Chương trình mới khắc phục nhược điểm của chương trình hiện hành thế nào?

30/04/2017 06:26
Hồng Ngọc
(GDVN) - Bàn luận của thầy giáo Trần Xuân Trà, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trường Thúy, tỉnh Nam Định.

Quý vị bạn đọc đang theo dõi bài viết của thầy Trần Xuân Trà, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trường Thúy, tỉnh Nam Định về Dự thảo chương trình phổ thông tổng thể mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo giới thiệu để lấy ý kiến dư luận. 

Liên thông kiến thức giữa các cấp học

Thầy Trần Xuân Trà cho rằng, Dự thảo đã xác định rõ mục tiêu cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông trong giai đoạn hiện nay;

Những yêu cầu cần đạt, nhất là việc nâng cao phẩm chất, năng lực người học, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo xu hướng hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa;

Kế hoạch giáo dục; những định hướng đổi mới về nội dung, phương pháp, đánh giá kết quả giáo dục; điều kiện thực hiện và phát triển chương trình giáo dục phổ thông. 

Cũng theo thầy Trà, dựa trên tinh thần kế thừa chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới có khá nhiều ưu điểm, phù hợp với quy luật của sự phát triển. 

Trong đó, Dự thảo đã đặc biệt chú ý tới sự liên thông kiến thức giữa các cấp học để tránh sự trùng lắp về nội dung chương trình và sự quá tải đối với học sinh, khắc phục được nhược điểm của chương trình hiện hành.

Dự thảo đã phân chia khá hợp lý hai giai đoạn của chương trình giáo dục phổ thông, gắn với yêu cầu thực tiễn của đời sống xã hội, vừa trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng phổ thông trọng tâm, cơ bản, gắn với các hoạt động trải nghiệm, thực hành.

Đáp ứng mục tiêu “học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự hoàn thiện mình” theo quan điểm của UNESCO, quan tâm đúng mức tới việc phát huy phẩm chất, năng lực người học theo định hướng nghề nghiệp sau này” - thầy Trà phân tích.

Chương trình giáo dục phổ thông có nhiều điểm giúp khắc phục hạn chế của chương trình hiện hành. (Ảnh: Tuoitre.vn)
Chương trình giáo dục phổ thông có nhiều điểm giúp khắc phục hạn chế của chương trình hiện hành. (Ảnh: Tuoitre.vn)

Một điểm mạnh nữa của Dự thảo được thầy Trà nhắc tới là quan điểm tích hợp được đưa ra trong Dự thảo phù hợp với xu thế chung của nhiều nước hiện nay, vừa góp phần giảm tải chương trình, vừa bồi dưỡng và nâng cao tư duy hệ thống, năng lực tổng hợp - phân tích của người học.

Kết hợp hài hòa giữa “học” và “hành”

Theo thầy Trần Xuân Trà, điểm đáng chú ý nhất trong Dự thảo là đã quan tâm tới việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của xã hội thông qua sự kết hợp hài hòa giữa “học” và “hành”, giữa việc trang bị những kiến thức, kỹ năng phổ thông cơ bản với việc vận dụng chúng để giải quyết những vấn đề sinh động của cuộc sống qua các môn học và nội dung giáo dục mới được đưa vào chương trình như:

Nội dung giáo dục dành cho địa phương, Tin học ứng dụng, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, Hoạt động nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật,….

Khẳng định những nội dung mới, môn học mới được đưa vào chương trình là quan trọng, cần thiết, đáp ứng được mục tiêu phát triển và nâng cao phẩm chất, năng lực toàn diện của học sinh.

Tuy nhiên thầy Trần Xuân Trà cũng bày tỏ băn khoăn về đội ngũ giáo viên hiện nay.

Vì theo chia sẻ của thầy, mặc dù những năm qua, đội ngũ giáo viên đã được tiếp cận với các nội dung nhằm thực hiện giảm tải chương trình sách giáo khoa, xây dựng các chuyên đề tự chọn, tổ chức các cuộc thi hay dạy các chủ đề tích hợp dành cho giáo viên, vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống và nghiên cứu khoa học cho học sinh.

Song không hẳn giáo viên nào cũng đủ tự tin để bước vào lần đổi mới này.

Từ đó thầy Trà đề xuất, ngành Giáo dục cần có chiến lược lâu dài để đào tạo đội ngũ giáo viên phù hợp với chương trình phổ thông tổng thể.

Chương trình mới khắc phục nhược điểm của chương trình hiện hành thế nào? ảnh 2

Chương trình mới đã tính đến cơ sở vật chất, đãi ngộ nhà giáo chưa?

Đồng thời có những giải pháp cấp bách để đến năm học 2018 - 2019 có thể cung ứng đủ giáo viên cho các cơ sở giáo dục bắt đầu chương trình mới ở các lớp đầu cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Điều chúng tôi trông đợi hiện nay là Bộ sẽ sớm xây dựng và ban hành chương trình môn học, biên soạn sách giáo khoa. Để theo đó có những giải pháp tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên.

Tôi tin mỗi giáo viên đều sẵn sàng đồng hành với đổi mới, vấn đề là hãy cho chúng tôi được ở thế chủ động nắm bắt nội dung, kiến thức và tinh thần của đổi mới” - Thầy Trần Xuân Trà cho biết.  

Hồng Ngọc