Đang là bị can tội lừa đảo, ai cấp phép cho Chủ phòng khám đa khoa Tâm Đức?

02/06/2017 07:13
Phương Linh
(GDVN) - Bà Ngô Minh Chiến đã từng bị bắt khẩn cấp, bị khởi tố, và đưa ra xét xử ở tòa, nhưng vẫn là chủ của phòng khám đa khoa Tâm Đức thì liệu có đúng luật quy định?

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có công văn yêu cầu Bảo hiểm xã hội Bình Phước tạm dừng hợp đồng khám chữa bệnh đối với Phòng khám đa khoa Tâm Đức (thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), để cơ quan chức năng thực hiện việc thanh kiểm tra việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại đây.

Trước đây, bà Ngô Minh Chiến – chủ phòng khám đa khoa Tâm Đức này đã từng bị Công an tỉnh Bình Phước bắt khẩn cấp vào ngày 26/11/2014, để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Sau khi bị bắt ít ngày, nhiều người dân nhìn thấy bà Chiến xuất hiện cùng với Công an tại Phòng khám thai sản, và rồi bà Chiến đã được thả về nhà để sinh, nuôi con.

Tiếp đó, ngày 19/7/2016, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước quyết định hoãn xử vụ án có liên quan đến bà Ngô Minh Chiến, có liên quan đến việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Phòng khám đa khoa Tâm Đức ở thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước (ảnh: congly.vn)
Phòng khám đa khoa Tâm Đức ở thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước (ảnh: congly.vn)

Nguyên nhân của việc hoãn phiên tòa này, theo Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước là do vắng người nhà của một bên.

Được biết, khi đó, bà Chiến đã liên tục vay tiền của một doanh nghiệp, với tổng số tiền là 9,4 tỷ đồng. Bà Ngô Minh Chiến chỉ trả được 6 tỷ đồng, rồi giả chữ ký của chủ nợ, ký vào giấy biên nhận trả hết nợ, rồi báo với chủ nợ đã trả hết tiền nợ.

  • Đang là bị can tội lừa đảo, ai cấp phép cho Chủ phòng khám đa khoa Tâm Đức? ảnh 2

Đề nghị Bộ Y tế vào cuộc thanh tra trục lợi Bảo hiểm Y tế

Hiện người dân đang rất băn khoăn, thắc mắc, liệu rằng một người đã từng bị bắt khẩn cấp, đang là bị can và được cho tại ngoại, thì liệu đứng tên làm chủ doanh nghiệp, chủ một phòng khám đa khoa có đúng với pháp luật quy định?

Theo luật sư Nguyễn Văn Đức – Giám đốc Công ty luật Kinh Luân, đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên, Luật doanh nghiệp năm 2014, ở khoản 5 – điều 13 cho biết, với những người đang bị tạm giam, kết án hay bị mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự, trốn khỏi nơi cư trú, thì thành viên còn lại đương nhiên là người đại diện pháp luật, cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên.

Luật doanh nghiệp năm 2005, điều 13 cũng nêu rõ: Cấm góp vốn thành lập doanh nghiệp đối với những người đang chấp hành hình phạt tù, hoặc bị Tòa án cấm hành nghề kinh doanh.

Phương Linh