LTS: Nhằm nâng cao dân chủ trong trường học, thầy giáo Trần Vũ đưa ra một số quan điểm đề xuất của mình để khắc phục tình trạng Hiệu trưởng lạm quyền.
Tác giả cũng hi vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo có những điều chỉnh cụ thể để không còn tình trạng giáo viên mãi phải im lặng, không dám nói lên ý kiến của mình vì sợ Hiệu trưởng.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới, của Bộ Giáo dục và Đào tạo có viết:
“Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng được đánh giá hằng năm từ loại đạt yêu cầu trở lên theo quy định Chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học, trường trung học”, là một trong những điều kiện để thực hiện chương trình này.
Đành rằng, trong ngành giáo dục, có không ít Hiệu trưởng ngoài tài năng quản lý nhà trường, họ còn: “Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; trung thực, tâm huyết với nghề nghiệp và có trách nhiệm trong quản lý nhà trường; không lợi dụng chức vụ hiệu trưởng vì mục đích vụ lợi, đảm bảo dân chủ trong hoạt động nhà trường” (Theo Quy định Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Đội ngũ giáo viên là người trực tiếp đánh giá Hiệu trưởng theo chuẩn cũng là người quyết định thành công sự nghiệp đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Nhưng, làm sao đánh giá đúng được tài năng của Hiệu trưởng, khi trong nhà trường giáo viên còn sợ Hiệu trưởng?
Vụ việc ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) mới đây là một minh chứng cho quyền uy của Hiệu trưởng trong trường phổ thông.
Hiệu trưởng lạm dụng quyền bổ nhiệm gây ra rmất dân chủ trong trường học. (Ảnh minh họa: NOP/Tuoitre.vn) |
1. Bởi, có Hiệu trưởng mà giáo viên nào cũng “sợ”
Đó là những Hiệu trưởng “được lòng” cấp trên; cá biệt có Hiệu trưởng tài năng quản lý kém cỏi, nhưng được cấp trên “giới thiệu” với đội ngũ cốt cán của trường.
Những Hiệu trưởng như thế, thường tập hợp xung quanh mình một “tập thể” để làm hậu thuẫn; tập thể đó bao gồm Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn, Tổ trưởng chuyên môn và nhiều giáo viên cũng ngả theo để “ủng hộ” và làm “tai mắt” cho Hiệu trưởng.
Khi đó, một mệnh lệnh của Hiệu trưởng đưa ra dù đúng, dù sai vẫn được số đông người đồng tình; số đông này sẵn sàng phản bác lại ý kiến của giáo viên phản biện trong các cuộc họp.
Thế nên, trong nhà trường Hiệu trưởng nói gì giáo viên cũng im lặng… chấp nhận; nếu ấm ức quá đành nói “liều” ngoài cuộc họp, thì có “tai mắt” của Hiệu trưởng ghi nhận, tất nhiên họ sẽ báo cáo lại Hiệu trưởng.
Trường học, nào có Hiệu trưởng như thế, thì “Quyền của giáo viên” quy định trong Điều lệ trường phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo coi như không thể thực hiện và “Quy chế thực hiện dân chủ trong trường học” cũng chỉ là hình thức; dù năm nào nhà trường cũng tổ chức Hội nghị cán bộ, viên chức đầu năm học để nghe ý kiến của giáo viên.
Điều đáng nói ở đây, là trong nhà trường, nếu như giáo viên không sai phạm về quy chế chuyên môn và “không sai phạm về hành vi, ngôn ngữ ứng xử, trang phục của giáo viên và các hành vi giáo viên không được làm” (Theo Điều lệ trường phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo), có chắc những giáo viên đó không sợ Hiệu trưởng không?
2. Vì sao giáo viên sợ Hiệu trưởng?
Thực trạng cho thấy, ở trường phổ thông, nhiều giáo viên sợ Hiệu trưởng, dù họ thực hiện nhiệm vụ của người thầy không có gì sai sót, bởi:
Nếu có ý kiến phản biện hoặc phản đối những chỉ đạo của Hiệu trưởng; họ sợ có thể bị quy vào lỗi: “Gây mất đoàn kết trong đơn vị”; cuối năm chắc chắn bị Hiệu trưởng phân loại ở mức: “Không hoàn thành nhiệm vụ” (Theo điều 28 Nghị định số: 56/2015/ NĐ- CP của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức).
Hoặc do những ý kiến đóng góp của họ trước đây đều bị Hiệu trưởng gạt bỏ; giờ đây nếu tiếp tục phản biện, họ sợ cuối năm Hiệu trưởng nhận xét: “Không chấp hành tốt nội quy, quy định của đơn vị” (Tiêu chuẩn chung của danh hiệu “Lao động tiên tiến” theo Thông tư số: 12/2012/TT-BGDĐT ngày 03/ 4/ 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Khi đó chắc chắn giáo viên sẽ mất danh hiệu thi đua, dẫn đến mất quyền lợi được hưởng, mất luôn phần chia “tăng thu nhập” hàng năm; tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến danh dự của người thầy, ảnh hưởng đến việc làm nhất là 2 năm liên tục bị phân loại như thế; bởi xung quanh không có ai dám bênh vực họ.
Bên cạnh đó, cũng có người muốn yên thân để dạy thêm dù không đúng quy định theo Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; có người vi phạm quy chế chuyên môn, vi phạm đạo đức nhà giáo…
Họ là những người sợ Hiệu trưởng… xử lý kỷ luật; nên Hiệu trưởng nói gì họ cũng… im lặng, tất nhiên họ đâu dám bảo vệ cái đúng trong nhà trường.
3. Cần quyết liệt với Hiệu trưởng không tôn trọng quyền của giáo viên:
Lãnh đạo nhà trường sa sút, yếu kém, hư hỏng, trì trệ, tiêu cực vì đâu? |
Căn cứ Điều lệ trường Tiểu học, trường Trung học cơ sở, trường Trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học và từ thực trạng trên đây có thể thấy, nhiều khả năng dân chủ trong trường học sẽ không còn là hình thức nếu như:
Ngành giáo dục thành lập Hội đồng sát hạch, khi ứng viên đáp ứng các tiêu chí Chuẩn hiệu trưởng thì mới được bổ nhiệm.
Đồng thời, không bổ nhiệm lại những Hiệu trưởng trong thời gian đảm nhận chức vụ, có dấu hiệu không tôn trọng quyền của giáo viên, hoặc có hành vi “sát phạt” giáo viên dám phản biện những vấn đề bất hợp lý, bất công trong nhà trường.
Bởi giáo viên sợ Hiệu trưởng thì làm gì dám đánh giá, phân loại Hiệu trưởng theo Chuẩn ở mức “Chưa đạt yêu cầu” khi Hiệu trưởng có sai phạm trong công tác quản lý nhà trường.
Nếu như cơ quan quản lý giáo dục cấp trên mạnh tay phân loại Hiệu trưởng ở mức “Không hoàn thành nhiệm vụ”, khi: “Gây phiền hà, sách nhiễu với nhân dân đến mức phải xử lý kỷ luật” (Điều 28 Nghị định số: 56/2015/ NĐ- CP của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức); thì chắc chắn Hiệu trưởng sẽ không dám “lộng quyền” khi được giao nhiệm vụ.
Quan trọng hơn, ở mỗi trường học, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn, Trưởng ban Thanh tra nhân dân, Bí thư Đoàn trường, Tổ trưởng chuyên môn cần làm tốt chức năng giám sát việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị cán bộ- viên chức và Quy chế thực hiện dân chủ trong nhà trường; mạnh dạn góp ý những vấn đề sai trái trong công tác quản lý nhà trường và phong cách làm việc của Hiệu trưởng.
Nếu làm được như vậy, giáo viên sẽ không còn sợ Hiệu trưởng và khi đó, chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có điều kiện thực hiện đúng mục đích, yêu cầu đề ra.