Toronto - Thành phố đào tạo nhân tài

24/06/2017 08:46
Bài và ảnh: Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
(GDVN) - Tôi đặc biệt quan tâm đến nền giáo dục rất phát triển ở Canada. Hệ thống giáo dục Canada gồm các trường công lập và tư thục trải dài từ mẫu giáo đến đại học.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng.

Trong bài viết này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng giới thiệu về thành phố Toronto tại Canada về cuộc sống nơi đây và việc đào tạo nhân tài.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Toronto là thành phố đông dân nhất Canada và là tỉnh lỵ của tỉnh Ontaria. Toronto ở độ cao 76m so với mặt biển, dân số khoảng trên 2,6 triệu dân.

Chúng ta biết rằng Canada có diện tích lớn thứ nhì thế giới (9.984.670 km2) nhưng lại có dân số quá ít (36,29 triệu dân).

Có lẽ chính vì thế cùng với sự phát triển của các ngành dầu mỏ, khí đốt, khai khoáng, chế biến thực phẩm, sản xuất hoá chất, khai hác gỗ, sản xuất giấy và các loại dịch vụ … mà bình quân GDP tính theo đầu người cao đến 46.200 USD.

Đại học Toronto tại Canada.
Đại học Toronto tại Canada.

Tuổi thọ trung bình toàn dân là 81,9 tuổi (đứng thứ 19 trên thế giới). Cán cân thanh toán xuất nhập khẩu không chênh bao nhiêu: năm 2016 xuất được 390,1 tỷ USD, trong khi nhập khẩu cũng chỉ 419 tỷ USD mà thôi.

Nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất thấp trong GDP (chỉ có 1,6%) trong khi công nghiệp là 27,7% và dịch vụ cao tới 70,7%.

Tương ứng với tỷ lệ GDP số nhân lực lao động nông nghiệp chỉ có 2%, công nghiệp - 13%, xây dựng - 6%, trong khi dịch vụ là 76% và các ngành nghề khác là 3%.

Một dân tộc có hai miền nói hai ngôn ngữ (56,7% nói tiếng Anh và 22% nói tiếng Pháp).

Dạo quanh thành phố Toronto tôi thấy mức sống của dân chúng rất cao, tỷ lệ người gốc Phi thấp hơn Mỹ rất nhiều, hàng hoá kể cả nông sản không thiếu thứ gì.

Khuôn viên trường Đại học Toronto.
Khuôn viên trường Đại học Toronto.

Đặc biệt vì đất rộng nên chỉ ra khỏi ngoại thành vài trăm mét là các khu dân cư toàn là các biệt thự nằm giữa những vườn hoa và cây xanh.

Xa hơn nữa thì toàn là rừng cây lâu năm. Khu dân cư sinh sống không có ai buôn bán, vì nhà nào cũng có vài ô tô và đâu cần mua bán quanh nhà.

Trong thành phố thì là công sở, trường học, viện nghiên cứu và các siêu thị lớn nhỏ.

Tôi đặc biệt quan tâm đến nền giáo dục rất phát triển ở Canada. Hệ thống giáo dục Canada bao gồm các trường công lập và tư thục trải dài từ mẫu giáo đến đại học.

Đây là một nền giáo dục hiện đại và được đánh giá là một trong những nền giáo dục tốt nhất trên thế giới.

Tiêu chuẩn đào tạo được áp dụng thống nhất trên toàn lãnh thổ, các trường tại Canada luôn được trang bị cơ sở vật chất hiện đại và áp dụng những chương trình đào tạo cập nhật thường xuyên để có thể trang bị đầy đủ nhất kĩ năng và kiến thức cho học sinh, sinh viên.

Với môi trường học tập đạt tiêu chuẩn quốc tế, và được áp dụng chất lượng kiểm định nghiêm ngặt, bằng cấp tại Canada được công nhận tại tất cả các nước phát triển.

Canada có một nền giáo dục linh hoạt, luôn thay đổi để phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các công ty hàng đầu.
Canada có một nền giáo dục linh hoạt, luôn thay đổi để phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các công ty hàng đầu.

Sinh viên tốt nghiệp tại một trường Canada có thể dễ dàng sống và làm việc ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Ngoài ra, Canada có một nền giáo dục linh hoạt, luôn thay đổi để phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các công ty hàng đầu, luôn gắn chất lượng đào tạo với tình hình thị trường việc làm.

Vì thế, khi ra trường, sinh viên theo học tại các trường Canada thường có thể hoà nhập nhanh chóng vào môi trường làm việc chuyên nghiệp và có một mức lương hấp dẫn.

Tại nước này cứ 10 người chỉ có 1 người chưa tốt nghiệp trung học phổ thông, bởi vì nếu không thì khó mà tham gia được vào thị trường lao động.

Hơn 51% người Canada có bằng từ cao đẳng trở lên, tỷ lệ cao nhất trên thế giới cho đến nay.

Khoảng 67%, các trường học học chung học sinh nam và nữ. Canada chi tới 5,4% GDP cho giáo dục.

Canada chi tới 5,4% GDP cho giáo dục.
Canada chi tới 5,4% GDP cho giáo dục.

Tiền đầu tư vào giáo dục đại học tính ra khoảng hơn 20.000 USD cho mỗi sinh viên. Canada có chính sách để sinh viên nước ngoài sau khi tốt nghiệp loại khá có thể ở lại làm việc tại Canada.

Các trường Đại học và các Viện nghiên cứu ở Toronto với những kỷ lục tốp đầu thế giới. Đại học lớn nhất là Đại học Toronto.

Trường này được thành lập từ ngày 15/2/1827 và được chính thức mang tên Đại học Toronto từ năm 1850.

Nó gồm tới 12 trường thành viên với những thể chế tự chủ khá rõ rệt. Sinh viên còn có hai Khu ký túc vệ tinh ở Scarborough và Mississauga.

Đại học Toronto nhận được ngân quỹ nghiên cứu khoa học hàng năm hơn bất kỳ trường đại học nào trong số khoảng 100 trường Đại học của Canada.

Từ các nguồn đầu tư từ Chính phủ (chỉ khoảng 30%) và các tổ chức phi chính phủ, kể cả các nhà từ thiện, Đại học Toronto dùng một phần để chi tiêu, còn một phần khác để đầu tư sinh lời nhằm làm tăng thêm ngân quỹ cho nhà trường. 

Trường này là một trong hai thành viên của Hiệp hội các trường đại học Hoa Kỳ bên ngoài Hoa Kỳ, thành viên thứ hai là Đại học McGill. 

Lễ tốt nghiệp tại trường Đại học Toronto.
Lễ tốt nghiệp tại trường Đại học Toronto.

Trường Đại học Toronto được đánh giá rất cao trong danh sách các đại học hàng đầu trên thế giới và thường xuyên là đại học lớn nhất tại Canada. 

Theo thống kê năm 2015 của U.S News & World Report Best Global Universities Ranking, trường được xếp hạng thứ 14 trên thế giới. 

Trường Đại học Toronto đã từng đào tạo 2 Toàn quyền và 4 Thủ tướng Canada, 4 nguyên thủ nước ngoài, 14 vị thấm phán của Toà án Tối cao Canada, và 10 giáo sư hay cựu sinh viên của Đại học Toronto đã từng nhận giải thưởng Nobel.

Theo thống kê năm 2011 Trường Đại học Toronto có 2547 giảng viên cơ hữu (hiện đã tăng lên khoảng 3000) và 4335 nhân viên phục vụ. 

Số lượng sinh viên là trên 33.300 em thuộc nhiều quốc gia và số nghiên cứu sinh là 12.732 người (!).

Trung bình hiện nay một giảng viên cơ hữu (không ai dưới trình độ Tiến sĩ) trên tỷ lệ 22 sinh viên và nghiên cứu sinh. 

Thường mỗi năm mỗi giáo sư chỉ có 1 nghiên cứu sinh nhận bằng Tiến sĩ cho nên không có ai nhận hướng dẫn đồng thời quá 5-6 nghiên cứu sinh.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng dự hai lễ tốt nghiệp Đại học và nhận bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ tại trường Đại học Toronto.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng dự hai lễ tốt nghiệp Đại học và nhận bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ tại trường Đại học Toronto.

Tôi may mắn được tham dự hai lễ tốt nghiệp Đại học và nhận bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ tại trường Đại học này. 

Chúng ta thường phê phán Viện Hàn lâm Khoa học xã hội ở nước ta đào tạo mấy trăm nghiên cứu sinh một năm, nhưng ở đây tôi chứng kiến một lễ tốt nghiệp hai ngày liền đông vui như hội.

Tất nhiên là chất lượng các nghiên cứu sinh không thể tương đương nhau.

Chỉ riêng Thư viện của trường này với 12 triệu đầu sách, được xếp thứ ba trên toàn Bắc Mỹ (sau Thư viện Quốc hội Mỹ và Thư viện của Đại học Harvard).

Điều này đã đủ thấy điều kiện nghiên cứu của nghiên cứu sinh thuận lợi biết chừng nào.

Ngày đầu là lễ tốt nghiệp Đại học với số người đông kín một quảng trường rộng như sân bóng đá.

Ngày hôm sau là lễ tốt nghiệp vô cùng trang trọng cho khoảng 300 tiến sĩ và 400 thạc sĩ. Chưa tính đến nhiều nghiên cứu sinh nước ngoài không có điều kiện bay sang nhận bằng, nhà trường sẽ tổ chức gửi bằng đến tận nơi.

Tiến sĩ Nguyễn Vũ Hoàng tại trường Đại học Toronto.
Tiến sĩ Nguyễn Vũ Hoàng tại trường Đại học Toronto.

Có vài tiến sĩ là người gốc Việt và có một tiến sĩ đến từ Việt Nam. Đó là cháu đích tôn của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên - Tiến sĩ Nguyễn Vũ Hoàng, Cán bộ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Điều thú vị là hướng dẫn Hoàng lại là hai giáo sư gốc Việt – Giáo sư Lương Văn Hy và nữ Giáo sư Trần Tuyết Nhung.

Bài và ảnh: Giáo sư Nguyễn Lân Dũng