Tại Hải Phòng, vấn đề VNEN trở thành chủ đề nóng ở phiên chất vấn ngày 11/7 của kỳ họp thứ 5, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hải Phòng khóa 15.
Để hiểu rõ hơn về công tác triển khai VNEN ở Hải Phòng, ngày 19/7, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng (Đại biểu Quốc hội khóa 13).
Theo ông Nguyễn Xuân Trường: “Vấn đề Hải Phòng xem xét có tiếp tục dạy VNEN hay không là chuyện bình thường.
Việc đầu năm học tiến hành rà soát lại VNEN để xem xét cụ thể là đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ”.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết thêm: “Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thành lập hội đồng thẩm định nội dung chương trình của VNEN.
Sau này, Bộ có chỉ đạo thế nào, Sở sẽ dựa vào chỉ đạo đó để báo cáo thành phố làm.
Việc dừng đến đâu, làm thế nào, Hải Phòng cũng đang tính như các tỉnh thành khác thôi”.
Đánh giá về mô hình trường học mới, ông Nguyễn Xuân Trường cho rằng:
“Chương trình của VNEN là tốt. Bây giờ, Bộ làm thí điểm mấy năm rồi, ở cơ sở (tỉnh, thành phố - PV) đề xuất lên Bộ cần thiết phải cho ý kiến có thí điểm nữa hay cho đại trà. Cụ thể địa phương phải làm thế nào trong năm học mới, đề nghị Bộ cho định hướng.
Bản chất VNEN cùng nội dung chương trình như nhau, chỉ đổi mới phương pháp tổ chức dạy học tại lớp, vì thế không có gì là ghê gớm cả”.
Trước đó, tại phiên chất vấn của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hải Phòng vào ngày 11/7, ông Nguyễn Xuân Trường – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thừa nhận mô hình VNEN có nhiều điểm hạn chế như:
“Học sinh yếu sẽ không theo kịp chương trình, không tham gia thảo luận, dễ chán nản, cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu, sĩ số lớp quá đông…”.
Cũng tại phiên chất vấn ngày 11/7, ông Lê Văn Thành – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hải Phòng có ý kiến chỉ đạo xem xét dừng VNEN.
Mô hình dạy học VNEN vẫn đang gây tranh cãi tại nhiều địa phương hiện nay (ảnh giaoduc.net.vn). |
Theo lập luận của Bí Thư Thành ủy Hải Phòng: “Do cơ sở vật chất của các trường chưa đủ điều kiện.
Thêm vào đó, những mục tiêu của chương trình VNEN đặt ra đã không đạt yêu cầu, việc thí điểm kéo dài quá lâu, lại đã triển khai tại nhiều trường.
Việc tồn tại hai mô hình giáo dục trong một trường học không những ảnh hưởng đến thầy cô giáo mà còn ảnh hưởng đến học sinh, phụ huynh.
Về chương trình học, trung ương chỉ định hướng, còn địa phương được quyền tự quyết”.
Sau khi phân tích, ông Lê Văn Thành nhấn mạnh: “Đề nghị Sở khẩn trương có báo cáo gửi thành phố trước khi năm học mới bắt đầu, trong đó quyết định lựa chọn dừng hay triển khai tiếp chương trình VNEN.
Nếu triển khai VNEN thì triển khai trên toàn thành phố, nếu không đủ điều kiện thì dừng lại”.
Ba câu hỏi lớn về VNEN chờ câu trả lời chi tiết từ Bộ Giáo dục |
Cũng như Hải Phòng, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, VNEN trở thành chủ đề nóng trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5 của Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa 6.
Ông Nguyễn Thanh Giang - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thẳng thắn nhận lỗi:
“Với mô hình trường học mới VNEN, Sở xin nhận lỗi rằng trong quá trình tham mưu cho tỉnh, Sở đã nóng vội.
Vì mong muốn đổi mới một cách nhanh mà không tính toán hết thực tế về trường lớp cũng như đội ngũ, tư tưởng, nguyện vọng của học sinh”.
Ngày 19/7, Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã trao đổi với ông Nguyễn Thanh Giang về nhận định trên.
Theo ông Nguyễn Thanh Giang: “Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khi Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thì tỉnh làm một đề án hẳn hoi, đã thông qua Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũ Tàu khóa VI và có Nghị Quyết.
Theo Nghị Quyết này, đến năm tới 100% học sinh được học VNEN. Xét tình hình cụ thể của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì không khả thi, nên tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh vừa rồi, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phải xin được điều chỉnh. Tức là năm sau không triển khai 100% theo như Nghị Quyết”.
Câu chuyện VNEN ở Thành phố Hải Phòng và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho thấy, việc áp dụng mô hình dạy học này ở mỗi địa phương có nảy sinh ra một bất cập riêng.
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn (ảnh nguồn media.quochoi.vn). |
Ngày 19/7, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng: “Phải sớm có tổng kết tại các địa phương để đánh giá cụ thể hơn.
Trong tổng kết phải mời đủ cả các thành phần để có những ý tưởng đầy đủ, phân tích sâu rộng, cụ thể, đánh giá lại toàn diện. Trường hợp nào đủ điều kiện thì tiếp tục triển khai, còn không đủ điều kiện phải tính toán lại”.
Theo ông Dương Minh Tuấn: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải chỉ rõ có nên tiếp tục làm nữa không hay dừng lại, hoặc áp dụng song song hai hình thức tổ chức dạy học”.