LTS: Chỉ ra những áp lực đang đè nặng lên giáo viên hiện nay, thầy giáo Nguyễn Nguyên mong rằng những chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được cấp dưới thực hiện triệt để.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Những ngày đầu tiên của năm 2019 này, điều mà giáo viên cảm thấy rất mừng đó là những tín hiệu tích cực từ người đứng đầu ngành giáo dục - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định là sẽ làm tất cả để “giảm áp lực cho giáo viên”.
Song, vấn đề mấu chốt là giảm những gì, giảm ra sao là điều mà đội ngũ giáo viên quan tâm nhiều nhất.
Thực tế thì cụm từ này đã được rất nhiều lãnh đạo nhắc đến nhưng cuối cùng giảm chỗ này, chỗ khác lại tăng lên.
Bởi, dù Bộ có chỉ đạo giảm nhưng lãnh cấp Phòng, Sở và các Ban Giám hiệu nhà trường liệu có giảm cho giáo viên không?
Làm thế nào để giảm áp lực cho giáo viên? Ảnh minh hoạ: Laodong.vn |
Trả lời Báo Người đưa tin, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có những chia sẻ về áp lực của người thầy hiện nay như sau:
“Về việc này, Bộ đã rà soát và cắt giảm rồi nhưng tới đây sẽ tiếp tục cắt giảm nữa, cắt giảm tối đa để giáo viên chuyên tâm cho hoạt động chuyên môn.
Các cuộc thi, hội thi dạy giỏi cũng đang gây áp lực lớn cho giáo viên.
Thi đua dạy tốt học tốt là việc cần có trong mỗi nhà trường nhưng phải tốt thật, thiết thực chứ không phải gây áp lực theo hướng xấu.
Từ năm ngoái, Bộ đã cắt giảm rất nhiều cuộc thi rồi, nhưng vẫn phải tiếp tục rà soát để cố gắng đưa thi đua thành việc thiết thực và hiệu quả”.
Khách quan mà nói, thời gian qua Bộ đã và đang có những chỉ đạo hướng dẫn giảm dần những áp lực cho người thầy.
Tuy nhiên, nhiều thứ vẫn còn lắm nhiêu khê ở dưới cơ sở nên áp lực vẫn luôn bủa vây giáo viên.
Áp lực về thành tích
Những trường học có điều kiện ở nơi đô thị thì thường là chất lượng học sinh đồng đều, có học lực tốt thường tốt hơn.
Nhưng, những trường khó khăn mà các lãnh đạo, quản lý ngành giáo dục luôn áp chỉ tiêu đầu năm bao nhiêu phần trăm khá giỏi, bao nhiêu phần trăm tỉ lệ bỏ học thì quả là cực hình với giáo viên.
Chất lượng thật thì thấp nhưng vì chỉ tiêu đã giao nên giáo viên phải thực hiện.
Nhưng vì chất lượng học sinh khá giỏi thật không có nhiều nên một số giáo viên phải “đôn” lên.
Chúng tôi đã từng chứng kiến giáo viên một số môn có phần kiểm tra trắc nghiệm đã ngang nhiên sửa đáp án của học trò.
Thực tế, sửa đáp án trắc nghiệm rất đơn giản nên có những giáo viên vì thành tích mà họ đã làm những việc như vậy.
Vẫn biết, giáo viên sửa điểm là đáng trách vô cùng nhưng nếu không sửa thì kết quả (thể hiện qua báo cáo) lại thấp, lại bị quở trách, phê bình.
Trong mỗi kỳ kiểm tra học kỳ, nếu mà đề trường ra thì nói thật là chỉ học sinh tệ lắm mới có điểm dưới trung bình.
Bởi vì các thầy cô ôn đi, ôn lại những nội dung sẽ kiểm tra nên học sinh mà chú ý là đã thuộc làu khi ôn.
Khi tổ chức kiểm tra tập trung thì dù có xếp số báo danh, xếp phòng đi chăng nữa cũng chẳng có tác động nhiều đến học sinh.
Bởi, các em chỉ việc “tái hiện” lại những gì mà thầy cô đã ôn trước đó.
Trong các hướng dẫn xếp loại của học sinh hiện nay cũng có nhiều kẽ hở nên nhà trường, giáo viên nhiều khi “lách” qua một cách dễ dành.
Chẳng hạn như đối với học sinh cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đang thực hiện đánh giá, xếp loại học sinh bằng Thông tư 58.
Trong Thông tư này hướng dẫn là học sinh muốn được xếp loại giỏi thì tất cả các môn tính điểm phải đạt từ 6.5 trở lên, điểm bình quân tất cả các môn là 8.0 trở lên, trong đó 2 môn Văn và Toán có 1 môn từ 8.0 trở lên.
Vì thế, nhiều khi các môn khác rất cao, điểm trung bình cũng rất cao nhưng vướng 2 môn Toán và Văn là học sinh bị hạ bậc danh hiệu.
Vì vậy, ngay từ đầu năm thì nhà trường đã chủ động “hướng” giáo viên rất kỹ 2 môn học này để các em không bị vướng khi sơ kết, tổng kết năm.
Thông tư 22 dùng để đánh giá, xếp loại học sinh Tiểu học cũng có hướng dẫn là các môn tính điểm phải từ 9 điểm trở lên, môn nhận xét phải là “hoàn thành tốt” mới được xếp loại học sinh xuất sắc.
Chính vì vậy, những môn tính điểm thì thầy cô thường ôn kỹ lắm bởi cấp học này chủ yếu là trường ra đề.
Các môn còn lại bắt buộc phải theo điểm của học sinh để xếp loại.
Cách xếp loại theo Thông tư 22 thì áp lực lại nghiêng về những giáo viên chuyên (Âm nhạc, Mỹ Thuật, Thể dục).
Áp lực về các cuộc thi, hội thi
Những cuộc thi, hội thi hiện nay thì nhiều vô kể cho tất cả các cấp học.
Đối với giáo viên thì thi giáo viên giỏi, thi chủ nhiệm giỏi, thi sáng kiến kinh nghiệm, thi tìm hiểu về pháp luật, thi tiếng hát công nhân viên, thậm chí cả thi hát karaoke…
Phụ huynh luôn muốn con mình hơn con người ta chính là áp lực của thầy cô |
Mỗi lần tổ chức hội thi bắt buộc nhà trường, giáo viên phải chuẩn bị, việc chuẩn bị rất mất công bởi tập dượt nhiều lần.
Mặc dù hiện nay, Bộ đã có những chỉ đạo là giảm một số cuộc thi đối với học sinh.
Tuy nhiên, cấp Sở vẫn duy trì kỳ thi học sinh giỏi ở cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.
Ngoài kỳ thi được xem là quan trọng này thì có vô vàn cuộc thi khác như thi nghiên cứu khoa học; thi sáng tạo trẻ; thi hùng biện tiếng Anh, tiếng Việt; thi viết thư UPU; thiếu nhi kể chuyện sách… những cuộc thi như thế này tất nhiên là giáo viên phải đầu tư ôn tập cho học sinh rất nhiều.
Thậm chí, có những cuộc thi giáo viên là người thực hiện chính.
Điều mà ai cũng biết là mỗi khi Phòng, Sở phát động, gửi công văn về là bắt buộc nhà trường phải thực hiện.
Một khi nhà trường thực hiện thì giáo viên là người đứng ra chịu trách nhiệm những cuộc thi thuộc môn học của mình.
Ngoài ra còn vô vàn các phong trào khác như văn nghệ, vẽ tranh, thể dục thể thao… mà các cuộc thi liên quan đến các môn này thì nhiều vô kể.
Áp lực hồ sơ sổ sách
Trước đây, khi giáo viên dưới có sở ca thán về quá nhiều hồ sơ sổ sách vô bổ thì ngày 07/1/2014, Bộ Giáo dục đã ban hành Công văn 68 về việc chấn chỉnh lạm dụng hồ sơ sổ sách trong nhà trường.
Bộ đã quy định giáo viên chỉ có 4 loại hồ sơ, sổ sách đó là:
“Giáo án (bài soạn) lên lớp viết tay hoặc đánh máy; có thể kết hợp soạn giáo án các môn học hoặc hoạt động giáo dục trong cùng một cuốn;
Sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp;
Sổ điểm cá nhân (không yêu cầu đối với giáo viên Tiểu học); Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp)”.
Tuy nhiên, về đến cơ sở thì không phải như vậy. Phòng, Sở, Hội đồng bộ môn và Ban giám hiệu “đẻ ra” hàng chục loại sổ.
Nhưng, trớ trêu là các loại sổ làm ra chỉ để đối phó với thanh kiểm tra bởi nhiều loại hồ sơ sổ sách chẳng có một tác dụng gì.
Chẳng hạn như giáo viên có giáo án thì nó đã bao hàm tất cả trong đó nhưng lại phải làm thêm các loại sổ khác như: Kế hoạch tích hợp, lồng ghép; Kế hoạch sử dụng đồ dùng dạy học; Kế hoạch bài giảng, Kế hoạch kiểm tra.
Tổ trưởng chuyên môn còn thêm Sổ theo dõi sử dụng đồ dùng dạy học mặc dù nhà trường có nhân viên thiết bị.
Như vậy, chỉ mỗi chuyện giáo án thì cơ sở “đẻ” thêm 6 loại sổ nữa. Những loại hồ sơ còn lại cũng có thêm rất nhiều loại “sổ con” đi kèm.
Giảm áp lực cho giáo viên như thế nào?
Có lẽ, câu chuyện giảm áp lực cho giáo viên không phải là vấn đề mới nhưng nó chưa bao giờ xưa cũ cả.
Cứ đến hẹn lại lên, những áp lực của người thầy lại càng thêm chồng chất.
Áp lực với lãnh đạo, với học sinh, với phụ huynh, áp lực với chỉ tiêu, áp lực với các hội thi, cuộc thi… luôn cuốn giáo viên vào vòng xoáy áp lực.
Có những áp lực hữu hình những cũng có những áp lực vô hình từ năm này qua năm khác mà không thấy có dấu hiệu dừng lại.
Vì thế, khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời phỏng vấn Báo Người đưa tin về việc lựa chọn từ khóa cho năm 2019, ông đã nói: “Tôi sẽ chọn cụm từ: “Giảm áp lực cho giáo viên”.
Nói thật, cụm từ Bộ trưởng chọn là “Giảm áp lực cho giáo viên” nhưng liệu cấp dưới của Bộ trưởng có chọn như vậy hay không mới là điều quan trọng.
Bởi, Bộ trưởng thì xa quá, lãnh đạo quản lý nhà trường mới là người quản lý, giám sát trực tiếp giáo viên hàng ngày.
Vì thế, theo chúng tôi, Bộ trưởng cần có những chỉ đạo sâu sát và làm tốt được các việc sau:
Thứ nhất: Bỏ các hội thi, cuộc thi không cần thiết. Chẳng hạn đã thi giáo viên giỏi thì thôi thi giáo viên chủ nhiệm giỏi. Hai hội thi này chồng chéo các nội dung với nhau.
Thi giáo viên giỏi không cần thiết phải kèm theo sáng kiến kinh nghiệm. Bởi, thực tế sáng kiến đang có một vị trí riêng được quy định tại Nghị định 56 và Nghị định 88 sửa đổi của Chính phủ.
Thứ hai: Quán triệt triệt để đối với các cấp lãnh đạo ở các địa phương nên ít tổ chức các cuộc thi hiện nay đối với cả thầy và trò.
Nên chắt lọc kỹ những gì cần thiết, phù hợp cả thi, mỗi năm cũng chỉ nên tổ chức một vài cuộc thi tiêu biểu tạo phong trào cho việc dạy và học.
Chứ cứ thi tràn lan như hiện nay thực tế là “tham nhũng vặt” của lãnh đạo quản lý giáo dục ở địa phương.
Bởi, các vị lãnh đạo, quản lý chẳng làm gì ngoài việc ký một vài chữ ký nhưng phong trào nào cũng là người lãnh tiền nhiều nhất.
Thứ ba: Phải giảm hồ sơ sổ sách cho giáo viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở nhà trường.
Nhiều loại hồ sơ vô bổ quá, chẳng có tác dụng gì nhưng lại mất rất nhiều thời gian.
Bộ chỉ đạo tập trung làm tốt công việc chuyên môn là dạy và giáo dục học trò có hiệu quả sẽ thiết thực hơn.
Thứ tư: Bộ cần có đợt tổng rà soát lại các Thông tư, Công văn, Hướng dẫn đã ban hành xem cái nào chồng chéo, cái nào không phù hợp thì bãi bỏ hoặc bổ sung để phù hợp với công việc thực tế hiện nay.
Thứ năm: Cần mở lớp tập huấn về quản lý cho đội ngũ Ban giám hiệu nhà trường một chuyên đề hồ sơ sổ sách cụ thể để thống nhất với nhau giữa các đơn vị.
Bởi, mỗi lãnh đạo một cách chỉ đạo khác nhau, giáo viên chỉ chạy theo mẫu hồ sơ, kế hoạch của lãnh đạo cũng đủ mệt mỏi.
Năm 2019 đã bắt đầu, Bộ trưởng đã chọn từ khóa “Giảm áp lực cho giáo viên” và giáo viên chúng tôi cũng hy vọng từ khóa Bộ trưởng chọn sẽ được thực hiện một cách triệt để nhất kể từ năm nay.
Tài liệu tham khảo:
https://www.nguoiduatin.vn/bo-truong-phung-xuan-nha-2019-la-nam-giam-ap-luc-cho-giao-vien-a416792.html