Chúng tôi chóng mặt, học trò thêm gánh nặng vì các môn học mới

17/04/2017 07:16
Phan Tuyết
(GDVN) - Nhìn vào các môn học đã thấy chóng mặt, là giáo viên nhưng chúng tôi cũng phải đọc đi đọc lại vài ba lần mới hiểu và nhớ được tên các môn học...

LTS: Sau khi dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới được công bố để lấy ý kiến dư luận, cô giáo Phan Tuyết chia sẻ ý kiến của mình về chương trình dành cho bậc tiểu học.

Theo cô, chương trình mới còn nặng về kiến thức hơn rất nhiều so với chương trình hiện hành, có thể gây quá tải cho học sinh lứa tuổi tiểu học.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới được công bố chiều 12/4 có nhiều điểm mới so với chương trình giáo dục phổ thông cũ.

Điểm mới căn bản nhất là tốt nghiệp phổ thông trung học sẽ giao về địa phương và sự xuất hiện của nhiều môn học mới.

Theo nhận xét của nhiều người, chưa thấy sự giảm tải cho học sinh so với chương trình cũ, chương trình mới vẫn ôm đồm và nặng nề đối với học sinh cả ba cấp.

Trong phạm vi bài viết này chỉ xin nói đến cấp tiểu học, cấp học được xem là nền tảng.

Tên gọi các môn học

Ngay ở bậc tiểu học, các môn học được chia làm ba hình thức

a) Các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ.

b) Các môn học bắt buộc có phân hóa: Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

c) Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số.


Ngoài ra, ở cấp tiểu học còn có hoạt động Tự học có hướng dẫn (tự học trên lớp của học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, có sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên).

Cô giáo Phan Tuyết cho rằng chương trình bậc tiểu học mới nặng về kiến thức hơn chương trình cũ. (Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân)
Cô giáo Phan Tuyết cho rằng chương trình bậc tiểu học mới nặng về kiến thức hơn chương trình cũ. (Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân)

Nhìn vào các môn học đã thấy chóng mặt, là giáo viên nhưng chúng tôi cũng phải đọc đi đọc lại vài ba lần mới hiểu và nhớ được tên các môn học nói gì đến nhiều phụ huynh nhất là phụ huynh ở vùng sâu vùng xa?

Trong các môn học bắt buộc có môn Giáo dục lối sống (giống môn đạo đức hiện nay).

Ba môn học khác là: Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên (thực chất là môn Tự nhiên và Xã hội).

Nay có thêm môn Tìm hiểu công nghệ. Nếu nói về nội dung kiến thức không có gì thay đổi so với chương trình cũ chỉ là tách biệt ra từng môn học riêng.

Tuy thời lượng học của các em vẫn không đổi, không quá 7 tiết/ ngày, nhưng một tuần học sinh lớp 1, 2, 3 chỉ còn học 31 tiết và lớp 4, 5 học 32 tiết (so với chương trình cũ là 35 tiết).

Nhưng tên môn học nhiều, lằng nhằng có sự lẫn lộn giữa môn học bắt buộc Tìm hiểu công nghệ với môn học bắt buộc có phân hóa là Thế giới công nghệ.

Học trò ở độ tuổi lên 6, lên 7 liệu có nhớ nổi không?

Chúng tôi chóng mặt, học trò thêm gánh nặng vì các môn học mới ảnh 2

Trăn trở của nhiều thầy cô giáo về dự thảo chương trình phổ thông mới

Môn Tiếng Việt thực chất là sự tích hợp của rất nhiều phân môn trước đây như phân môn Tập đọc, Chính tả, Tập viết, Luyện từ và câu, Kể chuyện, Tập làm văn.

Nay chỉ gọi chung là phân môn Tiếng Việt cùng với Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ tất thảy học sinh phải học tới 8 môn chính chưa kể đến các môn học bắt buộc có phân hóa.

Nếu so với chương trình cũ, chương trình mới nặng về kiến thức hơn rất nhiều.

Với các em học sinh tiểu học đang ở độ tuổi lên 6, lên 7 học nhiều môn như thế là quá áp lực.

Trong khi, chúng ta vẫn đang lên án kiến thức của các em là quá tải, nhưng kĩ năng sống lại quá yếu.

Nếu vẫn giữ các môn học như thế sợ rằng còn quá tải hơn nhiều so với chương trình trước đây.

Dạy học sinh tiểu học, mục tiêu chỉ nên hướng tới là việc các em biết đọc và viết thông thạo tiếng Việt, bước đầu làm quen với việc học ngoại ngữ, Giáo dục kĩ năng sống và sự hiểu biết ban đầu về tự nhiên, xã hội là đủ.

Số tiết học văn hóa trong ngày sẽ giảm xuống, tăng số tiết giáo dục kĩ năng sống, một số hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho các em.

Tuy nhiên hoạt động này cũng cần phù hợp với nhu cầu, năng lực, sở trường của học sinh cũng như điều kiện đáp ứng của cơ sở giáo dục, đặc điểm từng vùng miền mới đạt được kết quả tốt.

Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả.

Phan Tuyết