Cả hai bên đều có lỗi
Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, sự việc phụ huynh bắt giáo viên quỳ vì trách phạt học sinh xảy ra tại Trường Tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An có lỗi từ cả hai phía (phụ huynh và giáo viên).
“Trước hết nếu là phụ huynh, họ cần hỏi nguyên nhân tại sao cô giáo xử lý học sinh như vậy?
Rõ ràng đứng ở góc độ nhà giáo, với tâm lý yêu thương, trách phạt, nếu học sinh vi phạm thì cô giáo cần có hình thức xử lý phù hợp trong mọi tình huống.
Trong trường hợp này, giáo viên cũng cần nhận thức được rằng, cách hành xử (bắt học sinh quỳ) của mình như vậy có phần quá đà.
Hay nói cách khác cô giáo trong sự việc nói trên lựa chọn hình thức trách phạt học sinh chưa phù hợp.
Trường Tiểu học Bình Chánh. (Ảnh: Hưng Long/giaoduc.net.vn |
Hình thức trách phạt như vậy rất dễ khiến tâm lý lứa tuổi học sinh tiểu học bị ảnh hưởng.
Do đó, khi giáo viên đưa ra những hình thức kỷ luật đối với học sinh cần phải rất thận trọng. Đặc biệt giáo viên cần phải hiểu được quyền của trẻ em, quyền con người để ứng xử với các em phù hợp hơn.
Quyền trẻ rất dễ bị ảnh xâm phạm nếu cô giáo trách phạt không đúng cách”, Đại biểu Ngô Thị Minh nhận định.
Đánh giá về hành vi đáp trả của phụ huynh đối với giáo viên trong vụ việc trên, Đại biểu Ngô Thị Minh cho rằng: "Hành vi đó xuất phát là tâm lý bộc phát nhất thời, thiếu suy nghĩ do phụ huynh cảm thấy bức xúc về hành động của cô giáo.
Cô giáo bị bắt quỳ đã rất mong muốn được cứu giúp nhưng Hiệu trưởng bỏ đi |
Tuy nhiên, hành vi phụ huynh bắt giáo viên quỳ xin lỗi là hành vi đi quá giới hạn, đặc biệt là đối với người làm giáo dục.
Là cha, mẹ ai cũng thương con cái mình. Nhưng hành vi đáp trả của phụ huynh đối với giáo viên trong vụ việc này rất phản cảm.
Hành động đó sẽ bị nhiều người lên án. Thậm chí, việc phụ huynh bắt cô giáo quỳ có dấu hiệu làm nhục người khác.
Vụ việc đẩy người ta theo lối suy nghĩ tiêu cực về sự xuống cấp đạo đức xã hội của một phận người dân có hành vi ứng xử không chuẩn mực.
Hành vi đó đâu còn được gọi là “tôn sư trọng đạo” nữa, Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh đánh giá.
Không nên đẩy sự việc đi quá xa
Đại biểu Ngô Thị Minh cho rằng: “Nếu tôi là phụ huynh trong trường hợp này, thay vì trách phạt cô giáo vì có hành vi chưa đúng với con em họ, tôi sẽ góp ý trực tiếp để giáo viên nhận ra lỗi, sửa chữa, nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Đối với giáo viên, họ phải thấy được hành vi trách phạt đó ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh và phải cầu thị nhận lỗi, xin lỗi phụ huynh, học sinh về hành vi của mình.
Tiếp đó, cô giáo phải cùng với phụ huynh khắc phục những hành vi đi quá giới hạn do mình gây ra đối với học sinh.
Theo đó, nếu là giáo viên trong trường hợp này, tôi sẽ nói với học sinh của mình rằng, việc làm của cô chỉ mong các em tiến bộ, nhưng nó chưa phù hợp và cô xin rút kinh nghiệm, sửa sai một cách nghiêm túc”, Đại biểu Ngô Thị Minh nói.
Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh. Ảnh: Media.quochoi.vn. |
Vị Đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, không nên đẩy sự việc đi quá giới hạn bởi nó sẽ ít nhiều tạo nên hệ lụy không hay đối với ngành giáo dục và xã hội.
“Hai bên cần suy nghĩ thấu đảo để thấy được lỗi của họ, từ đó nên rút kinh nghiệm, bởi trong sự việc này cả hai bên vì nóng giận mà mất khôn”, Đại biểu Ngô Thị Minh nhận định.
Từ những phân tích trên, Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh cho rằng, sự việc việc phụ huynh bắt giáo viên quỳ vì trách phạt con em họ để lại bài học về việc ứng xử của giáo viên trong môi trường sư phạm đặc biệt là vấn đề về quyền trẻ em.
“Một số người làm công tác giáo dục nhận thức về quyền trẻ em chưa tới nơi, tới chốn dẫn đến việc ứng xử với các em còn hạn chế.
Giáo viên vẫn cứ nghĩ rằng “thương cho roi cho vọt” chứ chưa nắm bắt được sự thay đổi của công tác giáo dục nói chung trong giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay", Đại biểu Ngô Thị Minh đánh giá.