LTS: Trước thềm đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, thầy giáo Sơn Quang Huyến đặt vấn đề về việc phát triển mô hình trường chuyên trong hoàn cảnh mới.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Chương trình giáo dục phổ thông mới, đang được kì vọng, thúc đẩy giáo dục, thúc đẩy kinh tế xã hội nước nhà phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Một trong những thay đổi quan trọng, đó là giáo dục phát triển năng lực người học; phân luồng, định hướng nghề nghiệp thông qua giáo dục càng sớm càng tốt.
Năng lực, không ai giống ai, vì vậy, không thể bắt buộc tất cả học sinh đều giỏi. Có những người có năng lực, trí tuệ khác biệt, nếu không có môi trường giáo dục đặc biệt, giáo viên giảng dạy có năng lực vượt trội hơn, thì tài năng ấy, năng lực ấy sẽ bị thui chột.
Vì thế cần có trường học chuyên biệt, mô hình trường chuyên ra đời.
Thế nhưng, ở nước ta, quá trình tồn tại và phát triển của trường chuyên đã để lại nhiều “bất cập”, nhiều bài báo đã đề cập, đề nghị bỏ trường chuyên.
Vậy trường chuyên có bị bỏ không, khi triển khai chương trình giáo dục mới? Nhu cầu của xã hội, với trường chuyên có giảm không?
Việc áp dụng chương trình mới có cần bỏ trường chuyên? Ảnh minh họa: VTV |
Chưa thấy trường chuyên nào tuyển sinh đầu cấp, không đủ chỉ tiêu cả; dù yêu cầu đầu vào khắt khe, thi tuyển nghiêm túc. Người dân vẫn muốn cho con học trường chuyên, từ dân thường tới… quan chức.
Không ít gia đình, nhiều thế hệ anh, em, cha, chú học trường chuyên. Bạn tôi, bố dạy Toán trung học phổ thông, vợ là bác sĩ, con đầu học trường chuyên, nay đang định cư Mỹ, hai đứa em cũng lần lượt học chuyên, đều du học nước ngoài với học bổng toàn phần.
Năm nay, các trường đại học lại mở rộng vòng tay xét tuyển thẳng học sinh trường chuyên, như minh chứng hùng hồn cho vị thế trường chuyên trong giáo dục hiện nay.
Về cơ quan chủ quản, trao đổi với báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian tới sẽ điều chỉnh định hướng phát triển trường chuyên để thực sự đây là nơi ươm mầm nhân tài.
Bảy kỳ vọng của giáo viên với chương trình, sách giáo khoa mới |
Theo đó, xây dựng và phát triển các trường chuyên thành một hệ thống cơ sở giáo dục trung học có chất lượng giáo dục cao, đạt chuẩn quốc gia.
Đưa các trường chuyên thực sự đi đầu trong việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và các chủ trương đổi mới giáo dục phổ thông.
Xây dựng các trường chuyên thành hình mẫu của các trường trung học phổ thông về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và tổ chức, quản lý các hoạt động giáo dục ở mỗi địa phương.
Như vậy, triển khai chương trình mới, trường chuyên tiếp tục tồn tại và được ưu tiên đầu tư, phát triển.
Không ít học trò trường chuyên, nhận được các học bổng “khủng” từ nước ngoài mà báo chí đã ca ngợi trong thời gian vừa qua.
Trong các học sinh Việt, nhận học bổng khủng của các trường đại học danh tiếng ở Mỹ năm 2018, phần lớn là học trò trường… chuyên; Bùi Minh Thắng, chuyên Anh Hải Phòng, Phan Thị Hạnh chuyên Đại học Vinh, Cao Tuấn Kiệt chuyên Lí - Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam v.v...
Việc học chuyên hay không, tùy thuộc vào năng lực của học sinh, định hướng nghề nghiệp của gia đình. Nếu con em mình không có năng lực thực sự, cha mẹ háo danh cứ ép vào trường chuyên, đúng là thảm họa cho học trò, cho gia đình, cho xã hội.