Trịnh Công Sơn: Mật ngọt trên môi, mật đắng trong đời (P1)

23/03/2012 07:00
Tần Tần
(GDVN) - "Huế là một tình yêu bất tận, tôi yêu anh Sơn như yêu Huế, bây giờ Huế đối với tôi là một quê hương thứ hai, là một phần trong cuộc đời của tôi”, Diễm nói.

Trong ca khúc “Lặng lẽ nơi này” của Trịnh Công Sơn có câu: “Tình yêu mật ngọt, mật ngọt trên môi/ Tình yêu mật đắng, mật đắng trong đời”. Trịnh cũng từng viết: “Có người yêu thì hạnh phúc, có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu… Tôi đã có dịp đứng trên hai mặt của tình yêu và dù sao chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ lại trong lòng một ý nghĩa bền vững: Cuộc sống không thể thiếu tình yêu”. Với Trịnh Công Sơn, tình yêu là vậy, dù đắng, dù ngọt vẫn là mật.

Sinh thời Trịnh Công Sơn không có bạn đời, nhưng là một nghệ sĩ nhạy cảm, dễ xúc động, ông có nhiều mối tình. Đó là những người con gái mang vẻ đẹp cả hình thức lẫn tâm hồn, là những người tạo cho Trịnh Công Sơn những xúc cảm đặc biệt, là nguồn cảm hứng để ông viết nên rất nhiều ca khúc. Bên cạnh đó còn là những "chuyện tình" được chính một số người thêu dệt nên mà đến bây giờ mọi người đều biết không phải là thực. Nhưng cuối cùng rồi thì khi cát bụi trở về với cát bụi, chỉ còn lại đó những tình khúc mãi mãi với những NGƯỜI YÊU.

Nhân sắp đến dịp tưởng niệm 11 năm ngày mất Trịnh Công Sơn, trong loạt bài này, Giáo dục Việt Nam điểm lại những "mật ngọt", "mật đắng" trong đời Trịnh và đặc biệt là chia sẻ của những bóng hồng đã đi qua đời, âm nhạc của ông...

Với Trịnh Công Sơn, ngọt hay đắng đều là mật.
Với Trịnh Công Sơn, ngọt hay đắng đều là mật.

Kì 1: "Diễm" chưa bao giờ "Xưa"

Có lẽ trong số những bóng hồng đi qua cuộc đời Trịnh Công Sơn thì Diễm là người được biết tới nhiều nhất. Chẳng thế mà sau này, bất cứ người con gái nào được nhạc sĩ họ Trịnh cảm mến đều được gọi với một danh từ chung là “Diễm của Trịnh”. Hơn thế, giai thoại tình yêu của Trịnh Công Sơn với Diễm còn trở thành một câu phổ biến dùng trong giao tiếp hàng ngày, khi cần nói tới chuyện (đặc biệt là chuyện tình cảm) đã qua, người ta thường dùng câu “Diễm rồi” hoặc “Xưa như Diễm”, hoặc “Diễm của những ngày xưa”…

Trước đây, vẫn tồn tại một câu hỏi lớn trong cộng đồng người yêu nhạc Trịnh, rằng Diễm Xưa là một nhân vật có thật hay chỉ là một mộng tưởng vô thực nào đó đã giúp Trịnh viết nên nhiều ca khúc. Những bạn bè thân tình với Trịnh Công Sơn đều biết Diễm Xưa là có thật.

Chân dung Diễm Xưa

Diễm tên là Ngô Vũ Bích Diễm, là con gái của một thầy giáo dạy Pháp văn tại trường Đồng Khánh và trường Quốc học Huế.

Mối tình của Trịnh Công Sơn với Diễm bắt đầu từ những buổi Trịnh Công Sơn đứng ngắm các nữ sinh trường Đồng Khánh tan trường. Đó là khoảng những năm 1962, khi ấy gia đình Trịnh Công Sơn mới chuyển đến ở một căn hộ ở tầng 1 dãy nhà mới xây ở đầu cầu Phủ Cam (nhà số 11/3 Nguyễn Trường Tộ). Hằng ngày, chàng trai Trịnh Công Sơn (khi ấy ở độ tuổi đôi mươi) đứng trên lầu ngắm các cô nữ sinh đi qua cầu Phủ Cam, đi dọc theo đường Nguyễn Trường Tộ đến trường học. Một cô gái có dáng người dong dỏng cao, nét mặt thanh tú, bước đi thong thả nhẹ nhàng đã khiến Trịnh Công Sơn thầm thương trộm nhớ. Đó chính là Ngô Vũ Bích Diễm. Ngày ngày người con gái mang tên Diễm trong chiếc áo lụa trắng vẫn đi về ngang qua nhà Trịnh tới 4 lần. Hình ảnh người con gái kín cổng cao tường, thùy mị đó đã khiến Trịnh Công Sơn không ngày nào không nhìn xuống đường chờ đợi một vạt áo, một bước hài.

Ngô Vũ Bích Diễm thời đi học.
Ngô Vũ Bích Diễm thời đi học.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân - một người bạn Huế cùng thời đã kể lại: “Anh (Trịnh Công Sơn) yêu Diễm mê mệt. Những ngày không thấy Diễm đi qua anh đau khổ vô cùng, và trông thấy con đường trước nhà dài hun hút cho mắt thêm sâu”.

Không chỉ lồng ghép những cảm xúc của mình trong nhiều nhạc phẩm mà Trịnh Công Sơn sáng tác, ông còn dùng những lời đẹp như thơ để viết về Diễm. “Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường. Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não”. Trịnh Công Sơn đã ngắm nhìn Diễm như thế trong khoảng thời gian dài, qua bao ngày tháng “Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng, ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhạt nhòa trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt…”

“Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận”. Trịnh Công Sơn đã quan sát, nhìn ngắm Diễm thật kĩ để rồi cứ ngỡ đó là một cảnh hư vô của một giấc mơ: “Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Đi đến trường mà đôi lúc dường như đi đến một nơi vô định. Định hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoang lạc của giấc mơ”.

Chân dung Bích Diễm do Trịnh Công Sơn vẽ năm 1963
Chân dung Bích Diễm do Trịnh Công Sơn vẽ năm 1963

Tình yêu tuổi mười tám đôi mươi

Ấy vậy mà chuyện tình Trịnh - Diễm gặp rất nhiều cách trở. Thời đó, các cô gái đẹp ở Huế thường được cha mẹ gả cho những người đã thành đạt, có sự nghiệp vững chắc. Rất hiếm có chuyện những anh chàng học hành chưa tới mà “cưa” được người yêu đẹp, con nhà gia giáo. Thân sinh ra Bích Diễm lại là một ông giáo gốc Bắc nghiêm khắc. Ông giáo Ngô Đốc Khánh không thể chấp nhận chuyện một anh chàng chưa có bằng Đại học, tóc dài chuyện trò với các cô con gái của ông.

Khi ấy, họa sĩ Đinh Cường có thuê nhà gần nhà Diễm làm xưởng vẽ. Trịnh Công Sơn thường tới xưởng vẽ của bạn chơi, chờ lúc ông giáo bận giờ dạy, mà Diễm đang ở nhà thì liều mình qua chơi. Trong những lần thăm ấy, có lần Diễm tiếp, có khi không. Diễm biết Trịnh Công Sơn yêu mình và trái tim cô nhiều khi cũng rung động. Nhưng lúc ấy Diễm không thể vượt qua được sự nghiêm khắc của gia đình để nói cho người viết ca khúc “Diễm xưa” biết điều đó.

Một lần, Trịnh Công Sơn ốm nặng, Bích Diễm biết tin mà không làm sao đi thăm được. Nhân lúc có một người bạn gái tới chơi, Diễm đã rủ người bạn gái ra vườn, để người bạn gái ngồi đó, giả vờ như hai người đang nói chuyện với nhau, còn Diễm trốn mợ chạy tới thăm Trịnh Công Sơn. Trên đường đi, nàng ngắt vội một cành hoa trồng sát hàng rào nhà láng giềng. Chạy tới chung cư nhà Trịnh Công Sơn ở, Diễm chỉ đứng bên ngoài cửa sổ song sắt, hỏi “anh Sơn, anh Sơn đã đỡ chưa?”, rồi đặt cành hoa bên song cửa và chào ra về.

Nhành dạ lan thầm lặng

Có lần, Trịnh Công Sơn đã nói về mối tình với Bích Diễm: “Ngày xưa dường như cả thế hệ tôi là vậy, yêu một mái tóc một dáng hình, một ngày chỉ cần nhìn thấy mặt nhau, thấy em qua khung cửa sổ là cả ngày thấy vui”. 

Còn Bích Diễm đã giữ im lặng mấy chục năm, chỉ tới năm 2010, trong một lần họp mặt các nữ sinh trường Đồng Khánh, Bích Diễm mới từ Mỹ trở về, và lần đầu tiên chia sẻ về chuyện tình với Trịnh Công Sơn.“Tôi sinh ra ở Hà Nội, nhưng lớn lên ở Huế và vào học ở Sài Gòn, với tôi Huế là một tình yêu bất tận, tôi yêu anh Sơn như yêu Huế, bây giờ Huế đối với tôi là một quê hương thứ hai, là một phần trong cuộc đời của tôi”.

Bích Diễm cũng kể giữa bà và Trịnh Công Sơn có những kỷ niệm rất khó nói:“Cái bóng của anh Sơn quá lớn nên Diễm chọn cách im lặng để nghe người ta nói, còn tình cảm của Diễm đối với anh ấy là mãi mãi”.  

Ngô Vũ Bích Diễm cũng kể những kỉ niệm với Trịnh Công Sơn một cách chừng mực: “Lần  đầu tôi gặp anh Sơn ngay tại nhà tôi. Anh đi theo anh Đinh Cường đến thăm Nguyễn Việt Hằng, một người bạn than của tôi lúc đó đang ở lại nhà tôi để học hè. Sau đó thấy anh Sơn một mình quay trở lại. anh viết nhạc và có tặng tôi mấy bài. Hồi đó còn trẻ lắm nên cũng biết lơ mơ vậy thôi… Sau này tôi mới biết thong qua hai người em của anh Sơn về câu chuyện nhánh dạ lan hương mà tôi tặng anh đã gây một chấn động mạnh nơi anh. Đó là một kỉ niệm thật đẹp, thật liêu trai…!”

Bút tích ca khúc "Diễm xưa" của do Trịnh Công Sơn viết
Bút tích ca khúc "Diễm xưa" của do Trịnh Công Sơn viết

Có thể nói, trong mối tình với Diễm, Trịnh dường như chưa kịp nói lời yêu, mà chỉ thổ lộ tình cảm qua những ca khúc tặng Diễm, và Diễm cũng vì cách trở mà không giám đáp lại tình cảm của Trịnh. Có lẽ mối tình ấy đẹp như một nụ hoa mãi e ấp. Nhưng từ mối tình ấy, Trịnh Công Sơn đã có nhiều nhạc phẩm bất hủ. Nổi tiếng và được nhiều người biết hơn cả là “Diễm xưa”.

“Diễm xưa” được dịch ra tiếng Nhật với cái tên Utsukushii mukashi, từng được bình chọn là một trong 10 tình ca hay nhất mọi thời đại của Nhật Bản, được đưa vào chương trình giáo dục trong môn Văn hóa và Âm nhạc của trường ĐH Kansai của Nhật. Và dù “Diễm xưa” có viết về mối tình với Bích Diễm, là viết về Huế, hay là về những cảm xúc nào theo suy tưởng của từng người, thì Diễm vẫn chưa bao giờ xưa cũ, Diễm luôn đẹp, luôn mới trên môi mỗi người cất lên tiếng hát.

Tâm điểm showbiz Việt
Bước nhảy Hoàn vũ 2012

Vietnam's Got Talent
Bản tin sao Việt
ĐỘC ĐÁO - chỉ có ở Giaoduc.net.vn
Cuộc thi ảnh Tìm kiếm gương mặt Nữ sinh trong mơ
Hot Girl showbiz Việt
Có thể bạn yêu thích, hâm mộ
Đàm Vĩnh Hưng
Hồ Ngọc Hà
GS Cù Trọng Xoay Thủy Tiên
Văn Mai Hương Tăng Thanh Hà
Jennifer Phạm Minh Hằng
Mai Phương Thúy Ngọc Trinh
Tần Tần