Năm 2007, thầy giáo Cà Trọng Hiếu chuyển từ Điện Biên xuống công tác tại Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh (trụ sở tại phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long).
Đến nay, thầy giáo Hiếu đã công tác tại đây hơn 12 năm và hiện là Phó phòng Giáo dục phục hồi chức năng của cơ sở.
Theo thầy Hiếu, khi xuống nhận công tác tại Cơ sở bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, thầy chấp nhận “gác” mơ ước làm thầy giáo dạy học sinh lại.
Thầy giáo Hiếu hướng dẫn học sinh khuyết tật làm hoa đá trong giờ hướng nghiệp. (Ảnh: Cộng tác viên cung cấp) |
Thầy Hiếu xúc động khi thấy nhiều em còn khổ, thiệt thòi hơn cả học sinh nghèo, vùng cao...
Khác với trẻ bình thường dễ nhận thấy sự tiến bộ hằng ngày, với trẻ khuyết tật chỉ một kỹ năng nhỏ nhưng cũng phải dạy đi dạy lại rất nhiều lần, nhiều tuần, tháng các em mới làm được.
Các em vào cơ sở học với nhiều độ tuổi khác nhau, có nhiều bạn không chỉ bị câm điếc bẩm sinh, mà còn kèm theo tăng động, chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ... Các em chưa biết đọc, chưa biết viết, nhiều em còn chưa biết đi vệ sinh…
Để dạy các em khoa học, hiệu quả, thầy Hiếu đề xuất xin đi học, tự tìm hiểu kinh nghiệm dạy trẻ đặc biệt.
Từ đó, thầy Hiếu cùng đồng nghiệp đã đề xuất soạn chương trình dạy riêng biệt phù hợp cho các em.
Cô giáo Nguyễn Thị Thúy, giáo viên 4.0! |
Thầy Hiếu chia sẻ: “Trẻ khuyết tật, đặc biệt là trẻ khiếm thính chịu thiệt thòi.
Các em dễ bị ức chế, kích động khi không thể biểu đạt cho người khác biết, hiểu ý muốn, tâm tư tình cảm của mình.
Vì thế dạy các em phải kiên trì, hòa đồng, thấu hiểu tâm tư tình cảm của các em để không làm các em bị tổn thương, giảm ức chế, khuyến khích các em học tập”.
Cũng theo thầy Hiếu, dạy trẻ em đã khó, dạy trẻ em khuyết tật, khiếm thính khó gấp bội, bởi mỗi em là một hoàn cảnh, mỗi câu chuyện khác nhau.
Qua từng năm các giáo viên sẽ truyền tải kiến thức giúp học sinh từ không biết viết, biết đọc, chưa biết tính toán đến có thể viết, đọc một đoạn câu văn ngắn.
Sau đó biết làm các phép tính, biết giao tiếp với bạn bè bằng ngôn ngữ ký hiệu, bằng cách nhắn tin qua điện thoại các câu hỏi đơn giản và trao đổi thông tin bằng cách viết ra giấy.
Thầy giáo Hiếu giới thiệu những sản phẩm tranh giấy do các học sinh khiếm thính làm. (Ảnh: Cộng tác viên) |
Quan trọng nhất là các em nắm được các kỹ năng cơ bản trong cuộc sống, trong sinh hoạt hàng ngày, kỹ năng tự lập của bản thân, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống khi ra ngoài xã hội sau khi học hết chương trình học...
Sau nhiều năm gắn bó với học sinh, nhìn học sinh của mình tiến bộ thầy Hiếu quên bớt sự mệt mỏi.
Học sinh của thầy đã biết tự làm được những công việc tưởng chừng đơn giản nhưng là khó khăn đối với trẻ khuyết tật, như: chào hỏi, tự chăm sóc bản thân, hiểu khẩu lệnh của giáo viên…
Điều thầy Hiếu, các đồng nghiệp rất quan tâm là song song với học còn dạy hướng nghiệp cho các em những nghề đơn giản như: Đan, vẽ, làm tranh giấy Nhật Bản...
Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng cho tới nay thầy Hiếu và các đồng nghiệp đã dạy, chủ nhiệm và giúp nhiều trò tốt nghiệp khóa học.
Riêng thầy Hiếu đã dạy tốt nghiệp 2 khóa với trên 30 học sinh ra trường. Với hành trang được trang bị, nhiều em đã tự mở cửa hàng để nuôi sống bản thân và giúp đỡ nhiều bạn cùng cảnh ngộ.
Với những kết quả đáng ghi nhận trong công việc, thầy Hiếu nhiều năm liền được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh tặng bằng khen.
Mới đây, tháng 1/2019, thầy Hiếu được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh khen thưởng vì có thành tích trong chăm sóc trẻ em khuyết tật giai đoạn 2015-2018.