Chuyện cô T. và nỗi đau nghề giáo

28/08/2017 06:55
Nguyễn Nguyên
(GDVN) - Có những góc khuất mà những giáo viên trẻ “cơ nhỡ’ đang phải giảng dạy hợp đồng theo mùa vụ tại đơn vị rất dễ đi vào những “cái bẫy” của một số người.

Sự việc cô giáo cô giáo dạy hợp đồng ở trường tiểu học Kim Đồng huyện Buôn Đôn tỉnh Đắk Lắk “đổi tình” lấy “biên chế” đang làm nóng mặt báo các ngày gần đây. 

Người viết bài này xin nói qua một chút về cụm từ “biên chế” và “hợp đồng” trong ngành giáo dục hiện nay. 

Đây là một cụm từ quen thuộc, nhưng đôi lúc có nhiều người chưa hiểu thấu đáo. Nhất là với những giáo viên trẻ mới vào nghề. 

Vì thế, sự “ngộ nhận” đôi lúc dẫn đến những hệ lụy khôn lường mà cô giáo T ở Đắk Lắk là một ví dụ.

Cạm bẫy mang tên “biên chế”

Hiện nay, “biên chế” trong các đơn vị hành chính sự nghiệp chỉ có cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục mới là công chức và được quản lý bằng “biên chế”. 

Vì thế, trong mỗi đơn vị trường học chỉ có hiệu trưởng nhà trường được gọi là công chức (nằm trong diện biên chế), còn lại từ phó hiệu trưởng trở xuống đều được gọi là viên chức. 

Cô giáo T. ở Đắk Lắk vì muốn có biên chế đã phải đánh đổi. Ảnh: phapluatplus.vn.
Cô giáo T. ở Đắk Lắk vì muốn có biên chế đã phải đánh đổi. Ảnh: phapluatplus.vn.

Điều này được thể hiện rõ trong các văn bản hướng dẫn khi tuyển dụng viên chức như: 

Nghị định số: 68/2000/NĐ/CP Về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp; 

Nghị định 71/2003/NĐ-CP về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp nhà nước; 

Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 04 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; 

Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 05 năm 2012 của Chính phủ quy định vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập; 

Thông tư số 14/2012/TT-BNV ngày18 tháng 12 năm 2012 về hướng dẫn thực hiện Luật Cán bộ, công chức 2008; Luật Viên chức 2010; 

Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế, giáo viên là viên chức được quản lý bằng hợp đồng làm việc…

Vì thế, những giáo viên hiện nay khi được tuyển dụng vẫn gọi là vào “biên chế’, nhưng thực chất là hợp đồng không xác đinh thời hạn  mà chúng ta thường gọi là “hợp đồng theo Nghị định 68”.    

Có người cho rằng hiệu trưởng không có thẩm quyền kí các dạng hợp đồng của giáo viên hiện nay, như vậy có đã chính xác chưa?

Người viết xin đưa ra trích dẫn tại mục 1 và 2 của Điều 24 Luật viên chức 2010 quy định về tổ chức thực hiện tuyển dụng viên chức như sau:

1. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. 

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ, cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức hoặc phân cấp cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng.

Chuyện cô T. và nỗi đau nghề giáo ảnh 2

Khi biên chế đã không còn đo bằng tiền, làm sao giúp thầy cô giữ phẩm giá?

2. Căn cứ vào kết quả tuyển dụng, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ký kết hợp đồng làm việc với người trúng tuyển vào viên chức.

Đối với giáo viên hợp đồng hiện nay có 3 loại hợp đồng, điều này được cụ thể hóa ở  Điều 22 Bộ luật lao động 2012:

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn: Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Từ những văn bản pháp quy như đã nêu ở trên, người viết xin được phân tích trường hợp cô giáo T. 

Có lẽ lúc cô và phó hiệu trưởng chuyên môn có “thỏa thuận đổi chác” thì cô chỉ là giáo viên hợp đồng xác định thời hạn hoặc hợp đồng thời vụ. 

Vì thế, cô mới có những quyết định sai lầm như vậy. Bởi ở thời điểm hiện tại, các trường công lập phần lớn là mới được giao tự chủ một phần.

Nhất là đối với một trường tiểu học ở Đắk Lắk - nơi mà điều kiện còn gặp nhiều khó khăn thì hiệu trưởng nhà trường chỉ có thể kí được hợp đồng lao động xác định thời gian hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ khi trường thiếu giáo viên. 

Còn hợp đồng không xác định thời hạn mà lâu nay ta vẫn gọi nhầm là “biên chế”, thì thuộc về thẩm quyền đề xuất tham mưa của phòng giáo dục và phòng nội vụ, cơ quan quyết định cuối cùng là uỷ ban nhân dân huyện.

Căn cứ vào các văn bản hướng dẫn hiện hành thì hàng năm, từ phó hiệu trưởng trở xuống đều phải kí hợp đồng làm việc với hiệu trưởng. 

Vì thế, chuyện cô giáo T. bị phó hiệu trưởng H. phụ trách chuyên môn lừa, “đổi tình để vào biên chế” là một việc làm có tính toán để lợi dụng người khác.

Đừng lầm tưởng phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn không "đì" được giáo viên hợp đồng

Hành động của vị phó hiệu trưởng H. phụ trách chuyên môn có phần “liều lĩnh” và đã vi phạm đạo đức nhà giáo. 

Chuyện cô T. và nỗi đau nghề giáo ảnh 3

Nếu còn tự trọng, 2 vị “đổi tình lấy biên chế” hãy rời bục giảng

Tuy nhiên, nó cũng có những góc khuất mà những giáo viên trẻ “cơ nhỡ’ đang phải giảng dạy hợp đồng theo mùa vụ tại đơn vị rất dễ đi vào những “cái bẫy” của một số người đi trước đã tính toán thấu đáo và giăng bẫy.

Vì sao một phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn là lừa phỉnh được cô T. đổi tình để giúp đỡ vào “biên chế”?

Bởi cơ chế làm việc hiện nay là cơ chế thủ trưởng đơn vị- hiệu trưởng mới là người có quyền tự quyết tất cả mọi công việc của nhà trường. 

Còn phó hiệu trưởng nhà trường chỉ là “người giúp việc cho hiệu trưởng” điều này đã được qui định rõ trong Điều lệ nhà trường. 

Tuy nhiên, sự đời không phải vậy, phó hiệu trưởng vẫn có những quyền nhất định trong việc đánh giá giáo viên hàng năm. Vì sao?

Trong quá trình giảng dạy thì giáo viên thường rất “sợ” phó hiệu trưởng chuyên môn vì giáo viên thường gần gũi, trao đổi về chuyên môn, nhất là đối với giáo viên trẻ. 

Vì hiệu trưởng nhà trưởng là người lãnh đạo, quản lí lí tổng thể, ít đi vào chi tiết, vì thế công tác theo dõi, dự giờ giáo viên mới, giáo viên hợp đồng thường do phó hiệu trưởng chuyên môn đảm nhận. 

Vậy nên, họ có một cái quyền nhất định trong việc xếp loại giờ dự, nhận xét quá trình công tác của giáo viên trong việc đánh giá, phân loại giáo viên hàng năm hay khi kí kết hợp đồng ban đầu (thường giáo viên phải dạy thử). 

Cuối năm học, khi đánh giá, phân loại, xét thi đua thì phó hiệu trưởng chuyên môn có một vai trò nhất định trong việc xếp loại của giáo viên. 

Tiếng nói của họ có tính chất quyết định vì các văn bản hướng dẫn hiện hành thì khi đánh giá, xếp loại, xét thi đua  hàng năm phải được thể hiện qua chất lượng giảng dạy, kết quả kiểm tra chuyên đề, phiếu dự giờ đạt loại khá, giỏi mới được xét thi đua, được đánh giá, xếp loại tốt. 

Vì thế, việc cô giáo T. bị lừa phỉnh, khống chế cũng là một điều dễ hiểu bởi cô đang còn phải “cậy nhờ” để lo “biên chế” mà.

Có người nói phó hiệu trưởng chuyên môn chẳng có vai trò gì trong tuyển dụng viên chức vừa đúng nhưng lại cũng lại chưa đúng. 

Bởi hình thức tuyển dụng viên chức hiện nay có hai hình thức là thi tuyển và xét tuyển. 

Vì cấp tiểu học do ủy ban nhân dân huyện quản lí, nên khi tuyển dụng thì quyết định cuối cùng là ủy ban nhân dân huyện. 

Nhưng vai trò của phòng giáo dục vẫn đóng một vị thế then chốt. 

Bởi đây là nơi tổng hợp, lựa chọn các hồ sơ, tham gia phỏng vấn, nếu thi tuyển thì phòng giáo dục là đơn vị tổ chức chấm thi. 

Vậy ai chấm? Phải là một vài vị phó Hiệu trưởng chuyên các nhà trường làm nòng cốt. 

Hơn nữa, khi đã là người quản lí nhà trường thì họ luôn tạo được những mối quan hệ để có thể tác động và nhờ vả nhau khi cần.

Câu chuyện giáo viên hợp đồng “đổi tình” để lo vào “biên chế” là một nỗi đau về đạo đức, nhân phẩm của người thầy đang đứng trên bục giảng và đang làm quản lí nhà trường ở Đắk Lắk. 

Đây chỉ là trường hợp cá biệt nhưng đã tạo ra dư luận xấu cho xã hội. 

Cô T. đã bị cắt hợp đồng ngay sau khi sự việc xảy ra và “thầy” phó hiệu trưởng chắc chắn sẽ bị kỉ luật trong thời gian tới. 

Có điều, chúng ta còn thấy đau hơn rất nhiều, đó là sự việc đã xảy ra lâu rồi mà đến bây giờ Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk mới biết, mới yêu cầu Phòng báo cáo. 

Phận giáo viên hợp đồng như con tôm, con tép, người ta sẵn sàng đẩy ra đường, còn những người như phó hiệu trưởng H. thì được bao che, xí xóa bằng vài hình thức kỉ luật mà có cũng như không!

Nguyễn Nguyên