Ngày 14/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức tọa đàm “Áp lực của giáo viên: Nguyên nhân và giải pháp”.
Dưới góc độ là người lâu năm công tác trong ngành sư phạm, tôi xin đóng góp một số nguyên nhân làm cho giáo viên đã và đang phải gánh chịu nhiều áp lực.
Gánh nặng từ phía phụ huynh
Mỗi gia đình ngày nay cũng chỉ có từ 1 đến 2 con, nên một đứa trẻ đến trường phải chịu sự quản lý của ông bà, cha mẹ. Mong muốn con học giỏi, có tương lai tốt luôn là một điều chính đáng.
Những câu nói “Con phải học giỏi để sau này không khổ như bố mẹ”, “Muốn sau này sung sướng thì con phải chăm học”, “Cố mà học cho giỏi để sau này kiếm được nhiều tiền”…luôn là những câu nói “cửa miệng” mà ông bà, cha mẹ nói với con trẻ mỗi ngày.
Do đó, khi thấy điểm số của con em thấp trong các kỳ kiểm tra “bất chấp tất cả” là đổ lỗi cho các giáo viên “dạy thế nào mà những năm trước cháu thi điểm tốt, đến năm nay thì điểm lại tệ đến như thế này”.
Bên cạnh đó, một phần lớn gia đình hiện nay đang buông lỏng việc dạy con. Có cha mẹ suy nghĩ, người lớn chỉ cần đi làm, con đã có thầy cô, người thân, người giúp việc lo. Cả ngày con đến trường để “ăn-học-ngủ” ở trường, nên nhà trường phải có trách nhiệm trông con cho cha mẹ đi làm.
Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn - giáo viên Trường tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. |
Nhiều gia đình khi con vi phạm, nhà trường báo cho cha mẹ, thì những phụ huynh này lại lặng lẽ, xem đó là lỗi “to bằng móng tay, thầy cô làm lớn chuyện lên”. Cha mẹ đã quên rằng: Sự trưởng thành và hình thành nhân cách của trẻ là sự kết hợp nhịp nhàng giữa 3 môi trường là gia đình, nhà trường và xã hội.
Gần đây, giáo viên không được phép phạt hay trách mắng học sinh, dù rằng các em có tệ đến đâu. Giáo viên cũng không được phép từ chối dạy học sinh, dù rằng bản thân có thể gặp nguy hiểm đến đâu. Một số phụ huynh hiện nay đã tự cho mình quá nhiều quyền năng.
Bộ trưởng muốn nghe giáo viên phản ánh bằng cách nào? |
Bất cứ lúc nào, chỉ cần giáo viên phạm lỗi, là cha mẹ sẽ bất chấp tất cả, đòi lại công bằng cho con em mình ở tất cả mọi nơi, mọi lúc, dù đứa trẻ hư, bất trị, dù rằng chưa biết đúng sai như thế nào, nên vẫn sẵn sàng xử lý giáo viên để xoa dịu phụ huynh, xã hội mà không dám phản ứng hoặc lên tiếng bảo vệ giáo viên.
Gánh nặng đến từ phía Ban Giám hiệu
Ban Giám hiệu đóng vai trò quyết định đến chất lượng giáo dục của nhà trường, có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến hệ thống giáo dục, đến kết quả học tập của học sinh. Cải cách giáo dục, trước hết phải đến từ chính bộ máy quản lý.
Hệ thống quản lý giáo dục hoàn thiện, tiên tiến thì mới có thể có được một bộ máy chất lượng.
Khi quyền điều hành, chỉ đạo mọi hoạt động trong nhà trường tập trung vào Ban Giám hiệu, điều này sẽ là một sự may mắn lớn lao cho tập thể giáo viên, nếu đó là những người thủ trưởng có tài, có tâm và có tầm.
Ngược lại, sẽ là một nỗi bất hạnh không nhỏ, không chỉ cho tập thể giáo viên, mà còn là cho cả phụ huynh và học sinh.
Nhiều quy định tích cực, cải tổ từ trên đưa xuống như việc không ép giáo viên thi giáo viên giỏi, không giao giáo viên thu tiền trường, không áp hồ sơ, sổ sách hàng chính xuống giáo viên, ứng dụng công nghệ thông tin trong sổ sách…giáo viên đều không được biết, hoặc chỉ biết qua báo chí.
Trong thời gian vừa qua, rất nhiều vấn đề cho thấy, Ban Giám hiệu như “vị vua không ngai” trong nhà trường. Một giáo viên hay bất kỳ nhân viên nào trong nhà trường phản ứng, phản biện lại ý kiến của Ban Giám hiệu thì sẽ được xem là đối tượng cá biệt, thậm chí bị liệt vào danh sách “đen”.
Nhiều cán bộ quản lý không đủ năng lực, không trọng dụng đúng người đúng việc, không chủ trương phát triển đội ngũ, không biết nhìn nhận, không chấp nhận sự phản biện dẫn đến mất dân chủ, gây ra nhiều mâu thuẫn trong chính nội bộ của nhà trường.
Ban Giám hiệu vận hành bộ máy nhà trường bằng thành tích, hình thức và sự chuyên quyền. Điều đó đang khiến cho cán bộ, giáo viên bây giờ sợ Ban Giám hiệu còn hơn sợ người sinh ra mình. Do vậy, Ban Giám hiệu trong trường học như là ông vua một cõi, là một và là duy nhất.
Thực tế, vẫn còn rất nhiều Hiệu trưởng tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, nhưng cũng có không ít Ban Giám hiệu chuyên quyền, độc đoán. Cũng có nhiều vị có trình độ chuyên môn kém cỏi, thậm chí là yếu kém, nhưng lại nằm trong bộ máy Ban Giám hiệu nhờ cơ cấu.
Việc nảy sinh sự chuyên quyền như hiện nay, xét cho cùng chính là do cơ chế bổ nhiệm từ trên xuống. Nên chăng cần mạnh dạn xóa bỏ cơ chế bổ nhiệm từ trên xuống, mà dành cho hình thức thi tuyển.
Chúng ta có thể tham khảo, học tập mô hình từ các trường quốc tế, hoặc các trường ngoài công lập. Chủ đầu tư sẵn sàng giao hết quyền cho các Hiệu trưởng, nhưng phải ràng buộc trách nhiệm và uy tín vào đó.
Nếu làm không tốt thì sẵn sàng sa thải, và thực hiện văn hóa từ chức, hoặc là “không làm được thì tránh sang một bên”.
Cần siết chặt công tác đánh giá, nhận xét của giáo viên với Ban Giám hiệu bằng cách công khai, minh bạch qua các ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng vẫn luôn đảm báo tính bảo mật của người đánh giá.
Không thể đánh giá, góp ý như hiện nay, theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, “tất cả đều tốt”, Ban Giám hiệu là phải xuất sắc”. Tuy là mang tiếng dân chủ, nhưng thực tế lại chả dân chủ chút nào, vì làm gì có giáo viên nào dám góp ý Ban Giám hiệu.
Với những quyết tâm của Bộ trưởng đang muốn lắng nghe, đóng góp ý kiến chân tình từ chính phía những người giáo viên, những người hàng ngày đang làm công tác giảng dạy trên khắp mọi miền đất nước, tôi tin chắc rằng, trong thời gian tới đây, giáo viên sẽ có những thay đổi từ vị “Tư lệnh của ngành”.