Ngày 25/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Luật Giáo dục đại học.
Tại đây, các bộ ngành, địa phương và các trường đại học đã mổ xẻ những tác động tích cực cũng như những bất cập của Luật Giáo dục đại học trong 5 năm qua, đồng thời có những kiến nghị, đề xuất các vấn đề phải sửa.
Luật Giáo dục đại học đã đi vào cuộc sống được gần 5 năm (có hiệu lực từ 1/1/2013). Hiện tại Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học.
Quốc hội đã thông qua đề xuất của Chính phủ và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2018.
Cũng tại hội nghị, các ý kiến đều cho rằng, sau 5 năm triển khai thực hiện, Luật Giáo dục đại học đã bộc lộ những bất cập, gây trở ngại cho các trường cũng như cơ quan quản lý.
Một số quy định của luật về tự chủ đại học, quản trị đại học, quản lý đào tạo và quản lý nhà nước khiến luật chưa đi vào cuộc sống... Chưa kể đến việc việc xếp hạng đại học chưa thực hiện được do việc kiểm định trong toàn hệ thống; việc phân tầng đại học cũng chưa thực hiện được;
Ngoài ra, Luật cũng chưa nêu rõ về liên kết đào tạo đại học; về xã hội hóa giáo dục đại học, khái niệm trường phi lợi nhuận…
Nhiều bất cập trong Luật Giáo dục đại học hiện hành
Tại hội nghị, ông Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, Luật Giáo dục đại học hiện hành còn rất nhiều bất cập.
Cụ thể, các mô hình cơ sở giáo dục đại học chưa được quy định rõ và đầy đủ.
Trong luật cũng như trong các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các mô hình đại học, trường đại học, học viện được đưa ra nhưng chưa được định nghĩa đầy đủ, phân biệt rõ ràng.
Điều này dẫn đến sự vận dụng đa dạng tùy tiện, thiếu nhất quán và thiếu kiểm soát, thậm chí đã dẫn tới những nhận thức sai lệch (ví dụ về “phân biệt đẳng cấp” qua tên gọi).
Theo Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, Luật Giáo dục đại học hiện hành chưa làm rõ cơ chế quản trị đại học, vai trò của Bộ chủ quản và của Hội đồng trường… (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Ngoài ra, sự đa dạng tùy tiện, thiếu nhất quán và thiếu tương thích quốc tế còn thể hiện rõ hơn khi hầu hết các “đại học” hay “trường đại học” và một số “học viện” đều được dịch sang tiếng Anh là “university”, thậm chí một số trường đại học, học viện còn lấy tên “National University” mà không dựa trên một cơ sở pháp lý nào.
Tương tự, hệ thống tên gọi các trình độ đào tạo và văn bằng cũng thiếu tính nhất quán về ngôn ngữ và chưa hội nhập quốc tế.
Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội phân tích thêm, Luật quy định “trình độ cao đẳng”, “trình độ đại học” nhưng lại “trình độ thạc sĩ” và “trình độ tiến sĩ”, cũng như “bằng tốt nghiệp cao đẳng”, “bằng tốt nghiệp đại học” nhưng lại “bằng thạc sĩ” và “bằng tiến sĩ”.
Hơn nữa, Luật Giáo dục đại học quy định:
“Bằng tốt nghiệp đại học của ngành kỹ thuật được gọi là bằng kỹ sư; của ngành kiến trúc là bằng kiến trúc sư; của ngành y, dược là bằng bác sĩ, bằng dược sĩ, bằng cử nhân; của các ngành khoa học cơ bản, sư phạm, luật, kinh tế là bằng cử nhân; đối với các ngành còn lại là bằng tốt nghiệp đại học”.
Hiệp hội nêu 2 cụm vấn đề cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Giáo dục |
Trong khi đó, theo ông Sơn, các chức danh kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ hay dược sỹ nên được hiểu là các chức danh nghề nghiệp (tương tự như luật sư, giáo viên, giảng viên) khác với các bằng cấp học vị như cử nhân, thạc sỹ.
Bên cạnh đó, các chức danh giảng viên (giáo sư, phó giáo sư…) chưa được quy định rõ ràng dẫn đến việc trong thực tế đã có những quan niệm khác nhau về các chức danh giáo sư, phó giáo sư và các chức danh giảng viên khác.
Cũng theo ông Sơn, sự “vênh” giữa Luật Giáo dục đại học và Luật Viên chức đã gây ra những vấn đề bất ổn về chức danh giảng viên.
Trong thực tế không ít giáo sư hay phó giáo sư vẫn “đứng dưới” một trưởng bộ môn ngay cả về “tiếng nói chuyên môn” bởi quan niệm quản lý hành chính.
Từ đó dẫn tới việc thu hút các nhà khoa học trẻ ở các nước phát triển về trường làm việc gặp nhiều trở ngại.
Hơn nữa, ông Sơn cho rằng, Luật Giáo dục Đại học cũng chưa làm rõ cơ chế quản trị đại học, vai trò của bộ chủ quản và của Hội đồng trường, quyền và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học cụ thể như:
- Luật thiếu các quy định cụ thể, rõ ràng về các cấp độ tự chủ, quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học trong từng hoạt động của nhà trường theo từng cấp độ.
- Phân định vai trò và trách nhiệm của bộ chủ quản, của Hội đồng trường và các thiết chế nhà nước khác ví dụ cơ quan quản lý nhà nước về vốn và tài sản đối với mỗi cấp độ tự chủ, đặc biệt quyền lực gắn với trách nhiệm của Hội đồng trường chưa được thể hiện rõ (khi Hiệu trưởng vẫn chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động của nhà trường).
- Quy định về nhiệm kỳ của Hội đồng trường (theo nhiệm kỳ Hiệu trưởng), thành phần của Hội đồng trường bao gồm toàn bộ Ban giám hiệu, tiêu chuẩn của Chủ tịch Hội đồng trường cũng như tiêu chuẩn của Hiệu trưởng…là chưa hợp lý.
- Quy định về các hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế có nhiều chi tiết quá cụ thể (Điều 34, Điều 45) gây cản trở việc thực hiện tự chủ của các trường tuy nhiên lại không đưa ra những chuẩn mực quốc gia.
Đồng thời, ông Sơn cũng cho hay, Luật giáo dục đại học chưa quy định rõ cơ chế tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học, điều này gây khó khăn cho hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học đặc biệt khi được giao cơ chế tự chủ.
Luật Giáo dục đại học nên quy định việc cấp văn bằng tốt nghiệp
Trước những tồn tại của Luật Giáo dục Đại học, ông Hoàng Minh Sơn đã đưa ra những kiến nghị sửa đổi.
Theo đó, ông Sơn cho rằng, Luật Giáo dục Đại học cần sửa đổi, bổ sung quy định về trình độ đào tạo và các học vị tương ứng. Cụ thể, nên quy định các trình độ của giáo dục đại học bao gồm trình độ cử nhân, trình độ chuyên gia, trình độ thạc sỹ và trình độ tiến sỹ.
Tại sao cứ mãi phân biệt sinh viên trường công với trường tư? |
Trong đó, cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ là các học vị tương ứng với trình độ đào tạo.
Trình độ chuyên gia (nếu có đào tạo) thể hiện qua các chức danh nghề nghiệp, bao gồm kỹ sư, giáo viên, bác sỹ (bác sỹ chuyên khoa I, II), dược sỹ…
Tiêu chuẩn các chức danh nghề nghiệp do Chính phủ ban hành (dựa trên đề nghị của các bộ ngành, trường đại học và hiệp hội nghề nghiệp).
Luật cũng nên quy định việc cấp văn bằng tốt nghiệp là để chứng nhận người học đã tốt nghiệp và đạt một trình độ nhất định (học vị hoặc chức danh nghề nghiệp): Bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ, bằng kỹ sư, bằng bác sĩ chuyên khoa I…
Luật nên bổ sung quy định cụ thể về các chức danh giảng viên (giáo sư, phó giáo sư, giảng viên chính, giảng viên, trợ giảng). Ông Sơn thí dụ:
Giáo sư là chức danh nghề nghiệp cao nhất của giảng viên, là người được bổ nhiệm để phụ trách một lĩnh vực chuyên môn hẹp trong cơ sở giáo dục đại học.
Phó giáo sư là chức danh nghề nghiệp của giảng viên đứng dưới giáo sư, là người được bổ nhiệm để giúp giáo sư phụ trách một lĩnh vực chuyên môn hẹp trong cơ sở giáo dục đại học…
Ngoài ra, Luật Giáo dục đại học sửa đổi cũng cần quy định rõ các cấp độ tự chủ, vai trò và trách nhiệm của bộ chủ quản và hội đồng trường, cụ thể hóa các quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học.
Đặc biệt, theo Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, Luật cũng cần bổ sung và quy định rõ cơ chế tài chính cho giáo dục đại học, đó là việc quy định “cơ chế cấp phát tập trung” đối với ngân sách chi thường xuyên của Nhà nước cho giáo dục đại học, thực hiện thông qua cơ chế hội đồng và do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì…