Sau kết luận Thanh tra Bộ Xây dựng dự án BOT đường 51, 4 năm chưa quyết toán?

16/11/2016 10:21
Minh Anh
(GDVN) - Dự án gần 4.000 tỷ đồng tại con đường huyết mạch Biên Hòa- Vũng Tàu vẫn chưa được quyết toán dù đã thu phí được 4 năm ròng rã.

Vi phạm Luật doanh nghiệp

Đã từng bị Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Bộ Xây dựng vạch ra những sai phạm, song Dự án BOT quốc lộ 51 Biên Hòa - Vũng Tàu vẫn còn để lại những khúc mắc.

Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu (BVEC) là doanh nghiệp được thành lập ngày 15/12/2008 với số vốn điều lệ là 1.750 tỉ đồng.

Trong đó, cổ đông sáng lập là Tổng công ty đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), Tổng công ty Sông Đà và Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam BIDV đăng ký mua số cổ phần trị giá 1557,5 tỉ đồng.

Thế nhưng, tính đến tháng 4/2016, các cổ đông sáng lập mới góp được... 7% vốn và đến thời điểm ngày 30/5/2016 thì các cổ đông sáng lập lúc này là Thái Ninh, DIC, IDICO mới mua được 307 tỉ đồng, tức đạt 17,5% cổ phần.

Dự án BOT quốc lộ 51 Biên Hòa - Vũng Tàu vẫn còn để lại những khúc mắc cho không ít cá nhân
Dự án BOT quốc lộ 51 Biên Hòa - Vũng Tàu vẫn còn để lại những khúc mắc cho không ít cá nhân

Như vậy, đã gần 8 năm trôi qua, số cổ phần các cổ đông sáng lập mua chỉ đạt 17,5% vốn điều lệ công ty. Việc này đã vi phạm mục 1, Điều 84, Luật doanh nghiệp.

Không những thế, việc chuyển nhượng các cổ phần sáng lập này cũng có nhiều khuất tất.

Dự án BOT QL 51 có 3 cổ đông sáng lập là IDICO, Tổng công ty Sông Đà và Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV).

Thế nhưng, một số nhà đầu tư đã âm thầm chuyển phần vốn cho những đối tác khác. Cụ thể Tổng công ty Sông Đà chuyển vốn cho DIC, BIDV chuyển vốn cho Công ty cổ phần Thái Ninh.

Ngày 21/3/2016, BVEC đã có văn bản báo cáo nhằm giải thích về việc thực hiện chuyển nhượng cổ đông.

Theo đó, BVEC cho rằng các cổ đông sáng lập được phép chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội cổ đông.

Song chỉ cần nhìn và ngày tháng ký hợp đồng và ngày tháng ra nghị quyết công ty có thể thấy ngay: Hầu hết các hợp đồng được ký kết trước khi có sự chấp thuận của Đại hội cổ đông BVEC.

Đây cũng chính là cách làm “lạ đời” của BVEC: không được phép vẫn chuyển nhượng cổ phần, chưa mua đủ 20% cổ phần theo quy định vẫn được cấp giấy chứng nhận kinh doanh và chưa bàn giao mặt bằng đã tiến hành thu phí.

Đây không phải lần đầu dự án có tổng vốn 4.000 tỉ này bị thanh tra “sờ gáy”.

Trước đó, vào ngày 10/1/2013, Thanh tra Chính phủ cũng đã công bố Kết luận 98/TB-TTCP về việc chấp hành pháp luật trong việc thực hiện dự án BOT quốc lộ 51.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử ký kiểm điểm nghiêm túc với những cá nhân, tập thể có liên đới.

Tuy nhiên, đã không có cá nhân hay tập thể nào phải chịu trách nhiệm với sai phạm trên.

Khuất tất thu, vay?

Bất chấp việc các cổ đông sáng lập không mua đủ cổ phần theo quy định và tổng vốn góp chỉ tương đương 3% tổng vốn dự án, tháng 11/2009, Cục Đường bộ - Bộ Giao thông Vận tải và BVEC đã tiến hành ký kết hợp đồng BOT Quốc lộ 51 với tổng mức đầu tư là 3.313,13 tỉ đồng (năm 2012 được điều chỉnh tăng lên mức 3.970 tỉ đồng).

Theo hợp đồng và quy định được ghi rõ trong Nghị định 108/2009/NĐ-CP thì tại thời điểm BOT quốc lộ 51 bắt đầu thu phí (tháng 8/2012), tổng tiền sở hữu của BVEC phải có là 120 tỉ đồng (hợp đồng thu phí) và 307, 576 tỉ đồng (tương ứng với 10% tổng mức đầu tư của công trình).

Thế nhưng, đến tháng 8/2012, BVEC mới có vốn chủ sở hữu vẻn vẹn 75 tỉ đồng.

 Đến tháng 4/2016 là 114,4 tỉ và cho đến ngày 30/5/2016, tổng số tiền góp vốn của các cổ đông mới đạt 307 tỉ đồng.

Như vậy trong suốt 4 năm ròng, BVEC vẫn thản nhiên thu phí đối với các phương tiện của Quốc lộ 51 khi hợp đồng ký với Cục Đường bộ là không có giá trị bởi BVEC đã vi phạm các quy định của pháp luật khi chưa có đủ vốn sở hữu.

Xung quanh vấn đề thu phí của dự án BOT Quốc lộ 51, ngày 21/6/2013, Bộ Giao thông Vận tải đã có Quyết định cho phép BVEC được thu phí tại trạm thu phí T3 đặt ở km 56+450 từ ngày 1/7/2013.

Song, do vướng mắc mặt bằng, thời gian thi công kéo dài nên gói thầu số 4 đến tháng 12/2014; tức là gần 18 tháng sau khi thu phí, gói thầu này mới bàn giao mặt bằng.

Tại sao một dự án chưa hoàn thành đã thu phí là cả những câu hỏi cần sự trả lời và vào cuộc của các cư quan ban ngành.    

Phát hiện hàng loạt sai phạm của Công ty đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (GDVN) - Kết luận thanh tra chỉ rõ tại dự án Quốc lộ 51 do Công ty Cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) làm chủ đầu tư đã có nhiều sai phạm.

Phát hiện hàng loạt sai phạm của Công ty đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

(GDVN) - Kết luận thanh tra chỉ rõ tại dự án Quốc lộ 51 do Công ty Cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) làm chủ đầu tư đã có nhiều sai phạm.

Hơn cả thế, ngày 16/6/2009, BVEC ký hợp đồng nguyên tắc với Cục Đường bộ Việt Nam về việc chuyển nhượng quyền thu phí trạm phu phí T1- QL 51.

Giá trị chuyển nhượng là 400 tỉ đồng, thời gian hoàn vốn là 4 năm 10 ngày.

BVEC đã huy động vốn vay thương mại để trả cho nhà nước một lần số tiền trên.

Theo BVEC đây là khoản vay trả chậm trong thời hạn 15 năm.

Điều đáng nói là trong hợp đồng có quy định thời hạn thu phí hoàn vốn số tiền 400 tỉ được điều chỉnh khi “lãi suất tiền gửi, tiền vay của ngân hàng công bố thay đổi trên 2% so với thời điểm được chuyển quyền giao phí”.

Điều này là không phù hợp với Thông tư liên tịch số 05/2004 của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải là không điều chỉnh lãi suất trong thời gian thu phí hoàn vốn.

Việc điều chỉnh lãi suất đã dẫn đến phương án hoàn vốn 400 tỉ làm tăng kinh phí trả lãi suất (từ 8% lên 14%, cao nhất là 17%), tạm tính đến tháng 7/2013 là 56 tỉ đồng.

Qua kiểm tra cho thấy, Bộ Giao thông Vận tải chưa có văn bản kết thúc  thời gian hoàn vốn 400 tỉ đồng quyền chuyển nhượng thu phí trạm T1 cho dù theo hợp đồng thì thời gian kết thúc hoàn vốn đã quá hạn…3 năm.

Việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc điều chỉnh thời gian hoàn vốn đầu tư xây dựng công trình BOT.

Như đã phân tích ở trên, phải đến thời điểm 30/5/2016, các cổ đông mới góp đủ số tiền 307 tỷ đồng, tương ứng với 10% tổng vốn đầu tư dự án BOT Quốc lộ 51.

Mặt khác trong quá trình thi công, do các cổ đông không nộp tiền vào vốn điều lệ của BVEC nên BVEC đã phải nợ tiền và chiếm dụng vốn của một số nhà thầu thi công.

Thế nhưng điều lạ lùng là trong lúc “khốn khó”, BVEC lại cho Công ty TNHH đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang vay khoản tiền là 139,2 tỉ đồng để…lấy lãi.

Việc cho vay là không đúng quy định vì Công ty BVEC không có chức năng cho vay, thuê tài chính, đầu tư tài chính…

Cho đến thời điểm này, các cổ đông đã nộp đủ khoản tiền thiếu để đảm bảo 10% tổng vốn tại dự án BOT QL 51.

Song chính sự chậm trễ này cùng hàng loạt các sai phạm khác đã khiến dự án gần 4000 tỷ tại con đường huyết mạch Biên Hòa- Vũng Tàu  vẫn chưa được quyết toán dù đã thu phí được 4 năm ròng rã.

Minh Anh