồng", thầy Lê Đức Thuận chia sẻ.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Ba Đình chia sẻ thêm, quy định lớp tiểu học không quá 35 học sinh/lớp sẽ giúp giáo viên quản lý lớp hiệu quả.
Cụ thể, trong việc giám sát và quản lý học sinh, giáo viên dễ dàng theo dõi và kiểm soát hành vi của học sinh, đảm bảo môi trường học tập an toàn và trật tự.
Giảm tải công việc cho giáo viên, với số lượng học sinh ít hơn, giáo viên có thể tập trung vào từng em, giảm áp lực công việc và cải thiện chất lượng giảng dạy.
Bên cạnh đó là sĩ số đảm bảo theo quy định cũng giúp học sinh tăng cường sự chú ý.
Cụ thể, phát triển năng lực cá nhân, mỗi học sinh sẽ nhận được sự quan tâm và hướng dẫn cụ thể từ giáo viên, giúp phát triển năng lực và tài năng cá nhân.
Hỗ trợ học tập hiệu quả hơn, giáo viên có thể dễ dàng nhận biết và hỗ trợ những học sinh gặp khó khăn trong học tập, giúp các em tiến bộ nhanh hơn.
Và nó cũng giúp cải thiện chất lượng giảng dạy của giáo viên, đồng thời tăng cường giao tiếp giữa học sinh với giáo viên, giữa học sinh với học sinh.
"Đến nay, các trường ở địa phương cũng đã đảm bảo được tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp học", thầy Thuận nói.
Đảm bảo số lượng 35 học sinh/lớp học là khó khăn
Một cán bộ tại Trường Tiểu học Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, đến nay nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ các thiết bị để phục vụ cho việc dạy và học năm học 2024-2025.
"Trong lớp học, nhà trường chuẩn bị đầy đủ máy tính, máy chiếu, máy đo vật thể để phục vụ cho hoạt động của học sinh.
Nhà trường hiện đang trang bị thêm đồ dùng dạy học cần thiết để phục vụ chương trình sách giáo khoa lớp 5. Đơn vị mời các chuyên gia về trường để giới thiệu đặc điểm chương trình mới, để nâng cao sự hiểu biết, cách ứng dụng thiết bị giảng dạy giúp giáo viên đáp ứng chương trình.
Giáo viên các trường trên địa bàn đều được tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, trước khi bước vào năm học", đại diện nhà trường chia sẻ.
Cán bộ Trường Tiểu học Nghĩa Đô cho biết, hiện tại, nhà trường có 8 lớp/khối lớp, trung bình khoảng 40 học sinh/lớp.
Trước câu hỏi về việc, nhà trường đảm bảo sĩ số 35 học sinh liệu có khó khăn?
Trả lời câu hỏi này, cán bộ nhà trường cho hay, để đảm bảo số lượng 35 học sinh/lớp học là khó khăn với đơn vị.
"Vừa qua, nhà trường đã cải tạo phòng nghỉ của giáo viên để thành hai phòng học, giãn sĩ số và được trung bình 40 học sinh/lớp.
Nếu để quy mô lớp học có sĩ số 35 học sinh/lớp, nhà trường có thể phải mở thêm hai, ba phòng học nữa", nữ cán bộ chia sẻ.
Hiện tại, nhà trường có khoảng 6000 m2 đất và đã được xây dựng hết diện tích. Nếu muốn mở rộng, đơn vị chỉ có thể nâng tầng phòng học.
Về đội ngũ giáo viên theo quy định là 1,5 giáo viên/lớp, nhà trường đã đảm bảo quy định tiêu chuẩn này.