Trước sự quan tâm của Đại biểu Lê Văn Lai (đoàn Quảng Nam) về vấn đề dạy tích hợp, gộp môn Lịch sử vào môn Giáo dục công dân và môn Giáo dục Quốc phòng an ninh, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, môn Lịch sử không bị coi nhẹ mà được coi trọng hơn chương trình hiện hành.
Cụ thể, theo ông Luận: “Các cháu ở bậc Trung học phổ thông đang học học 1,5 tiết Lịch sử/1 tuần.
Trong dự thảo đang lấy ý kiến và đang có tranh luận, các cháu học không học chuyên ban Khoa học xã hội thì học bình quân 2,5 tiết/tuần.
Các cháu vào phân ban Khoa học xã hội thì học 4 tiết/1 tuần.
Tất cả những tiết này đều bắt buộc.
Như vậy, nội dung và khối lượng kiến thức lịch sử tăng lên”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, dự thảo dạy tích hợp môn Sử đang trong quá trình lấy ý kiến nhân dân và các nhà chuyên môn. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng lý giải vì sao lại có việc đưa lịch sử vào môn học Công dân và Tổ quốc?
Ông Luận nói: “Thứ nhất theo tinh thần chủ trương tích hợp. Thứ hai trong luật Giáo dục quốc phòng an ninh có quy định giảng dạy về lịch sử, lịch sử giữ nước, lịch sử quốc phòng. Anh em dự kiến là đưa vào chỗ đó để tránh trùng lặp.
Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi quá khó cho Bộ trưởng Phạm Vũ Luận |
Ngoài các nội dung lịch sử được giảng dạy trong phần giáo dục công dân với tổ quốc thì ở những môn học khác, chúng tôi dự kiến có giảng dạy lịch sử. Ví dụ, giảng dạy về văn học thì cũng gắn với lịch sử.
Chúng ta giảng cho các cháu về Hịch Tướng sĩ, về Bình Ngô Đại Cáo, về Tuyên ngôn độc lập mà không gắn với Lịch sử thì các cháu không thể hiểu được và không thể có rung động".
Cũng theo Bộ trưởng Luận, không phải chỉ Văn học, mà trong Địa lý cũng sẽ gắn với lịch sử.
Đây không phải là tên đất, tên đảo mà gắn với những chiến công, gắn với quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc của cha ông.
"Giáo dục âm nhạc, giáo dục mỹ thuật cũng gắn kết hỗ trợ cho lịch sử. Tôi lấy ví dụ, bây giờ chúng ta dạy cho các cháu cảm thụ về bài hát Câu hò bên bến Hiền lương, Xa khơi… nếu không gắn với lịch sử thì các cháu không có rung động.
Cho nên rất nhiều các môn học khác nữa cũng sẽ làm nhiệm vụ giáo dục truyền thống, hỗ trợ cho giáo dục lịch sử.
Nói tóm lại, thưa Quốc hội trong dự thảo đang lấy ý kiến không hề có ý môn lịch sử không bắt buộc.
Vấn đề cần thảo luận là ở chỗ, cần phải để riêng một môn Lịch Sử hay để lịch sử gắn nó với các môn khác thành tích hợp".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cắt lời: “Anh Luận ơi, sáng nay anh vắng nên tôi nhắc lại câu hỏi cho chính xác: Theo quan điểm Bộ trưởng thì có bỏ môn Lịch sử với tư cách là một môn độc lập không?”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời: “Hiện nay, ban soạn thảo của Bộ đang lắng nghe ý kiến rộng rãi của toàn dân.
Trên cơ sở đó, chúng tôi có thảo luận tiếp thu, sẽ có báo cáo làm việc với ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng lý luận Trung ương, Hội đồng Quốc gia giáo dục, Ủy ban Văn hóa Thanh thiếu niên và Nhi đồng, các Hiệp hội… sau đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ vì đây là chuyện hết sức hệ trọng.
Còn quan điểm của chúng tôi là nếu tích hợp là nhẹ, không thể làm tăng được thì không tích hợp.
Còn nếu tích hợp mà vẫn đảm bảo thì sẽ cho tích hợp. Chúng tôi sẽ làm việc với các chuyên gia giáo dục và chuyên gia lịch sử để có kết luận cuối cùng”.
Đề cập tới bản dịch mới bài thơ “Nam quốc sơn Hà” dậy sóng dư luận thời gian qua, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, những thay đổi không cần thiết, không đem lại hiệu quả cao thì không thêm vào khi đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông. |
Sau trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Đại biểu Lê Văn Lai tiếp tục bấm nút trao đổi lại.
Ông Lai chỉ rõ: “Theo Bộ trưởng việc tích hợp là coi trọng hơn môn Lịch sử chứ không coi nhẹ.
Bộ trưởng có nêu vấn đề thời lượng dạy môn Lịch sử, nhưng tôi nghĩ là thời lượng tiến hành dạy môn Lịch sử chỉ là một khía cạnh, còn những yếu tố quan trọng hơn: Ai? Thầy giáo nào có thể dạy theo kiểu tích hợp?
Việc chuẩn bị của Bộ Giáo dục thế nào quyết định cho việc dạy tích hợp này? Tôi chưa nhìn thấy sự chuẩn bị này, cho nên đồng bào, phụ huynh học sinh, kể cả các nhà khoa học thiếu tin tưởng vào chủ trương này.
Khi môn Lịch sử được dạy một cách độc lập, có hệ thống, có thầy giáo chuyên ngành theo chương trình truyền thống mà môn Lịch sử vẫn có nhiều hạn chế bộc lộ rất rõ. Bây giờ liệu rằng chuyển qua cách dạy mới thì có đảm bảo nâng cao được chất lượng dạy và học không?
Theo cá nhân tôi thì chắc chắn là rất khó, vì bây giờ ta chưa có sự chuẩn bị gì cả về mặt đội ngũ lại làm một việc rất mới chưa có tiền lệ thì tôi rất băn khoăn”.