LTS: Phụ huynh, học sinh, giáo viên đang bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực học đường. Chưa khi nào, chúng ta phải nghe nhiều câu chuyện buồn liên quan đến trường học nhiều như vậy.
Phụ huynh bắt giáo viên quỳ, cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau…là những vụ việc đau lòng trong giáo dục. Chúng ta đã bàn, nói nhiều đến đạo đức, nghiệp vụ, năng lực sư phạm kém của giáo viên trong nhiều vụ việc.
Tuy nhiên, có lẽ chúng ta đang quên mất thực tế, rất nhiều phụ huynh thiếu nền tảng quan trọng nhất để con nên người là tôn trọng giáo viên.
Nhiều khi con họ có mắc lỗi, giáo viên phạt chép bài, đứng cuối lớp..., các hình phạt ở mức chấp nhận được nhưng phụ huynh sẵn sàng nhảy vào trường làm loạn lên.
Chính điều này khiến cho việc giáo dục trẻ thiếu đi sự hợp tác quan trọng giữa nhà trường với phụ huynh.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Đại học Sư phạm Hà Nội để làm rõ hơn khía cạnh trên.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương. |
Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, trong trường hợp học sinh có lỗi, cô giáo trách phạt nếu bố mẹ đến trường làm loạn con sẽ nghĩ con không sai. Trẻ không sai thì sẽ không sửa. Đó là điều đương nhiên.
Vấn đề là trẻ đi học thì một trong những mục tiêu là để giáo viên chỉ ra những cái sai của trẻ, để trẻ sửa. Trẻ có thể học những cái mới và từ chính cái sai lầm.
Hơn nữa, đôi khi việc phạt học sinh của giáo viên không trầm trọng đến mức như phụ huynh nói.
“Tôi đã gặp trường hợp phụ huynh kiện cáo cô giáo vì phạt con họ úp mặt vào tường. Vụ việc này sảy ra ở Thành phố Việt Trì (Tỉnh Phú Thọ). Vụ việc này không hề được báo chí biết đến”, Tiến sĩ Hương chia sẻ.
Theo đó, cô giáo này đã phải làm bản tường trình.
Trong khi đó, mục đích phạt con úp mặt vào tường là để con phải chịu phạt cho hành động phá phách, không tập trung học của mình, cái giá mà con phải trả cho việc sai trái đó rất rẻ. Hình phạt đó không có gì là hà khắc.
Tuy nhiên, nhiều bố mẹ hiện nay nhất nhất cho rằng cô không được phạt trẻ mà phải khuyên nhủ.
Vì sao chưa đình chỉ vụ giáo sinh bị đánh đến chấn động thai? |
Tiến sĩ Hương phân tích, thực sự, khi trẻ đã sai thì khuyên nhủ không có giá trị. Việc khuyên nhủ chỉ có giá trị khi học sinh chưa sai mà thôi.
Một khi đã sai, bé phải chấp nhận chịu phạt giống như khi bé vi phạm pháp luật thì sẽ bị pháp luật xử phạt.
Ở trường hợp học sinh không sai mà giáo viên có vấn đề. Phụ huynh nên gặp gỡ trao đổi trực tiếp với giáo viên.
Nếu tình hình không thay đổi, có thể gặp thẳng hiệu trưởng nhà trường.
Cách ứng xử của phụ huynh cần sự tế nhị.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương kể lại câu chuyện bà từng “bó tay” với phụ huynh khi một mực cho rằng con họ bị cô “trù úm”.
Theo đó, con của vị phụ huynh này học kém. Đột nhiên, hôm đó bài kiểm tra được 9,5 điểm.
Giáo viên yêu cầu con họ làm bài lại. Phụ huynh này đến tận ban giám hiệu nhà trường làm loạn lên vì cho rằng con họ bị cô giáo trù dập.
“Phụ huynh không hiểu rằng, một năm trẻ có rất nhiều đầu điểm. Giáo viên theo dõi cả quá trình nên về mặt sư phạm, tôi cho rằng cô làm như vậy là hợp lý.
Bởi vì điểm là để đánh giá học sinh. Một học sinh học chưa tốt thì cũng nên có điểm số tương ứng.
Học sinh tố cáo thầy giáo giảng bài “thô tục” bị phạt quét rác |
Nếu điểm chưa chính xác, cô cho kiểm tra lại để đánh giá chính xác, tìm cách dạy con hợp lý là phù hợp với mục tiêu sư phạm”, Tiến sĩ Hương phân tích.
Theo Tiến sĩ Hương, thậm chí ở trường hợp này, phụ huynh không hề quan tâm đến việc học của con.
Họ không quan tâm thật sự đến con mình biết cái gì mà chỉ quan tâm “điểm, điểm, điểm”.
Hôm nay trẻ được 9,5 điểm nhưng trẻ học kém thì bài kiểm tra sau sẽ xuống ngay.
Quan trọng nhất là cô giáo kiểm tra lại để có kiểm chứng, đánh giá đúng nhất xem con có tiến bộ thật không.
Từ đó, cô giáo mới có thể hướng dẫn con đúng cách. Nhưng việc phụ huynh làm loạn có thể khiến giáo viên chán nản thậm chí mặc kệ chính con của bạn.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh, con cái là vô giá với bất cứ gia đình nào.
Tuy nhiên, đừng nghĩ con mình đi học dù thế nào giáo viên cũng không được “động vào một sợi tóc”.
“Thầy cô giáo là một chân trong 3 kiềng ba chân: gia đình, nhà trường và xã hội để tạo nên trẻ.
Đừng bẻ gãy mọi công cụ giáo dục trẻ của nhà trường.
Khi học sinh hư, gia đình là nơi chịu đựng hậu quả nhiều nhất.
Phụ huynh đừng ở thế đối nghịch với giáo viên mà hãy hợp tác để cùng dạy dỗ, hướng dẫn trẻ học tập phát triển tốt. Các cụ ta đã dạy:
"Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy"
Hãy dạy con kính trọng và yêu quý thầy cô giáo. Đó là nền tảng quan trọng để trẻ nên người. Đừng dại dột mà đạp đổ nền tảng đó”, Tiến sĩ Hương nhấn mạnh.