Môi trường tự do học thuật quyết định tới phát triển giáo dục tinh hoa

21/04/2015 07:20
Xuân Trung
(GDVN) - Từ “trách nhiệm xã hội” dễ hiểu cho một số người, nhưng đối với phần lớn của xã hội thì còn rất trừu tượng.

LTS: Tự chủ đại học ở Việt Nam đã được Luật Giáo dục Đại học quy định rõ, tuy nhiên vẫn có những quan điểm khác nhau về tự chủ hay tự trị.

Loạt bài về “Tự chủ đại học” đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam vừa qua đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các chuyên gia, những người quan tâm tới giáo dục ở trình độ đại học.

Chính họ đã tham gia vào quá trình phản biện, góp ý và tìm ra giải pháp cho hàng loạt những chủ trương, chính sách của ngành suốt thời gian qua.

Qua câu chuyện tự chủ đại học, ông Trần Đức Cảnh – một người có nhiều năm kinh nghiệm quản lý và xây dựng chính sách cho các Chương trình Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực tại bang Massachusetts (Hoa Kỳ) đã có buổi trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam về chủ đề này.

Đây là quan điểm cá nhân của ông Trần Đức Cảnh khi nói về tự chủ đại học ở Việt Nam so với cách tự chủ mà Hoa Kỳ đang áp dụng, đó cũng là một hướng gợi ý và tham khảo đáng quan tâm.

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Có trách nhiệm mới mong có hiệu quả

PV: Trước hết, làm rõ khái niệm tự chủ đại học cần được hiểu như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Đức Cảnh: Ở các nền giáo dục tiên tiến, cụm từ “tự chủ đại học” hiếm khi được nhắc tới, vì đó là chuyện đương nhiên.

Tự chủ đại học phải có ý nghĩa bao hàm: tự do học thuật, tổ chức và quản lý và tài chính. Hai vế sau là điều kiện cần và vế đầu là mục tiêu. 

Tự do học thuật là linh hồn của đại học, nếu không có tự do học thuật thì chúng ta không thể đào tạo ra lớp người sáng tạo, có tri thức, tư duy logic của thời đại..

Môi trường tự do học thuật quyết định tới phát triển giáo dục tinh hoa ảnh 1

Ông Trần Đức Cảnh.

Ý nghĩa của tự chủ đại học vô cùng to lớn trong việc phát triển giáo dục đại học Việt Nam hiện nay, đặc biệt là trong thế giới hội nhập đang diễn ra chung quanh ta.  Luật Giáo dục Đại học đã có phần nào làm rõ khái niệm tự chủ đại học.

Quyền hành và trách nhiệm cụ thể của một đại học tự chủ theo ông là gì?

Ông Trần Đức Cảnh: Tự chủ đại học hay bất cứ lĩnh vực quản lý nào khác, quyền hành bao giờ cũng phải đi đôi với trách nhiệm, cụ thể từng chức vị và tổ chức chứ không theo lối trách nhiệm tập thể chung chung, rồi cuối cùng không ai chịu trách nhiệm.

Một trường đại học công lập hay ngoài công lập phải có quyền tự quản lý, điều hành và chịu trách nhiệm mới mong hoạt động hiệu quả.

Thiết kế một hệ thống tổ chức dù lớn hay nhỏ, cân đối giữa quyền hành và trách nhiệm không phải là chuyện khó, khả năng ứng dụng thành công vào môi trường, điều kiện nào là một việc khác.

Hội đồng Trường hay Hội đồng Quản trị là bộ phận cao nhất của một đại học, sau đó là Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu.

Có quan điểm cho rằng, trao quyền tự chủ đại học có nghĩa là các trường đều hưởng mức tự chủ như nhau. Điều này có đúng không, thưa ông?

Ông Trần Đức Cảnh: Về góc độ học thuật thì tinh thần tự chủ nên như, nhưng về góc độ tổ chức và quản lý thì có thể khác nhau, giữa hệ thống trường công và trường ngoài công lập.

Ngoài ra, có những trường hợp như trường mới thành lập hay trường trong giai đoạn bị chế tài, mức tự chủ có thể bị giới hạn. Mục tiêu lâu dài của tự chủ đại học là tính ổn định và điều kiện phát triển cho toàn bộ hệ thống trường đại học, do đó cần giới hạn tối đa các quyết định và yếu tố ngoại vi, ảnh hưởng trực hay gián tiếp đến môi trường học thuật.  

Môi trường tự do học thuật quyết định tới phát triển giáo dục tinh hoa ảnh 2

Luật đã cởi trói về tự chủ, nhưng còn trách nhiệm của người thực hiện

(GDVN) - GS. Lâm Quang Thiệp nói về tự chủ đại học hiện nay, theo ông, chúng ta đã có luật để “cởi trói” cho nhà trường, nhưng còn phụ thuộc thực hiện như thế nào?

Vì là tài sản công và nhận sự hỗ trợ tài chính từ phía nhà nước, nên hệ thống trường công vẫn phải chịu trách nhiệm với đơn vị chủ quản, và đơn vị cung cấp nguồn tài chính. Các trường ngoài công lập thì do Hội đồng Quản trị hay tổ chức tương tự quản lý, mô hình quản lý đại học có khác nhau.

Mô hình quản lý giáo dục đại học công và ngoài công lập rất phổ biến ở Mỹ: đơn vị chủ quản hệ thống trường đại học công nằm trong quyền hạn của chính quyền Bang.

Các Bang đều có một Hội đồng Giáo dục Đại học, nhân sự do Thống đốc Bang bổ nhiệm theo từng nhiệm kỳ. Hội đồng Giáo dục điều hành chính sách toàn bộ hệ thống trường đại học (cộng đồng) 2 năm và 4 năm trở lên, trong phạm vi Bang.

Mỗi đại học công có một Hội đồng Trường, nhân sự cũng do Thống đốc Bang quyết định theo từng nhiệm kỳ. Bình thường thì số thành viên của Hội đồngTrường có từ 15 đến 25 người, và Hiệu trưởng là người duy nhất đại diện cho trường trong Hội đồng, và có thể có một đại diện Hội sinh viên.

Thành phần còn lại là những người có uy tín trong xã hội, hiểu biết và quan tâm sâu sắc đến giáo dục đại học. Vai trò của Hội đồng trường là quản lý vĩ mô, giúp trường cân đối và phát triển, chứ không xen sâu vào công việc điều hành của Hiệu trường hay mang tính kiểm soát.  

Về phương diện tài chính thì trường tự cân đối nguồn ngân sách hằng năm, và kế hoạch 3-5 năm, nguồn tài chính hỗ trợ từ ngân sách của Bang, học phí và các nguồn khác.

Hệ thống trường Ngoài công lập thì Hội đồng Quản trị là bộ phận cao nhất để quyết định các vấn đề chính. Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu có trách nhiệm và quyền hành trường, tự cân đối ngân sách, chi tiêu.  

Hệ thống trương ngoài công lập có chia lời ở Mỹ hoạt động như  một doanh nghiệp.

Các trường đại học tự chủ phải đi đôi với trách nhiệm xã hội, thưa ông, vậy trách nhiệm xã hội ở đây được hiểu như thế nào?

Ông Trần Đức Cảnh: Từ “trách nhiệm xã hội” dễ hiểu cho một số người, nhưng đối với phần lớn của xã hội thì còn rất trừu tượng.

Rõ nét nhất là lâu dài người học và xã hội cảm nhận được giá trị sản phẩm mà một trường đã tạo ra, đó là “đầu ra”.

Tuy nhiên, cách đón nhận và sử dụng đầu ra trong xã hội hiện nay không hoàn toàn công bình và minh bạch .. nên sự đánh giá sản phẩm đầu ra rất khó cho nhiều trường hợp.

Giáo dục song hành cùng nhu cầu thị trường

Luồng ý kiến khác nói rằng, trách nhiệm xã hội ở đây là "nghĩa vụ giải trình" của trường đại học với xã hội, tức là trường nào cam kết không đúng, làm sai thì phải chịu trách nhiệm?

Ông Trần Đức Cảnh: Theo tôi thì có 2 luật quan trọng nhất: Luật pháp xã hội và Luật thị trường. Nếu cấu trúc xã hội xây dựng hoàn chỉnh cho 2 Luật này vận hành tốt, thì sẽ giải quyết vô vàn các vấn đề trong đó có giáo dục.

Nghĩa vụ giải trình và tính công khai minh bạch phải là một phần của Luật, chứ không đơn thuần là việc cam kết chung chung.

Quy luật thị trường sẽ đào thải những gì không đúng với giá trị của nó. Sẽ có những trường thu hút lượng sinh viên tốt, tỷ lệ “chọi” rất cao, ngược lại sẽ có những trường không tuyển đủ số sinh viên để tồn tại.

Môi trường tự do học thuật quyết định tới phát triển giáo dục tinh hoa ảnh 3

GS. Mai Trọng Nhuận: Tự chủ giả hiệu sẽ không có Đại học đích thực

(GDVN) - Không có một trường đại học nào có thể hoàn thành sứ mệnh của mình mà không có quyền tự chủ cần thiết.

Sản phẩm đầu ra lâu dài là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của đại học đó. Hiện nay sản phẩm đầu ra có phần lệch lạc, một phần do cơ chế tuyển chọn và sử dụng nhân sự, nhưng lâu dài sản phẩm của giáo dục cũng không thoát ra được sự vận hành của cơ chế thị trường.      

Trách nhiệm xã hội có khiến các trường đại học cạnh tranh với nhau hay không, có ảnh hưởng gì tới sự phát triển của các trường đại học hay không, thưa ông?

Ông Trần Đức Cảnh: Giáo dục đại học không thoát ra được “thị trường nguồn nhân lực” (market-driven) cả đầu vào và đầu ra.

Nếu phần lớn sinh viên tốt nghiệp được thị trường lao động đón nhân tích cực, thì uy tín trường sẽ đươc nâng cao, có thể đầu vào sẽ cạnh tranh hơn, tài chính và điều kiện phát triển của trường sẽ tốt hơn, hay ngước lại.

Tuy nhiên, không phải tất cả ngành học đều “nhạy cảm” theo thị trường, một số ngành cần thiết cho nhu cầu phát triển xã hội như sư phạm, xã hội, y tế, nghiên cứu cần có sự kết hợp trong kế hoạch giữa đại học, chính quyền và xã hội.

Ngay cả những ngành cần sự hỗ trợ ngân sách nhiều hơn để đào tạo, cần chính sách để cân đối nguồn lực chuyên môn, cần thiết cho xã hội, nhưng lâu dài những ngành nghề này vẫn theo quy luật của thị trường.
 

Xét chung lại, tự chủ đại học có sức ảnh hưởng như thế nào đối với một trường đại học trong xu hướng hiện đại?

Ông Trần Đức Cảnh: Tự chủ đại học sẽ góp phần không nhỏ tạo ra môi trường tự do học thuật là cái nôi của tri thức, sáng tạo và phát huy những tinh hoa.

Nước Mỹ thu hút một số lượng lớn trí thức hàng đầu thế giới đến nghiên cứu, giảng dạy và làm việc, bao gồm các nước Âu Châu là nhờ họ có môi trường tự do học thuật tốt hơn hết.  

Nói cho cùng, không có môi trường tự do học thuật thì không thể phát triển giáo dục tinh hoa.  

Thử quan sát cách điều hành quản lý củ một đại học danh tiến ở Mỹ, có thể ta ngạc nhiên vì cách vận hành trông rất thiếu trật tự và kém hiệu quả, so với một công ty nào đó.

Điều lạ là sau sự lộn xộn đó, hầu như mọi người biết mình muốn và hướng tới điều gì trong điều kiện và không gian của mình, tính tự chủ thể hiện từ mỗi cá nhân, mỗi đại học .. tạo nên môi trường và không gian tự do học thuật cần thiết để phát triển.

Trân trọng cảm ơn ông.

Xuân Trung