LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa X, XI, XII.
Trong bài viết này, Giáo sư tổng hợp những ý kiến của các thầy cô giáo đang giảng dạy tại các bậc học phổ thông về chương trình giáo dục tổng thể.
Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.
Thời gian vừa qua tôi có dịp đến nhiều trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông để thực hiện việc nói chuyện ngoại khóa về Kỹ năng sống với học sinh.
Các em rất thích thú và có thể ngồi yên lặng ngoài trời 2-3 giờ liền để nghe tôi kể chuyện và tham gia đối thoại (có thưởng bằng sách của tôi).
Nhân các chuyến đi này tôi được nhiều thầy cô giáo đóng góp những ý kiến rất thiết thực về Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Kết hợp với những ý kiến tâm huyết đã được phát biểu trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tôi xin nêu lên các vấn đề sau đây để Bộ Giáo dục và Đào tạo và Giáo sư Tổng chủ biên quan tâm tiếp thu:
1. Các cô giáo bậc Tiểu học băn khoăn về mấy chuyện sau đây
- Các em còn nhỏ, vẫn đang gắn bó mật thiết với gia đình, chỉ nên dạy đọc trôi chảy, vở sạch chữ đẹp, tính toán nhanh, thuộc cửu chương, yêu thầy, mến bạn, hiếu thảo với bố mẹ, ông bà, nhường nhịn với anh chị em, hiếu học, thích quan sát và tìm hiểu tự nhiên.
Quan trọng là học nhẹ nhàng và thiết thực, sao cho “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
- Nghi ngờ về hiệu quả của các môn Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu tin học, Tìm hiểu công nghệ, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo…
Lấy đâu ra giáo viên đã có kinh nghiệm giảng dạy các môn này, trong khi cả nước đang dư thừa trên 41.000 giáo viên Tiểu học.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Nhồi nhét nhiều thế để làm gì. Học nhiều thứ như vậy sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của các yêu cầu nói trên.
Học sinh tiểu học không nên có việc làm bài thêm ở nhà. Các môn mới giáo viên đã được đào tạo bao giờ đâu?
- Môn học Cuộc sống quanh ta hoàn toàn có thể kết hợp với các môn Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên.
- Môn tiếng dân tộc có nên đặt ra yêu cầu dạy và học không? Nếu có thì dạy và học thế nào?
Các em người dân tộc không có chữ viết đã nói thành thạo ngôn ngữ mẹ đẻ rồi, nên dành thời gian để học ngôn ngữ phổ thông vì từ đó dễ dàng viết tiếng dân tộc.
Các dân tộc có chữ viết riêng cần học từ lớp 1 để bảo tồn thứ chữ viết đó. Với số học sinh này nên dành tiếng Anh để học từ cấp II vì không thể học một lúc ba ngôn ngữ được.
Các trường quốc tế nếu học thêm ngôn ngữ thứ ba phải bắt đầu từ các lớp cao hơn.
- Chủ trương dạy ngoại ngữ sớm là đúng nhưng không có cơ sở lý luận nào để bắt đầu học từ lớp ba chứ không phải từ lớp một.
Liên quan tới vận mệnh quốc gia, dân tộc, hãy nhìn rừng, đừng nom cây |
Nếu bắt đầu dạy cuốn chiếu thì sao không dạy từ lớp một? Vấn đề khó khăn nhất là làm sao có đủ giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn?
- Trong một trường Tiểu học không thể có các lớp học theo những số giờ khác nhau mỗi tiết. Thế thì đánh kẻng ra sao?
- Liệu cơ sở vật chất như hiện nay có thể triển khai môn Trải nghiệm sáng tạo ở bậc Tiểu học được hay không?
- Số giờ ở bậc Tiểu học là quá nặng - Lớp 1 là 1147 tiết học, trong khi ở Nhật là 1035 tiết và ở Phần Lan là 855 tiết.
2. Các thầy cô giáo ở bậc Trung học cơ sở băn khoăn về mấy chuyện sau đây
- Không có môn Khoa học xã hội mà vẫn giữ nguyên môn Khoa học
tự nhiên là vô lý. Việc tách môn Lịch sử ra là do có một nghị quyết hơi vội vàng của Quốc hội.
Với việc định phân ban từ lớp 10 thì số giờ dạy Lý, Hoá, Sinh chung cho mọi học sinh là còn quá ít.
Có thể tích hợp Sinh học (nên gọi là Khoa học về sự sống như ở nhiều nước phát triển) với Khoa học Trái đất, với Bảo vệ môi trường, Bảo vệ đa dạng sinh học, với Bảo vệ sức khoẻ… Không có chuyện tích hợp với Vật lý, Hoá học.
Lý và Hoá sẽ có những chuyện tích hợp khác, không phải là tích hợp với Sinh học.
Đừng nhầm lẫn sách giáo khoa Nature ở Mỹ là chương trình tích hợp. Trong sách này có ba Unit khác nhau và do các thầy Lý, Hoá, Sinh dạy riêng rẽ, chả thấy có tích hợp gì cả.
- Môn Công nghệ và Hướng nghiệp nên giúp học sinh có thể học nghề ngay sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở phù hợp với cuộc Cách mạng 4.0.
Có thể tham gia cuộc vận động phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao, tham gia lao động tại các Công ty liên doanh với nước ngoài, hoặc từng bước tiến tới tự xây dựng doanh nghiệp (như mô hình Mười Bơ ở Đăk Lắk)
- Trong khi chưa có giáo viên được đào tạo về các môn Công nghệ và hướng nghiệp, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo thì cả nước lại đang dư thừa trên 12.000 giáo viên Trung học cơ sở. Phải giải quyết ra sao?
3. Các thầy cô giáo ở bậc Trung học phổ thông băn khoăn về mấy chuyện sau đây
Chương trình phổ thông mới: Cần thiết là chất lượng không phải là thời gian |
- Môn Giáo dục quốc phòng và an ninh không nên học trải ra từng tuần (rất vô duyên), mà nên dồn số giờ lại thành một đợt tập trung, mặc trang phục bộ đội và rèn luyện trên thao trường, sinh hoạt tập trung như quân ngũ.
Không phải chủ yếu ở kỹ năng bắn súng trường, ném lựu đạn. Chiến tranh nếu có xảy ra chắc sẽ không giống các cuộc chiến trước đây.
Môn học này chủ yếu phải là để rèn luyện tinh thần đoàn kết, kỷ luật và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
- Môn Giáo dục thể chất nên là một môn ngoại khoá, phù hợp với thể lực và sự ham thích của từng học sinh.
Không nên có yêu cầu giống nhau với mọi đối tượng và phải làm cho học sinh cảm thấy thật sự bổ ích.
- Việc phân ban chỉ nên từ lớp 11 để kiến thức cơ bản có đủ với mọi học sinh trước khi vào đời.
- Không nên để học sinh tự lựa chọn quá nhiều, gây khó khăn cho việc tổ chức học và biên chế giáo viên. Nên tham khảo kinh nghiệm Nepal là chỉ có 4 ban (Toán Lý, Hoá Sinh, Khoa học xã hội và Quản trị kinh doanh).
Mỗi ban chỉ học có 4 môn, cho nên rất dễ đi sâu về hướng nghiệp hoặc chuẩn bị để học tiếp cao hơn.
- Việc làm Chương trình và Sách giáo khoa không nên tiêu quá nhiều tiền:
Tổng số tiền đi vay để làm là 80 triệu USD, trong đó vay ODA 77 triệu USD.
Theo dự kiến sẽ chi cho Hỗ trợ và phát triển Chương trình, Hỗ trợ biên soạn và thực hiện sách giáo khoa, chi cho Đánh giá và phân tích kết quả để liên tục cải tiến chương trình và sách giáo khoa, và cho Quản lý và dự phòng...
Theo kế hoạch này thì những người đề xuất và quản lý, triển khai dự án sẽ phải chịu trách nhiệm quá lớn trước nhân dân, trước công luận.
- Đơn giản hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn là thực hiện việc giao cho các Hội chuyên ngành (Toán, Lý, Hoá, Ngôn ngữ, Lịch sử, Địa lý, Mỹ thuật, Âm nhạc…) biên soạn dưới sự chỉ đạo của Bộ.
Sách giáo khoa do nhiều nhóm tác giả khác nhau biên soạn (chỉ cần đúng chương trình, không sai về khoa học và chính trị) theo như Nghị quyết của Quốc hội.
Một mình Bộ không nên đứng ra biên soạn chương trình và viết sách giáo khoa cùng với việc tiêu tốn quá nhiều tiền vay mượn nước ngoài.
- Các môn Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Thiết kế và Công nghệ, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo giáo viên chưa được đào tạo thì làm sao có thể giảng dạy có hiệu quả?
Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới đã tiếp thu những góp ý nào? |
- Chuyện học sinh có thể sang cơ sở khác để học môn tự chọn là chuyện bất khả thi.
- Chưa rõ tinh thần đào tạo ở lớp 10 là tiếp tục chương trình Trung học cơ sở (chưa phân ban) hay bắt đầu chuyện phân ban của bậc Trung học phổ thông?
- Với 35 tiết Hoạt động nghệ thuật ở lớp 10, 105 tiết Mỹ thuật ở lớp 11 và ở lớp 12, 105 tiết Âm nhạc ở lớp 11 và ở lớp 12 thì lấy đâu ra giáo viên, trong khi lại đang dư thừa trên 17.000 các giáo viên khác ở bậc Trung học phổ thông?
Với 2700 trường Trung học phổ thông trong cả nước, sẽ lấy đâu ra có ngay 5400 giáo viên dạy Mỹ thuật và Âm nhạc?
- Thế hệ học sinh Trung học phổ thông hôm nay là chủ nhân của giai đoạn cách mạng khoa học 4.0 trong những năm tới.
Chương trình giáo dục Trung học phổ thông không thể tách rời với cuộc cách mạng rất quan trọng này.
- Liệu học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông đã có đủ tự tin và đủ khả năng để tự học, tự tra cứu trên internet, biết tư duy độc lập và có khả năng tiếp cận hướng nghiệp hoặc học tiếp ở bậc Đại học hay chưa?
Nếu đạt được thì là khoảng bao nhiêu phần trăm?
4. Những vấn đề chung cho Giáo dục phổ thông
- Có lẽ chỉ có ta mới đặt môn Giáo dục quốc phòng và an ninh lên trước các môn văn hoá!
- Việc xét hạnh kiểm học sinh luôn làm thầy cô mệt mỏi và căng thẳng. Nhiều học sinh bị phạm lỗi nhỏ mà bị khó khăn trong suốt quãng đời về sau.
Đánh giá nhân cách một con người không thể thông qua học lực hay vài hành vi vi phạm nội quy của trường. Đạo đức con người không thể xếp loại Khá, Tốt, Kém, Trung bình, Yếu!
- Nội dung giáo dục hướng nghiệp vẫn đi theo khuôn sáo cũ, nhẽ ra phải trải qua nhiều giai đoạn từ tìm hiểu, lựa chọn kế hoạch, xây dựng các bước đi để có thể hoàn chỉnh sự nghiệp.
Không nên chỉ vì để cộng thêm điểm cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10!
- Hoạt động Trải nghiệm sáng tạo không nên coi là một môn học. Đây là hoạt động ngoại khoá và nên lồng ghép vào nhiều hoạt động khác nhau.
Cần làm rõ Thế nào là trải nghiệm sáng tạo ở từng độ tuổi? Nếu không tạo dựng được niềm vui, lòng khát khao tri thức và vận dụng tri thức thì đừng mong có sáng tạo.
Kiến nghị 12 điểm cho chương trình phổ thông mới |
Hãy để các thầy cô được tự sáng tạo cách thức họ dạy, họ truyền cảm hứng cho học sinh.
- Bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông sẽ theo người học suốt đời. Nếu bỏ kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia là phạm luật. Nên tham khảo cách thi của Mỹ - học gì thi nấy và có thể thi nhiều lần ngay từ lớp 11.
Việc tuyển sinh vào Đại học nên để các trường hoàn toàn tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
- Đổi mới cách dạy Ngữ văn, không nên học như Văn học sử, không nên chỉ chú trọng khen và bình luận tác phẩm, tác giả.
Những tác phẩm có giá trị nhưng văn chương lủng củng thì không nên học ở bậc phổ thông. Văn là đời, học văn là học để sống.
- Học sinh không thích học Sử không phải vì môn Sử mà là do cách dậy và nội dung kiểm tra.
Chẳng hạn, thật vô lý khi hỏi về diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ (trong thời đại kỹ thuật số chỉ một cú nhấp chuột là có hết!)
- Chương trình tổng thể bị ám ảnh quá mức với các Nghị quyết, Chính sách nên quá tham vọng và mang tính khẩu hiệu hơn là thực chất.
- Sáu phẩm chất chính nên là Yêu đất nước, Yêu con người, Chăm học, Chăm làm, Trung thực, Trách nhiệm. Chỉ cần ba năng lực, đó là: Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.
- Đổi mới căn bản và toàn diện là dạy cho học sinh ham thích, đam mê hay tiếp tục dạy cho học sinh đạt điểm cao như thực trạng hiện nay? Bằng cách nào để có thể thay đổi thực trạng này?
- Nước ta vẫn là nước nông nghiệp cho nên hướng nghiệp không nên chỉ nặng về Tin học mà còn cần hướng về Nông Lâm Ngư nghiệp.
Cũng nên biết rằng trên thế giới mỗi năm có khoảng 500 nghề mất đi và xuất hiện thêm 600 nghề mới, nhất là trong kỷ nguyên Công nghệ 4.0 như hiện nay.
- Thời gian để xây dựng Chương trình tổng thể và góp ý kiến là quá ngắn, dự kiến triển khai cuốn chiếu ngay từ niên học 2018-2019 là quá vội vã.
Việc triển khai ngay từ lớp 10 trong khi học sinh học Trung học cơ sở theo chương trình cũ liệu có thỏa đáng hay không?
Đừng quên cho đến nay còn chưa có chương trình môn học và các nhóm tác giả chưa có thể bắt tay vào biên soạn sách giáo khoa.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trong một buổi nói chuyện với học trò |
Còn phải có thời gian thí điểm chương trình và sách giáo khoa mới. Cho nên về dự kiến chương trình triển khai cần xem xét lại để coi có khả thi hay không?
- Không nên bỏ qua mục đích giáo dục theo UNESCO, đó là Học để biết, học để làm, học để chung sống cùng nhau và học để tự khẳng định mình!
Có nghiên cứu quốc tế cho thấy Học để làm người tự do - Tự do tư tưởng (phát triển nhận thức của riêng mình, đón nhận một khung nhận thức mới khách quan hơn và toàn diện hơn);
Tự do lựa chọn (tự chịu trách nhiệm, không bị ép buộc hay vì a dua, tự làm chủ cuộc đời mình);
Tự do trở thành (làm chủ bản thân và đón mọi tình huống mà mình phải đối mặt một cách tự nhiên và có hiệu quả);
Tự do kiến tạo (thấu hiểu các giới hạn do quá khứ để lại để kiến tạo cái mới, kiến tạo chính cuộc đời mình, mang lại một giá trị đích thực cho cuộc sống).