LTS: Câu chuyện cô giáo yêu cầu các bạn tát vào mặt học sinh tại Quảng Bình đã khiến rất nhiều người bức xúc.
Thầy giáo Nguyễn Cao cho rằng vì thành tích thi đua mà cô giáo đưa ra "tối kiến" như vậy thì mục đích thi đua, mục đích giáo dục đều trở nên vô nghĩa.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Hành động của cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 6.2, Trường Trung học cơ sở xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình khi đưa ra hình phạt tát vào mặt học trò vi phạm đã gây nên bức xúc cho nhiều người trong xã hội.
Đây là một hình phạt phản cảm và có phần ác ý vô cùng nên rất khó nhận được sự đồng cảm của xã hội trong lúc này.
Hành động của cô đáng trách vô cùng nhưng theo lí giải của cô Thủy thì nguyên nhân bắt đầu từ thành tích thi đua của lớp mà cô đang chủ nhiệm.
Suy cho cùng, thành tích không có lỗi nếu như các trường phát động thi đua một cách khoa học, lành mạnh, kích thích được động lực phấn đấu của học trò.
Biện pháp thực hiện phải bắt đầu từ việc tạo thói quen cho học trò và từ từ uốn nắn để đi vào nền nếp.
Trường Trung học cơ sở Duy Ninh, nơi cô Phương Thủy công tác và đặt ra "quy định" rèn học sinh nói tục bằng hình phạt tát vào má. Ảnh: Infonet.vn |
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý lớp học thì một số giáo viên không có những biện pháp nhân ái, khả thi nên đưa ra những mức phạt mang tính bạo lực, phản giáo dục.
Trong khi, ai cũng biết rằng biện pháp giáo dục học trò bằng bạo lực chưa bao giờ được xem là thông minh và cũng chẳng bao giờ phát huy được hiệu quả.
Trường hợp cô giáo chủ nhiệm lớp Nguyễn Thị Phương Thủy của trường Trung học cơ sở Duy Ninh là một ví dụ điển hình.
Có lẽ, những trò nghịch ngợm, phá phách, gọi tên cha mẹ nhau trong lớp của học trò đã có từ rất lâu rồi.
Nhiều thế hệ học trò không lạ gì khi trong lớp mà thầy cô nói, hay ghi bài trên bảng có chữ nào trùng với tên cha mẹ một bạn nào đó là một số bạn cứ giả vờ hỏi lại để cô thầy đọc lại, hay cố tình đọc lớn chữ có tên cha mẹ bạn rồi cả đám cười cười lên… sung sướng.
Hành động bạo lực của cô giáo nghĩ về những nội quy của nhà trường |
Biết là những chuyện như vậy không phù hợp nhưng việc làm này của học trò không phải là hành động “nói tục” và càng không phải vi phạm ở mức nghiêm trọng.
Đó chỉ là cách trêu chọc nhau quá đà của tuổi học trò, giáo viên chỉ cần khéo léo nhắc nhở là học sinh ắt sẽ thay đổi ngay.
Theo lời kể của Hoàng Long Nhật - em học sinh vừa bị bạn và cô tát 231 cái vào má thì khi em thấy cô ghi trên bảng là “Dân ca Thanh Hoá”, em đọc đến chữ “Thanh” lớn hơn các chữ khác mà “Thanh” là tên mẹ của một bạn trong lớp.
Bạn ngồi bên cạnh liền nói em chửi tên ba mẹ của bạn nên đã nói với cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy và cô giáo chủ nhiệm đã cho 23 bạn trong lớp tát vào tát má.
Sự việc này khiến chúng ta thấy choáng váng. Hàng trăm cái tát vào mặt học trò không chỉ khiến cho học sinh đau đớn phải nhập viện mà có lẽ những thầy cô đang công tác trong ngành giáo dục đau theo vì hình phạt của đồng nghiệp trong ngành.
Hành động của cô Nguyễn Thị Phương Thủy đã bị nhà trường đình chỉ công tác 15 ngày và tiếp tục chờ xử lý tiếp.
Nhưng, chắc chắn một điều là trong lúc này đây cô sẽ phải ân hận vì hành động và phương pháp giáo dục của mình.
Chuyện sai đến đâu sẽ có luật viên chức, pháp luật phán xét một cách công bằng, và với cô Thủy sẽ phải xót xa cho những hành động sai trái của mình trong quãng thời gian còn lại của đời mình.
Bạo lực học đường do sự vô cảm, thờ ơ của học sinh và người lớn |
Nhưng ngay lúc này đây, những hành động của cô Thủy đã khiến cho dư luận bất bình, hình ảnh người thầy ít nhiều bị mai một và làm ảnh hưởng đến hàng triệu giáo viên đang phấn đấu cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Áp lực hiện nay của thầy cô là rất lớn nhưng khi đã chọn nghề sư phạm, điều đầu tiên người thầy phải hướng tới là luôn giữ cho thiên lương của mình trong sáng, nhân ái.
Bản tính có thể nóng giận nhưng khi đứng trước học trò thì người thầy cần phải hành xử bình tĩnh, tế nhị và nhân văn để không làm ảnh hưởng đến danh dự bản thân của mình và của ngành giáo dục.
Trước sự việc này, dù dư luận, phụ huynh học sinh có cảm thông nhưng rõ ràng cơ hội đứng lớp của cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy đã trở nên mong manh và gần như đã không còn cơ hội nữa.
Bởi, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có văn bản yêu cầu Sở Giáo dục - Đào tạo Quảng Bình xác minh, xử lý nghiêm.
Giám đốc Sở Giáo dục Quảng Bình thì nói: “không để một giáo viên như vậy trong ngành giáo dục”…
Trước hành động và việc làm của mình, cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy đã trình bày: “Tôi biết việc làm của mình là sai, cũng do tôi nóng giận và một phần vì áp lực thi đua” khiến chúng ta không khỏi ái ngại.
Có thể lời cô Thủy là chống chế cho sai phạm của mình, cũng có thể là nói đúng.
Bởi, áp lực thi đua ở từng lớp, từng trường bây giờ bây giờ nặng nề và kinh khủng lắm. Nhưng, với cô Thủy bây giờ thì “thi đua” còn có nghĩa gì nữa đâu! Thương thay….
Có lẽ, không phải bây giờ mà trước đây đã có nhiều giáo viên hành xử không phù hợp, bạo lực với học trò.
Gần như những trường hợp như vậy xảy ra thì giáo viên luôn là người chịu tác động nhiều nhất. Nhiều người đã mất nghề, bị dư luận dè bỉu, coi khinh.
Vì thế, trước áp lực thi đua, thành tích thì người thầy cũng cần tĩnh táo và đưa ra những giải pháp hợp lý nhất có lợi cho học sinh, cho ngành và ngay cả với cả bản thân mình.
Đừng mải cuốn vào vòng xoáy thi đua một cách bất chấp để rồi phải ân hận, xót xa cho chính mình trong những năm tháng về sau.