LTS: Trước thềm áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy giáo Nguyễn Cao chia sẻ những mong muốn của giáo viên ở sách giáo khoa mới.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa thông qua chương trình môn học chính thức là một sự kiện lớn của ngành giáo dục trong những ngày cuối cùng của năm cũ.
Bởi, từ chương trình môn học sẽ mở ra một trang mới cho giáo dục Việt Nam trong những năm tới đây.
Dù còn nhiều ý kiến băn khoăn nhưng đa phần những người quan tâm đến giáo dục nước nhà luôn hy vọng chương trình, sách giáo khoa mới sẽ khắc phục được nhưng hạn chế, bất cập của chương trình, sách giáo khoa hiện hành.
Chương trình hiện hành được áp dụng đại trà từ năm 2002 và nếu tính đến khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới thì cũng đã ngót nghét 20 năm trời.
Tính ra, thời gian cho một vòng chương trình, sách giáo khoa cũng không phải là quá ít.
Giáo viên mong muốn gì ở chương trình, sách giáo khoa mới? Ảnh minh họa: TTXVN |
Song, nếu nhìn nhận lại toàn bộ quá trình áp dụng của bộ sách giáo khoa hiện hành thì những ưu điểm không thể che lấp được những hạn chế, bất cập khi Bộ liên tục có những hướng dẫn để giảm tải và điều chỉnh nội dung sách giáo khoa.
Bởi, nó vừa nặng về kiến thức hàn lâm, vừa có những nội dung kiến thức trùng lặp không cần thiết.
Bây giờ, chương trình giáo dục tổng thể và chương trình môn học chính thức đã được thông qua. Đồng nghĩa, từ chương trình môn học này, các nhà biên soạn, viết sách giáo khoa sẽ bắt tay vào việc hoàn thiện những bộ sách giáo khoa cho những năm tới đây.
Xét đến cùng, chương trình tổng thể và chương trình môn học dù rất quan trọng nhưng có lẽ sản phẩm cuối cùng đến với thầy - trò ở các nhà trường là những bộ sách giáo khoa được thực hiện như thế nào.
Nói gì thì nói, sách giáo khoa vẫn là sản phẩm quan trọng nhất cho công việc giảng dạy ở nhà trường.
Thầy cô muốn giảng dạy hay, muốn truyền tải được thông điệp của người viết chương trình, những người hoạch định chính sách tất nhiên phải có những bộ giáo khoa tốt, phù hợp về kiến thức, lứa tuổi, thiết thực và thiên nhiều về thực hành.
Vì thế, chúng tôi mong muốn bộ sách giáo khoa tới đây phải ưu việt hơn bộ sách giáo khoa hiện hành.
Muốn làm được như vậy, có lẽ những người thực hiện những bộ sách giáo khoa phải có những đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng và đáp ứng được những yêu cầu sau:
Thứ nhất: Sách giáo khoa phải được đầu tư khoa học, chỉn chu về nội dung, chỉ chỉnh sửa, bổ sung một số môn học như Tin học, Địa lý khi có những thay đổi cần thiết. Những môn còn lại cần được mang tính cố định theo vòng đời của sách giáo khoa.
Tránh tình trạng năm này chỉnh lý, bổ sung một ít, năm sau lại bổn cũ soạn lại. Vô tình, sách cũ sẽ phải bỏ đi, gây lãng phí và bức xúc cho xã hội.
Thứ hai: Khi viết sách, cần tập trung viết những điều thiết thực, cô đọng, súc tích để tránh lại vết xe đổ trong chương trình hiện hành.
Sách vừa mới áp dụng thì Bộ phải ra hướng dẫn giảm tải. Hoặc sách đã viết theo chương, tích hợp từng đơn vị kiến thức, nhưng khi thực hiện lại có những hướng dẫn dạy theo chủ đề, dạy tích hợp liên môn.
Vì thế, những nội dung của sách giáo khoa bị xé nát chẳng theo một trình tự khoa học nào. Vậy nên, điều chúng tôi mong muốn là những người viết sách phải tính toán kỹ lưỡng trước khi áp dụng sách giáo khoa mới.
Thứ ba: Sách giáo khoa cần nhẹ nhàng, giảm tải về nội dung kiến thức, bỏ bớt những kiến thức hàn lâm, những kiến thức lạc hậu không cần thiết để hướng học sinh những điều thiết thực nhất, phù hợp với kiến thức phổ thông, với sự phát triển của đất nước và thế giới.
Điều này sẽ tránh được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay.
Bao giờ con em chúng ta sẽ học chương trình giáo dục phổ thông mới? |
Thứ tư: Cần có những hướng dẫn về kiểm tra, đánh giá học sinh một cách thiết thực, nhẹ nhàng nhưng phải cụ thể và mang tính định lượng.
Những hạn chế ở Thông tư 58, Thông tư 22 hiện hành cần được thay thế hoặc bổ sung những điểm phù hợp.
Bởi thực tế thông tư 58 hiện nay hướng dẫn nhiều môn quá nặng về kiểm tra, gây áp lực cho cả thầy và trò ở các nhà trường.
Ví dụ như môn Ngữ văn lớp 9 mỗi học kỳ thì học sinh phải làm tới 11 bài kiểm tra (4 bài thường xuyên, 6 bài định kỳ và 1 bài kiểm tra học kỳ).
Việc kiểm tra nhiều là quá sức cho cả thầy và trò bởi đây chỉ mới một mình môn Ngữ văn mà chương trình thì có đến mười mấy môn học. Trong khi, một số môn lại chỉ xếp đạt và chưa đạt. Hai mức này quá chung chung, đánh đồng với nhau không rõ ràng.
Thông tư 22 thì cách nhận xét, xếp loại học trò tiểu học cũng còn vô vàn bất cập, dẫn đến việc đánh giá, xếp loại học sinh không chính xác.
Thứ năm: Giá thành sách giáo khoa cần phù hợp với túi tiền của dân. Phần bài tập nên thiết kế gọn gàng sau mỗi bài học với nhiều mức độ kiến thức để phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Tránh tình trạng sách giáo khoa đã có bài tập lại thêm sách bài tập dẫn đến sự lãng phí không cần thiết nhưng lại gây áp lực về tài chính cho phụ huynh học sinh.
Thứ sáu: Chương trình mới đã có định hướng là giao quyền lựa chọn sách cho các nhà trường và hướng tới việc tự chủ về chuyên môn.
Ý kiến của giáo viên và phụ huynh về một chương trình, nhiều sách giáo khoa |
Vì thế, hãy bớt thanh, kiểm tra chuyên môn của cấp Phòng, Sở, Hội đồng bộ môn. Tránh tình trạng soi từng hoạt động dạy học trong giáo án và giảng dạy ở trên lớp.
Việc đánh giá giáo viên, nhà trường cần được thể hiện qua sản phẩm giáo dục hàng năm trong các kỳ thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia và tỉ lệ đỗ vào các trường chuyên nghiệp.
Việc trọng thành tích qua báo cáo hàng năm chỉ làm tăng thêm tính giả dối và căn bệnh thành tích không khắc phục được.
Thứ bảy: Việc tập huấn cho giáo viên về những môn học mới, những nội dung khó cần được đầu tư bài bản hơn.
Người được lựa chọn báo cáo phải là người am hiểu sâu về chuyên môn, tỏ tường mọi vấn đề và nội dung thay đổi.
Tránh tình trạng tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên mà chỉ chiếu những file được Bộ gửi về một cách máy móc, thụ động nhưng bản chất nội dung tập huấn thì ngay cả người báo cáo cho giáo viên cũng còn lơ mơ, võ đoán.
Việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới trong những năm tới chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Song, vấn đề quan trọng là quyết tâm của Bộ, những lãnh đạo ngành giáo dục ở các địa phương.
Ban đầu, cái gì cũng sẽ mới, sẽ lạ lẫm, sẽ có ý kiến bàn ra bàn vào. Vì thế, khó khăn thì chắc chắn Bộ phải đối mặt nhưng vấn đề là Bộ cần có những quyết tâm cần thiết để giải quyết bài toán ban đầu này.
Trong tác phẩm Cố hương của nhà văn Lỗ Tấn (Trung Quốc) có những câu văn thật chí lý như sau: “Đã gọi là hy vọng thì không thể nói đâu là thực, đâu là hư. Cũng giống như những con đường trên mặt đất; kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường đó thôi”.
Và, chương trình giáo dục phổ thông mới của chúng ta đã là thực. Điều còn lại là những người kiến tạo vận dụng hiệu quả chương trình môn học vào bộ sách giáo khoa đó như thế nào mà thôi.
Những hy vọng của giáo viên, của toàn xã hội rất trông chờ về sự thay công trong lần thay đổi chương trình và sách giáo khoa mới lần này. Đừng để mọi người phải thất vọng.