Qua xét tuyển đợt 1 vừa qua đã cho thấy việc cộng điểm ưu tiên đang nảy sinh những bất hợp lý, gây thiệt thòi cho thí sinh khu vực 3 điểm cao mà không trúng tuyển nguyện vọng 1 vào các ngành/trường yêu thích.
Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc thay đổi cách tính điểm ưu tiên để tạo sự công bằng cho thí sinh.
Về vấn đề này, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bùi Văn Ga khẳng định, quy định cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực trong tuyển sinh đã được thực hiện từ rất nhiều năm nay.
Quy định này cụ thể hóa các chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước đối với người có công, con em dân tộc, thí sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn… có điều kiện sống, điều kiện học tập khó khăn hơn rất nhiều so với thí sinh sống ở thành phố.
Khi chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước thay đổi thì quy chế tuyển sinh cũng được điều chỉnh lại cho phù hợp.
Quy định cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực trong tuyển sinh được cụ thể hóa từ các chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước (Ảnh minh họa: Báo Tuổi trẻ) |
“Ví dụ những địa phương trước đây thuộc khu vực khó khăn, nay điều kiện kinh tế xã hội đã được cải thiện, không còn nằm trong danh sách các địa phương khó khăn thì việc cộng điểm ưu tiên đối với thí sinh cũng sẽ được điều chỉnh giảm”, ông Ga phân tích.
Ngoài ra, trong kỳ xét tuyển vừa qua, nhiều thí sinh đưa ra ý kiến rằng, việc làm tròn 0,25 điểm tổng 3 môn thi đã dẫn đến bất hợp lý đối với thí sinh bằng điểm nhau ở cuối danh sách xét tuyển.
Về quy định này, ông Ga chỉ rõ, quy chế quy định làm tròn 0,25 tổng điểm 3 môn thi để tính điểm xét tuyển. Trong trường hợp cuối danh sách còn nhiều thí sinh bằng điểm nhau thì trường sử dụng các tiêu chí phụ để xét tuyển.
Thầy Đỗ Tấn Ngọc: Điểm ưu tiên, điểm cộng, điểm khuyến khích là hợp lý |
Việc làm tròn 0,25 điểm hay không làm tròn mà lấy điểm 2 số thập phân cũng đã được thảo luận nhiều khi soạn thảo quy chế tuyển sinh.
Nếu không làm tròn thì chênh lệch mức điểm là 0,01 đối với tổng 3 môn thi. Mức chênh lệch quá bé như vậy rất khó phân biệt chính xác trình độ thí sinh.
Vì thế quy chế giao cho các trường đưa ra các tiêu chí phụ, ví dụ trường có thể chọn thí sinh tổng 3 môn thấp hơn 0,01 điểm nhưng có điểm toán cao hơn nếu thấy rằng kiến thức môn toán cần thiết cho ngành học…
Tuy nhiên trong thiết kế phần mềm, Bộ vẫn đưa ra tiêu chí phụ đối với trường hợp thí sinh bằng điểm nhau sau khi đã làm tròn 0,25 ở cuối danh sách thì trường có thể quay về điểm gốc trước khi làm tròn để xét tuyển (tức lấy 2 số thập phân). Các trường tự quyết định có chọn tiêu chí phụ này hay không.