LTS: Lý giải việc ngày càng có nhiều học sinh giỏi, cô giáo Thuận Phương cho rằng chủ yếu do tâm lý "sính thành tích" của phụ huynh và nhà trường.
Theo đó, các phụ huynh thường cho con đi học thêm để được thầy cô giáo nâng đỡ giúp con có một hồ sơ đẹp nhằm chạy vào trường điểm.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mới đây, thầy Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, trong khoảng 4 nghìn hồ sơ nộp về trường để xét tuyển vào lớp 6 thì có tới 1 nghìn hồ sơ đạt điểm 10 cả 2 môn Toán và Tiếng Việt suốt 5 năm tiểu học.
Do nhà trường chỉ lấy khoảng 6 trăm em nên phải xét đưa ra tiêu chí phụ là các giải thưởng văn hóa, thể thao để chọn lọc.
Nhưng cứ 10 thí sinh đăng ký vào trường thì 3 em có giải thi học sinh giỏi cấp trường, cấp quận, thi Toán, tiếng Anh qua mạng, thể dục thể thao, giấy chứng nhận ngoại khóa…
Trong số những điểm 10 và những giấy chứng nhận kia có ai đảm bảo được có bao nhiêu điểm 10, bao nhiêu giấy chứng nhận là đích thực?
Chuyện “chạy điểm, chạy giải thưởng” cho học sinh không chỉ xuất phát từ phụ huynh mà chính nhà trường và giáo viên cũng đã và đang trực tiếp ra tay làm nên những thành tích ảo này.
Ngày càng có nhiều học sinh giỏi. (Ảnh minh họa: Nhandan.com.vn) |
Gửi con học thêm
Cho con đi học thêm để tăng cường kiến thức nhưng vẫn có không ít phụ huynh lại có mục đích “cao cả” hơn đó là có được một hồ sơ đẹp để con dễ dàng vào học ở ngôi trường chuẩn.
Một đồng nghiệp của tôi dạy lớp 5 kể lại rằng: “Có phụ huynh đến nhà gửi con học thêm nhưng đề nghị thẳng thừng con tôi đã 4 năm đạt học sinh giỏi xuất sắc.
Năm này, gia đình muốn con cũng được như thế để có thành tích xin vào học ngôi trường điểm”.
Sau khi sát hạch, cô bạn đồng nghiệp nói lực học của cậu bé ấy chỉ ở hạng trung bình bởi kiến thức lớp dưới nắm chưa vững.
Qua việc tìm hiểu, cô bạn tôi mới biết 4 năm học trước đây phụ huynh cũng gửi con cho cô giáo chủ nhiệm dạy kèm cả ngày.
Và vì thế, kết quả học sinh xuất sắc chỉ như món quà giáo viên dùng trả ơn lại phụ huynh chứ thực ra với sức học như thế em chỉ đủ mỗi năm lên một lớp.
Không ít phụ huynh lại dùng quà cáp để thăm hỏi giáo viên và chẳng ngần ngại đặt thẳng vấn đề:
“Tôi làm khuyến học luôn phát thưởng cho học sinh giỏi mà con mình không có thấy quê lắm. Gia đình tôi cũng muốn nở mày nở mặt với xóm làng một chút…”.
Nhà trường muốn thành tích
“Học sinh xuất sắc” nhiều, có mừng được không? (GDVN) - Ở bất cứ ngành nào gian dối cũng để lại những điều tai hại cho xã hội nhưng đối với ngành giáo dục còn nguy hiểm hơn nhiều. |
Theo quy định, giáo viên có học sinh giỏi cấp huyện thị trở lên sẽ được tính như một sáng kiến kinh nghiệm.
Nhà trường có nhiều giải học sinh giỏi, trường cũng có tiếng vang.
Bởi thế, sau khi chọn được “gà nòi” để huấn luyện, thầy cô bắt đầu cuộc hành trình đi tìm giải thưởng cùng học sinh.
Cũng phải nói, ngoài một số giáo viên may mắn có được những em học sinh giỏi thật sự thì việc cầm chắc trong tay những giải thưởng chỉ còn là thời gian.
Bên cạnh đó, vẫn có không ít thầy cô tìm hoài vẫn không có được nguồn. Muốn có giải, họ đành cậy nhờ vào những yếu tố bổ trợ khác.
Chẳng hạn, một số giáo viên chẳng biết đã làm cách gì mà có được những dạng đề na ná trong đề thi nên việc học sinh không thật sự giỏi nhưng lại đạt điểm cao ở những kì thi học sinh giỏi cũng chẳng còn là chuyện hiếm.
Một số trường học khác lại khuyến khích thầy cô lập nick hỗ trợ học sinh giải toán, tiếng Anh để tham dự thi violympic.
Không ít giáo viên đã miệt mài làm thay học trò qua các vòng để đủ điều kiện đi thi. Ngoài ra, thầy cô phải tải đề trên mạng, xin đề các vùng miền khác đã thi trước để ôn luyện cho các em theo kiểu học tủ.
May mắn khi vào phòng thi, em nào trúng được gói đề ấy xem như cơ hội đỗ chiếm trọn 100%.
Nhờ thế, mỗi đợt thi violympic toán, tiếng Anh có trường đỗ tới vài chục em một đợt.
Có thể nói chính phụ huynh và nhà trường đang vì một chữ “danh” để lao vào cuộc “chạy điểm, chạy trường”.
Điều này chứng tỏ chúng ta đang đánh đổi những giá trị đích thực để lấy về “hư danh’.
Tôi chợt nhớ đến câu nói nổi tiếng của bà Louise nữ tác giả người Mỹ (top 100 nhân vật có ảnh hưởng tâm linh lớn nhất thế giới) rằng:
“Khi chúng ta lấy thứ gì đó không phải của mình, chúng ta hầu như luôn mất đi thứ đáng giá hơn”.