Thầy Đỗ Tấn Ngọc: Điểm ưu tiên, điểm cộng, điểm khuyến khích là hợp lý

03/08/2017 07:08
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Em đạt 29,15 điểm, học thật, không có điểm ưu tiên (vì ở khu vực 3) cuối cùng lại trượt. Còn những bạn đạt 25,75 điểm, thêm 3,5 điểm ưu tiên lại thành đỗ.

LTS: Sau khi các trường đại học trên cả nước công bố điểm chuẩn, một số thí sinh bày tỏ nỗi bức xúc khi điểm cao nhưng trượt nguyện vọng trong khi có bạn điểm thấp nhưng được cộng điểm ưu tiên nên đã trúng tuyển.

Với tư cách là một người làm công tác quản lý giáo dục, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc cho rằng chính sách cộng điểm là rất hợp lý bởi điều kiện học tập ở vùng núi, hải đảo... khó khăn hơn nhiều so với thành thị.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mới đây, hàng loạt trường đại học trong cả nước chính thức công bố điểm chuẩn, điểm trúng tuyển vào các ngành học của trường mình.

Nhiều thí sinh và phụ huynh rất vui mừng, phấn khởi khi trúng tuyển vào những trường, ngành học mà bản thân các em yêu thích, từng mơ ước.  

Song lại có không ít em điểm cao đã phải "khóc ròng" vì trượt vào ngành/trường yêu thích.

Điển hình như một thí sinh ở Thạch Thất - Hà Nội có tổng điểm là 29,15 (làm tròn thành 29,25), em chỉ thiếu 0,05 điểm và không đáp ứng được tiêu chí phụ của Đại học Y Hà Nội nên đã trượt ngành Y Đa khoa – Đại học Y Hà Nội.

Thí sinh này buồn bã tâm sự, em đạt 29,15 điểm, học thật, không có điểm ưu tiên (vì ở khu vực 3) cuối cùng lại trượt. Còn những bạn đạt 25,75 điểm; thêm 3,5 điểm ưu tiên là thành 29,25 điểm lại đỗ.

Việc cộng điểm ưu tiên trong xét tuyển vào đại học khiến nhiều học sinh bức xúc. (Ảnh minh họa: TT/Giaoduc.net.vn)
Việc cộng điểm ưu tiên trong xét tuyển vào đại học khiến nhiều học sinh bức xúc. (Ảnh minh họa: TT/Giaoduc.net.vn)

Từ trường hợp đáng tiếc trên, có người kiến nghị: “Điểm ưu tiên khu vực làm mất tính công bằng trong tuyển sinh đại học mong sao Bộ Giáo dục và Đào tạo chấm dứt điểm ưu tiên trừ miền núi vùng cao và hải đảo.

Ở góc nhìn của một nhà quản lý giáo dục, một thầy giáo đang giảng dạy trực tiếp ở bậc học trung học phổ thông, tôi cho rằng, chính sách ưu tiên, cộng điểm khuyến khích, tuyển thẳng đối với học sinh ở vùng còn khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; đối với diện con thương binh, liệt sĩ, có công với cách mạng; diện các học sinh có thành tích cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, khu vực, quốc tế, thi khoa học kỹ thuật quốc gia… theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các trường đại học là hoàn toàn hợp lý và công bằng.

Vì ai từng đến và sống ở những nơi điều kiện kinh tế - xã hội, giáo dục còn gian khó, những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo mới thấu hiểu hết sự vất vả, thiếu thốn trăm bề mà nhân dân, đồng bào, các em học sinh nơi ấy đã, đang phải gánh chịu.

Nếu như cứ cào bằng, đổ đồng, vùng miền nào cũng giống nhau cả thì các em vùng miền núi, hải đảo làm sao “địch nổi” kết quả, điểm thi của các học sinh ở đồng bằng, thành phố lớn, nơi điều kiện sinh sống và học tập tốt hơn nhiều.

Nếu như Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục không có chính sách ưu tiên, đãi ngộ về vật chất, lương bổng, thuyên chuyển… đối với cán bộ, giáo viên công tác ở các vùng miền núi, hải đảo thì liệu có mấy người dám đi tới và gắn bó bao năm tháng tuổi trẻ với những nơi đó?

Lâu nay, con của các thương binh, liệt sĩ được hưởng đặc ân, ưu tiên của Đảng, Nhà nước ta về quá trình học tập, về thi cử, xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông, xét tuyển đại học, cao đẳng, xét tuyển dụng công chức, viên chức… là hoàn toàn xứng đáng.

Thầy Đỗ Tấn Ngọc: Điểm ưu tiên, điểm cộng, điểm khuyến khích là hợp lý ảnh 2

Có nên cộng điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học?

Vì sự đóng góp to lớn, hy sinh cả máu xương của cha, mẹ các em dành cho sự nghiệp cách mạng, Tổ quốc này.

Các em lớn lên, học tập, lao động… chịu nhiều mất mát, thiệt thòi từ người thân không còn, từ người thân mang trên mình không ít thương tật. 

Tuyển thẳng hay cộng điểm khuyến khích đối với các học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập, trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật, thi năng khiếu, thi thể dục, thể thao… ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế… cũng không có vấn đề gì phải bàn luận thêm.

Các em xứng đáng có được những điểm khuyến khích, những “lợi thế” hơn các em học sinh bình thường khi xét tốt nghiệp, xét tuyển đại học, cao đẳng…

Có một số người còn bày tỏ lo ngại rằng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo mà duy trì mãi chính sách ưu tiên, cộng điểm khuyến khích đối với các diện nêu trên dễ làm cho các em học sinh nảy sinh tư tưởng chủ quan, ỷ lại, thiếu động lực rèn luyện, phấn đấu trong học tập.

Tôi thấy trong thực tế, cũng chưa có mấy học sinh thuộc các diện nêu trên lại nảy sinh tư tưởng lệch lạc ấy.

ĐỖ TẤN NGỌC