Ngày 28/12/2016, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Quận Bình Thạnh, giáo viên lớp 2 cũng dạy thêm”, phản ánh tình trạng một số hộ dân ở hẻm số 10 đường Hoàng Hoa Thám, phường 7, quận Bình Thạnh cho giáo viên (chủ yếu là tiểu học) thuê để dạy thêm không phép cho học sinh.
Trong số những giáo viên bị người dân phản ánh, có một nữ giáo viên hiện đang dạy lớp 2 của Trường tiểu học Bế Văn Đàn, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh cũng đang thuê phòng dạy thêm tại đây.
Trong buổi làm việc với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nữ giáo viên này đã biết việc dạy thêm của mình ở nhà là sai, không đúng với quy định của thông tư 17 và quyết định 21, cùng với các văn bản, quy định về dạy thêm học thêm của ngành, và cả của thành phố.
Phụ huynh nhộn nhịp đón học sinh tạn học thêm ở hẻm số 10 Hoàng Hoa Thám tối 26/12 (ảnh: P.L) |
Hiệu trưởng Trường tiểu học Bế Văn Đàn – cô Nguyễn Thị Đoan Trang đã đề nghị nữ giáo viên nói trên chấm dứt ngay việc dạy thêm sai quy định của mình, thông báo cho phụ huynh có con đang học thêm được biết.
Tuy nhiên, để làm rõ vài trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý địa bàn, để xảy ra tình trạng dạy thêm trái phép, chiều ngày 28/12, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đến trụ sở UBND phường 7 – quận Bình Thạnh, đăng ký làm việc với lãnh đạo phường về vấn đề này.
Sau khi trình thẻ nhà báo và các giấy tờ có liên quan, nhân viên phụ trách đăng ký tiếp công dân của phường đã đề nghị phóng viên khai báo thông tin, ghi vào sổ để trình, xếp lịch “cho” được gặp lãnh đạo.
Tiếp đó, sáng ngày 29/12, một nữ nhân viên của UBND phường (tên Phương Anh) gọi điện thoại cho phóng viên, hẹn ngày 5/1/2017 đến UBND phường 7 – quận Bình Thạnh, để gặp Phó Chủ tịch UBND phường (phụ trách văn xã) tên là Mỹ Loan, làm việc về vấn đề này.
Khi phóng viên hỏi lý do tại sao lâu như vậy, nhân viên này giải thích rằng: Cuối năm, lãnh đạo còn bận rất nhiều cuộc họp, và còn phải đi kiểm tra thực tế mới có thể trả lời được.
Như vậy là phải đúng 1 tuần kể từ khi đăng ký, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam mới có thể gặp, làm việc về nạn dạy thêm học thêm trái phép trên địa bàn, với lý do là lãnh đạo bận rộn cuối năm, cần thêm thời gian đi kiểm tra.
Cho dù rằng, ngay sau khi bài báo được đăng tải, việc dạy thêm không phép của các giáo viên ở hẻm nói trên đã có những chuyển biến rõ rệt, nhưng dư luận và người dân vẫn tiếp tục đòi hỏi phải truy, làm rõ trách nhiệm quản lý địa bàn của chính quyền địa phương sở tại, nơi để xảy ra tình trạng này.
Trong khi dư luận đang rất bức xúc hàng ngày, hàng giờ với vấn đề dạy thêm trái phép của các giáo viên, nhất là ở cấp tiểu học, còn UBND phường 7 – quận Bình Thạnh thì lại rất ‘bình chân như vại’ trước những phản ánh từ phía người dân.
Phải chăng, chính quyền phường 7 – quận Bình Thạnh đang thờ ơ trước việc dạy thêm trái phép trên địa bàn, do mình quản lý?