LTS: Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến.
Nhận thấy các quy định về quản trị các cơ sở giáo dục đại học còn một số bất cập, Tiến sĩ Đặng Văn Định, công tác tại Viện các vấn đề giáo dục Trường Đại học Bình Dương, từng là chuyên viên Vụ Giáo dục Đại học, đưa ra một số đề xuất góp ý nhằm sửa đổi, bổ sung quy định về vấn đề này.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
1. Sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định về quản trị các cơ sở giáo dục đại học
Thập niên 90 của thế kỷ trước, Đảng và Nhà nước đã chủ trương thực hiện xã hội hóa phát triển giáo dục, quy định rõ trong hệ thống giáo dục quốc dân có các loại hình trường công lập, bán công, dân lập và tư thục [1].
Luật Giáo dục 2005, tại Điều 48 làm rõ tính chất các loại hình trường, tại Điều 67 quy định: “tài sản, tài chính của trường tư thục thuộc các thành viên góp vốn”.
Quy định này khiến thu hút nhiều nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào các bậc học, cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân.
Thực hiện luật trên, giáo dục phổ thông ngoài công lập xem ra êm ả, không xuất hiện những xung đột không đáng có, nhiều trường tư thuộc giáo dục phổ thông là địa chỉ tin cậy của phụ huynh học sinh.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học là cần thiết trong quá trình đổi mới giáo dục. (Ảnh minh hoạ: Báo Giáo dục và Thời đại) |
Được như vậy phần lớn là nhờ Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành phù hợp với thực tiễn [2].
Ở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã vận dụng tốt Luật Doanh nghiệp vào quản lý nhà trường.
Trong khi đó Luật Giáo dục đại học ra đời năm 2012 đã điều chỉnh mô hình trường đại học dân lập, trường đại học tư thục theo hướng công ty cổ phần nửa vời, thậm chí áp đặt cách quản trị đại học của thời bao cấp vào quản lý trường đại học tư thục.
Xin nêu vài ví dụ.
Ví dụ 1. Điều 66 của của Luật Giáo dục đại học quy định sử dụng phần chênh lệch thu chi của trường đại học tư thục như sau:
Dành ít nhất 25% để đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học, cho các hoạt động giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, viên chức, cán bộ quản lý giáo dục, phục vụ cho hoạt động học tập và sinh hoạt của người học hoặc cho các mục đích từ thiện, thực hiện trách nhiệm xã hội.
Phần này được miễn thuế (Điều 66, Khoản 3. Điểm a);
Giá trị tài sản tích lũy được trong quá trình hoạt động của cơ sở giáo dục đại học tư thục và giá trị của các tài sản được tài trợ, ủng hộ, hiến tặng cho cơ sở giáo dục đại học tư thục là tài sản chung không chia, được quản lý theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển (Điều 66, Khoản 4).
Như thế là chênh lệch thu chi phải để lại 25% trước thuế và chúng biến hóa thành “tài sản chung không chia”.
Việc này không phù hợp với Điều 67 Luật Giáo dục 2005 và Điều 51 Hiến pháp 2013 của Nhà nước, khiến nhiều nhà đầu tư không yên tâm.
Ví dụ 2. Từ năm 2005 đến năm 2011 Chính phủ nhất quán thành phần hội đồng quản trị của trường đại học tư thục phải là người góp vốn [3].
Những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Giáo dục đại học |
Thế nhưng tại Điểm b, Khoản 3, Điều 17 của Luật Giáo dục đại học quy định thêm những thành phần đương nhiên vào hội đồng quản trị của đại học tư thục là “hiệu trưởng; đại diện cơ quan quản lý địa phương nơi cơ sở giáo dục đại học có trụ sở; đại diện tổ chức Đảng, đoàn thể; đại diện giảng viên”.
Việc này thể hiện sự không nhất quán của Nhà nước, xung đột với Pháp lệnh công chức, không phù hợp với Luật Doanh nghiệp, Luật Dân sự.
Trong thực tế một số trường đại học tư thục do một gia đình hoặc một công ty đầu tư.
Điều này dẫn đến tình trạng nhà đầu tư buộc phải tìm cách “chế biến” sao cho tài sản của mình không bị “tuột tay” v.v.
Những ví dụ trên cho thấy Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học có những quy định mà cuộc sống phải “né tránh”. Đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung một số điều của hai luật trên là cần thiết.
2. Quan điểm về sửa đổi, bổ sung các quy định về quản trị các cơ sở giáo dục đại học
Sau khi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học ra đời xuất hiện Hiến pháp 2013, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và một loạt văn bản dưới luật của Chính phủ liên quan đến giáo dục đại học.
Hiến pháp khẳng định kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng; tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa (Điều 51 Hiến pháp 2013).
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII ghi rõ: “tiếp tục thể chế về sở hữu..”, “đổi mới cơ chế chính sách tài chính”, “tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của của các cơ sở giáo dục đào tạo” v.v [4].
Trong khi đó, Bộ luật Dân sự xuất bản năm 2009 quy định “chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, quản lý tài sản nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”, còn Chính phủ đang nỗ lực trải nghiệm tăng quyền tự chủ toàn diện cho các cơ sở giáo dục đại học.
Sửa Luật Giáo dục đại học phải bỏ được phân biệt đối xử trường công - trường tư |
Trong bối cảnh đó, người viết xin nêu một số quan điểm sau nhằm góp phần hoàn thiện Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học.
Đó là:
- Cụ thể hóa được các văn kiện Đại hội Đảng, Hiến pháp năm 2013 của Nhà nước, bảo đảm sự phù hợp với các luật khác, đồng thời cập nhật được các giá trị hoạt động thực tiễn của Chính phủ.
- Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa mở rộng các nguồn đầu tư, khai thác các tiềm năng về nhân lực, vật lực và tài lực trong xã hội nhằm phát triển giáo dục đại học, coi đây là chính sách lâu dài, là phương châm để phát triển giáo dục đại học.
- Kế thừa những giá trị của những mô hình đại học đã được trải nghiệm của những năm đổi mới gần đây.
- Bảo đảm sự bình đẳng giữa các trường đại học công lập với các trường đại học ngoài công lập.
- Bảo đảm quyền tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân theo Hiến pháp.
- Tăng quyền tự chủ đại học phải song hành với các biện pháp kiểm soát tự chủ.
3. Một số kiến nghị
Những kiến nghị dưới đây tập trung vào góp phần hoàn thiện các quy định về quản trị các cơ sở giáo dục đại học.
Kiến nghị thứ nhất là rà soát một số điều có liên quan, theo đó:
Đối với Luật Giáo dục 2005: Chỉnh sửa Điều 48 theo hướng ở trình độ đại học vẫn có mô hình đại học dân lập. Dựa vào nguyện vọng nhà đầu tư.
Có thể duy trì hình thức sở hữu tập thể như lâu nay nhà nước đã quy định, hoặc áp dụng hình thức sở hữu chung của cộng đồng theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Trung ương Đảng.
Đối với Luật Giáo dục đại học: Chỉnh sửa Điều 66 theo hướng bỏ việc trường đại học tư thục dành 25% trước thuế từ chênh lệch thu chi và biến chúng thành tài sản chung không chia.
Chỉnh sửa Điều 16 của Luật Giáo dục đại học theo hướng bổ sung thêm quyền cho Hội đồng trường về quyết định nhân sự chủ chốt nhà trường, về kiểm soát tài chính.
Làm việc này nên tham khảo quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập (năm 2015).
Tại văn bản này Chính phủ đã định chế cụ thể một Hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp công lập có khá đầy đủ quyền lực [5].
Kiến nghị 2. Biên tập một điều về “Quản trị các cơ sở giáo dục đại học”
Xin gợi ý, trong điều này có hai khoản.
Khoản 1. Phân nhóm các cơ sở giáo dục đại học theo sở hữu:
Nhóm 1. Các cơ sở giáo dục đại học thuộc sở hữu nhà nước. Đây là các cơ sở giáo dục đại học công lập (định nghĩa về trường công lập hiểu theo Điều 48 Luật Giáo dục).
Nhóm 2. Các cơ sở giáo dục đại học thuộc sở hữu tập thể hoặc sở hữu chung của cộng đồng.
Đào tạo đại học không nên được quan niệm chỉ là đào tạo nghề |
Đây là các trường đại học dân lập hiện tồn tại, hoặc xuất hiện những nhà hảo tâm đầu tư đủ lớn để trường đi vào hoạt động và giao tài sản đó cho cộng đồng quản trị.
Nhóm 3. Các cơ sở giáo dục đại học thuộc sở hữu của tư nhân (bao gồm các trường đại học tư thục đầu tư theo cơ chế tương tự như doanh nghiệp).
Khoản 2. Nguyên tắc quản trị các cơ sở giáo dục đại học:
- Đối với cơ sở giáo dục đại học nhóm 1, đại diện quyền sở hữu là Chính phủ và một tổ chức được gọi là Hội đồng đại học hay Hội đồng trường.
Xin lưu ý là các trường nhóm 1 đang thụ hưởng gần như 100% đầu tư công cho giáo dục đại học.
Chính phủ chủ động tổ chức mô hình quản trị các cơ sở giáo dục đại học công lập theo chủ đích của Đảng và Nhà nước là đương nhiên.
- Đối với cơ sở giáo dục đại học nhóm 2, đại diện quyền sở hữu là hội đồng quản trị.
Thành viên hội đồng quản trị gồm các thành viên trong trường nếu là sở hữu tập thể, có cả thành viên ngoài trường nếu là sở hữu chung của công động. Việc bầu hội đồng quản trị theo nguyên tắc đối nhân.
- Đối với cơ sở giáo dục đại học nhóm 3 đại diện quyền sở hữu là hội đồng quản trị. Thành viên hội đồng quản trị do các thành viên góp vốn bầu theo nguyên tắc đối vốn.
Xin được lưu ý thêm là hiện nay mô hình đầu tư vào các trường đại học tư thục ở nước ta rất đa dạng.
Sẽ giảm bớt những phức tạp đối với các trường đại học tư thục nếu để các chủ đầu tư tự đăng ký mô hình quản trị theo Luật Doanh nghiệp.
Việc bố trí điều về “Quản trị các cơ sở giáo dục đại học” vào vị trí nào của các luật sửa đổi do Ban soạn thảo sắp xếp theo logic về cấu trúc luật.
Tài liệu tham khảo:
[1] Nghị quyết số 04-NQ/HNTW ngày 14/01/1993 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Luật Giáo dục 1998 (Điều 44)
[2] Thông tư số 13 /2011/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
[3] Các quy chế về tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục ban hành theo: Quyết định số 14/2005/QĐ-TTg, Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg, Quyết định số 63/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
[4]. Văn kiện Đại hội Đảng XII, trang 102-117. NXB Chính trị quốc gia 2016.
[5]. Nghị định 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.