Hiệp hội nêu 2 cụm vấn đề cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Giáo dục

21/09/2017 09:01
Hà Linh
(GDVN) - Hiệp hội đang tổ chức Hội thảo: “Góp ý và kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học".

Được biết, năm 2018 Quốc hội sẽ bàn về việc sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học, trên cơ sở đó, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức hội thảo này nhằm tập hợp ý kiến rộng rãi của các trường thành viên để gửi lên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, kiến nghị lên Quốc hội. 

Theo Hiệp hội, Nghị quyết số 29/NQ-TW của Hội nghị 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ban hành đã gần 4 năm.

Tuy nhiên đến nay nhiều nội dung của nghị quyết vẫn chưa đi được vào cuộc sống do vướng với khá nhiều các quy định đã không còn phù hợp ở các luật về giáo dục, trong đó có Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học

Do vậy để tháo gỡ những vướng mắc đang gặp khi triển khai Nghị quyết 29 Quốc hội đương nhiên cần  sớm bổ sung, sửa chữa các luật này.

Có nghĩa là cần lưu ý lĩnh vực giáo dục và đào tạo lại đồng thời chịu sự điều chỉnh của cả 3 luật: Luật Giáo dục (liên quan đến toàn hệ thống giáo dục), Luật Giáo dục đại học (liên quan tới hệ thống đào tạo đại học “tinh hoa”) và Luật Giáo dục nghề nghiệp (liên quan tới hệ thống đào tạo nghề “đại chúng”).
 
Để tránh sự bất nhất ở cả 3 luật điều chỉnh thì logic tất yếu là luật Giáo dục cần phải được chỉnh sửa trước.

Ban điều hành Hội thảo. Ảnh Trinh Phúc
Ban điều hành Hội thảo. Ảnh Trinh Phúc

Việc chỉnh sửa đồng thời cả 3 luật là không hợp lý, lại càng không thể chấp nhận việc lấy nội dung của các luật “chuyên ngành” nhưng ban hành sau, cũng như các văn bản pháp quy hiện hành để chỉnh sửa nội dung của luật “mẹ” (tức Luật Giáo dục) như chúng ta đã từng làm thời gian qua. 

Lãnh đạo Hiệp hội chỉ rõ những căn cứ để tiến hành chỉnh sửa các luật về giáo dục. Đó là: 

- Kết quả điều tra và báo cáo về tác động của các luật.

- Những quan điểm chỉ đạo từ Nghị quyết 29 và các nghị quyết khác của Đảng, Quốc hội và Chính phủ (thí dụ Nghị quyết 14/2005/NQ-CP  của Chính Phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020).

- Tiêu chuẩn quốc tế về phân loại giáo dục ISCED-2011 do UNESCO ban hành và có hiệu lực trên toàn thế giới từ năm 2014.

Về nội dung Luật Giáo dục hiện hành, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, cần được điều chỉnh và bổ sung một số điều, chủ yếu rơi vào hai cụm vấn đề: 

Một là, cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân cho phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 29 và thông lệ quốc tế (tại ISCED-2011).

Theo đó, Hiệp hội kiến nghị các nội dung cụ thể như sau: 

1. Điều 4 về hệ thống giáo dục quốc dân: Hệ thống giáo dục quốc dân thể hiện ở các luật về giáo dục hiện hành bộc lộ quá nhiều khiếm khuyết mà nếu không được sửa kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn tới tương lai gần của giáo dục Việt Nam.

Trước hết, phải nói hệ thống đó đi ngược lại một loạt định hướng quan trọng của Nghị quyết 29 như:

Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng giáo dục mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo;

Đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở, phấn đấu đến năm 2020 có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương;

Định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông;

Thực hiện phân tầng cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu và ứng dụng – thực hành;

Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước.

Để Nghị quyết 29 sớm đi vào cuộc sống hệ thống giáo dục quốc dân ở Điều 4 Luật Giáo dục cần được sửa đổi như sau:

“1. Hệ thống giáo dục quốc dân phải là một hệ thống giáo dục mở, gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.

2. Các phân hệ và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:
a) Giáo dục mầm non có nhà trẻ và mẫu giáo;

b) Giáo dục tiểu học;

c) Giáo dục trung học có trung học cơ sở và trung học toàn phần. Trung học toàn phần lại bao gồm hai luồng: trung học phổ thông và trung học hướng nghiệp.

d) Giáo dục nghề có dạy nghề sơ cấp, dạy nghề trung cấp và dạy nghề cao cấp.
e) Giáo dục đại học đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ cử nhân, trình độ chuyên gia, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.”

2. Điều 8 về văn bằng chứng chỉ cần được sửa lại cho phù hợp với nội dung ở Điều 4 đã được sửa:

“Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm: bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học toàn phần (theo hai luồng: trung học phổ thông và trung học hướng nghiệp), bằng cao đẳng, bằng cử nhân, bằng chuyên gia (bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư,…), bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ.

Chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học để xác nhận kết quả học tập sau khi được đào tạo hoặc bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, bao gồm: chứng chỉ nghề sơ cấp, chứng chỉ nghề trung cấp, chứng chỉ nghề cao cấp, các chứng chỉ nghề nghiệp của một số nghề đặc thù.”

3. Điều 26 về giáo dục phổ thông:

Nên sửa thuật ngữ “giáo dục phổ thông” thành “giáo dục cơ bản”.

Bổ sung vào điều này mục d thuộc khoản 1 nội dung về giáo dục trung học hướng nghiệp với 2 nhánh: giáo dục trung học kỹ thuật (hướng nghiệp nông) và giáo dục trung học nghề (hướng nghiệp sâu).

Thời gian đào tạo đều 3 năm như trung học phổ thông.

4. Điều 38, 39, 40, 41: giữ nguyên trình độ cao đẳng ở giáo dục đại học, không chỉnh sửa lại theo các Điều 76 và 77 của Luật giáo dục nghề nghiệp.
Cần bổ sung các nội dung có liên quan tới việc phân tầng các cơ sở giáo dục đại học theo 2 định hướng nghiên cứu và ứng dụng – thực hành.

5. Điều 42 về cơ sở giáo dục đại học

Nên đổi tên “Đại học” thành “Viện Đại học”

6. Điều 48 về Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân

- Sửa lại định nghĩa trường dân lập theo quan niệm như trước đây (thuộc sở hữu tập thể, giống như loại hình hợp tác xã).

- Mục c) khoản 1: Sửa lại “trường tư thục do…, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân…”.

- Bổ sung khái niệm về trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, là trường tư thục nếu thỏa mãn 3 điều kiện: i) nhà đầu tư tự nguyện chuyển quyền sở hữu nhà trường cho cộng đồng xã hội; ii) phần tích lũy hàng năm là tài sản chung không chia; iii) các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hàng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ.

Hai là, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Về vấn đề này, Hiệp hội kiến nghị các nội dung sau đây: 

1. Điều 53 về Hội đồng trường là tổ chức quyền lực cao nhất trong nhà trường. Thành lập hội đồng trường đi kèm với việc xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản.

Bổ sung vào nhiệm vụ của Hội đồng trường quyền được chọn lựa hoặc phế truất Hiệu trưởng nếu không thực hiện các Quyết nghị của Hội đồng.

2. Điều 60 về quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường trung cấp, cao đẳng và đại học.

Cần thay đổi thuật ngữ “tự chịu trách nhiệm” bằng thuật ngữ “trách nhiệm giải trình”. Ngoài ra cũng cần quy định có các mức độ khác nhau trong việc trao quyền tự chủ cho các trường.

3. Điều 66 về chế độ tài chính

Có nhầm lẫn ở khoản 2: Thu nhập dư dôi được phân chia cho các thành viên góp vốn theo tỉ lệ vốn góp chỉ có thể áp dụng đối với các trường tư thục có lợi nhuận.

4.
Điều 67 về Quyền sở hữu tài sản, rút vốn và chuyển nhượng vốn.

Cần bổ sung cụ thể hơn khái niệm về sở hữu tài sản, tài chính của các loại hình cơ sở giáo dục, đào tạo khác nhau: dân lập, công lập, công lập tự chủ, tư thục và tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Phải chỉ rõ mối quan hệ giữa loại hình sở hữu của nhà trường với thành phần của hội đồng trường/ hội đồng quản trị.

Hà Linh